Tọa đàm "Thành tựu văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội"

16:50 | 23/07/2020
TTTĐ - Ngày 22/7, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội tổ chức tọa đàm "Thành tựu văn học, nghệ thuật Thủ đô 10 năm sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Đông đảo văn nghệ sĩ đã đến tham dự sự kiện và đóng góp ý kiến của mình.
Tuổi trẻ Thủ đô chung tay xây dựng Nông thôn mới

Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khẳng định Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là dấu mốc, tạo đà để văn học, nghệ thuật Thủ đô phát triển, gặt hái được những thành tựu nhất định.

Một thập kỷ qua, đã có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật ra đời và đi vào đời sống. Bên cạnh việc tiếp tục phản ánh các vấn đề lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi mang tầm khái quát mới, văn học, nghệ thuật Thủ đô có sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều khía cạnh cuộc sống đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật hôm nay.

4300 vhnt
Các đại biểu tham gia trao đổi, đóng góp ý kiến cho sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô tại buổi tọa đàm.

Văn học, nghệ thuật Thủ đô cũng đã trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh hoàn thiện con người, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, nhạy bén và mạnh dạn phơi trần, lên án, tố cáo cái xấu, độc ác, đen tối, các biểu hiện biến chất, thoái hóa về nhân cách, đạo đức, lối sống của con người. Tính chiến đấu của văn học, nghệ thuật có tác dụng cảnh báo, phản biện có hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hướng tiêu cực đang nảy sinh trong đời sống xã hội thời gian qua.

Tại tọa đàm, các văn nghệ sĩ đại diện cho từng chuyên ngành đã nêu bật những thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua. Cụ thể, trong lĩnh vực văn học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội Trần Quang Quý cho biết, đội ngũ các nhà văn nhiều thế hệ gắn bó với Hà Nội vẫn không ngừng tìm tòi bút pháp, đổi mới cách thể hiện, đem lại nguồn tác phẩm dồi dào về Hà Nội hôm nay, trong đó có những tác phẩm được giải thưởng cao ở Trung ương và Hà Nội, như: "Đội gạo lên chùa" (Nguyễn Xuân Khánh), "Thành phố đi vắng" (Nguyễn Thị Thu Huệ), "Làn gió chảy qua" (Lê Minh Khuê), "Thị dân" (Nguyễn Việt Hà)...

Về sân khấu, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Trí Trắc, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Sân khấu Hà Nội cho biết, đã có hàng trăm tác phẩm nghệ thuật sân khấu từ kịch nói, cải lương, chèo, múa rối, xiếc... ra đời, đều đặn "sáng đèn" phục vụ khán giả. Bên cạnh đó, Hà Nội đã xuất hiện những đơn vị sân khấu xã hội hóa chất lượng, định hình phong cách như Sân khấu Lệ Ngọc, đoàn kịch LucTeam... đem lại đời sống nghệ thuật phong phú cho khán giả.

Theo đánh giá của nhạc sĩ Cát Vận, âm nhạc Thủ đô cũng có một thập niên sôi nổi với nhiều ca khúc về Hà Nội đi vào đời sống: Nhạc kịch "Hoa lửa" (Ngô Quốc Tính), "Nồng nàn Hà Nội" (Nguyễn Đức Cường), "Xẩm 12 mùa hoa Hà Nội" (Nguyễn Quang Long)... Những chương trình nghệ thuật đặc sắc như: "Hà Nội, ngày... tháng... năm - Những thanh xuân rực rỡ" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), "Tình yêu Hà Nội"... tạo nên nét đặc sắc của âm nhạc Thủ đô. Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, văn nghệ dân gian, kiến trúc... đều có những tác phẩm mới, phản ánh đời sống đương đại của Thủ đô, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của người dân.

Nhân dịp này, các văn nghệ sĩ cũng thẳng thắn nhìn nhận, tuy số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật tăng, đồng đều, song vẫn thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Qua đây, Thường trực Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội mong muốn các văn nghệ sĩ Thủ đô tích cực cống hiến, sáng tạo nhiều tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật có chất lượng, hướng tới kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội và xa hơn là kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Ngọc Hân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/