"Thắt chặt" quản lý học sinh sử dụng xe đạp điện, xe máy điện

06:35 | 29/06/2020
TTTĐ - Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện gia tăng khiến nhiều người nhận ra vẫn còn "khoảng trống" trong công tác quản lý, giáo dục.

Còn nhiều "khoảng trống" trong việc sử dụng và quản lý các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, trang bị các kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông

Bài liên quan

Giám sát xuất khẩu xe đạp điện xuất xứ Việt Nam sang EU

Chạy xe máy điện, xe đạp điện cần phải có bằng lái, chứng chỉ?

Bài 1: Suýt mất mạng… “diễn xiếc” bằng xe đạp điện

Xe không còn nguyên bản khi tới tay người dùng

Việc số vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe đạp điện, xe máy điện có chiều hướng gia tăng, không chỉ xuất phát từ lứa tuổi sử dụng phương tiện chưa được phổ cập kiến thức, kỹ năng xử lý mà hiện trạng các loại hình phương tiện này bị can thiệp vào động cơ vận hành cũng là một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến sự gia tăng của các vụ việc tai nạn giao thông.

Nhiều xe điện bị tác động vào động cơ vận hành
Nhiều xe điện bị tác động vào động cơ vận hành

Theo ông Nguyễn Văn Phương – Phó phòng Chất lượng xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam: "Đối với loại hình phương tiện xe điện, có 03 loại chính đó là xe đạp điện, xe máy điện và xe mô tô điện. Theo đó, đối với quy chuẩn của Việt Nam xe đạp điện được quy định là 25km/giờ; xe máy điện từ 20-50km/giờ, còn mô tô điện thì cao hơn. Các quy chuẩn tại Việt Nam hiện nay được áp dụng theo quy chuẩn quốc tế".

Tuy nhiên, hiện nay khi phương tiện lưu thông mà có vận tốc cao hơn so với quy chuẩn, hầu hết xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng nên các cửa hàng sau khi bán mới có sự can thiệp vào động cơ nhằm đáp ứng nhu cầu đó. Việc gia tăng tốc độ chỉ bằng thao tác tháo bỏ dây giới hạn tốc độ khiến nhiều cửa hàng có thể tự ý thay đổi dễ dàng.

Giải pháp quản lý học sinh đi xe đạp điện

Luật Giao thông đường bộ quy định xe đạp điện, xe máy điện là phương tiện giao thông thô sơ, do đó tiêu chuẩn chất lượng, điều kiện an toàn kỹ thuật cũng như công tác quản lý đối với các loại hình này và người điều khiển... không bị điều chỉnh chặt chẽ như đối với phương tiện giao thông cơ giới.

Còn nhiều
Còn nhiều "khoảng trống" trong việc sử dụng và quản lý các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, trang bị các kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông

Chính từ những thực trạng trên đã tạo ra nhiều "khoảng trống" trong việc sử dụng và quản lý các phương tiện khi tham gia giao thông đường bộ, trang bị các kỹ năng điều khiển phương tiện của người tham gia giao thông.

Ông Hoàng Quốc Khánh (Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng) cho biết: "Hằng năm, sở đều phối hợp với lực lượng CSGT thành phố tăng cường công tác tuyên truyền an toàn giao thông trong trường học. Đặc biệt là tháng 9 - tháng an toàn giao thông". Trong năm 2019, Sở đã ra 11 công văn, 2 kế hoạch giáo dục an toàn giao thông để tăng cường giáo dục Luật Giao thông đối với lứa tuổi học sinh.

Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với lực lượng CSGT thành phố tổ chức các buổi chia sẻ, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ tới các em học sinh
Hằng năm, Sở GD&ĐT phối hợp với lực lượng CSGT thành phố tổ chức các buổi chia sẻ, giáo dục về Luật Giao thông đường bộ tới các em học sinh

Năm 2020, tuy chịu ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo đã ra nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn các trường học tăng cường giáo dục an toàn giao thông. Mới đây nhất, ngày 18/6/2020, Sở đã ra công văn tới các trường học, trung tâm giáo dục thường xuyên tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và phòng chống tai nạn đuối nước cho học sinh sinh viên trong dịp nghỉ hè cũng như kỳ thi tốt nghiệp THPT tới đây.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh THPT). Đối tượng chủ yếu đang sử dụng xe gắn máy có dung tích xi lanh dưới 50cm3, xe đạp điện.

90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh THPT)
90% số vụ tai nạn giao thông trong những năm gần đây liên quan đến học sinh rơi vào độ tuổi 16 - 18 (học sinh THPT)

Về vấn đề này, thầy Vũ Văn Huy - Hiệu trưởng Trường THPT Hải An (quận Hải An, TP Hải Phòng) cho biết, "Học sinh của trường nếu vi phạm Luật Giao thông đường bộ bị cảnh sát giao thông gửi thông báo về trường sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm.

Thời gian qua, nhà trường liên tục tổ chức tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt, đội thanh niên xung kích cũng như các buổi họp phụ huynh của trường. Nhà trường cũng liên tục rà soát, kiểm tra, nhắc nhở các em học sinh sử dụng phương tiện trên 50cm3. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ tăng cường giáo dục Luật Giao thông đường bộ để các học sinh chấp hành đúng quy định khi lưu thông trên đường".

Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần cân nhắc khi để con em lưu thông trên đường bằng xe đạp điện, xe máy dưới 50cm3; cần hướng dẫn cho các em các quy định pháp luật về giao thông, kỹ năng chạy xe an toàn trước khi giao xe cho các em tự đến trường.

Video nhiều mối nguy hiểm tiềm ẩn khi học sinh điều khiển xe máy điện, xe đạp điện

Phạm Mạnh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/