“Biệt thự” cho bò, và túp lều của dân?

09:15 | 28/07/2020
Nước Việt Nam ta có 54 tộc người anh em. Sự phát triển không đều giữa các tộc người, đặc biệt ở khu vực Trường Sơn, là một thực tế không hề chối cãi. Dù nhà nước ta quan tâm bảo vệ, giữ gìn, song vẫn có tộc người rất khó khăn trong việc ăn, ở, sản xuất, chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt và duy trì nòi giống.
Hé mở khu biệt thự nghỉ dưỡng độc bản bậc nhất Việt Nam Những ngôi nhà màu vàng Xu hướng sống biệt thự sinh thái lên ngôi
0959 chi tiet ben trong chuong bo 236
Nhà dân (bên trái) và chuồng bò

Người Ơ Đu ở Nghệ An còn có tên là người Tày Hạt. Tày Hạt có nghĩa là... đói rách. Theo kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê năm 2009, người Ơ đu có 376 người, đến nay có 450 người. Người Ơ Đu dùng tiếng Khơ Mú và tiếng Thái làm ngôn ngữ giao tiếp. Cuộc sống rất khó khăn. Cho nên, phải khẳng định rằng: "Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu" ở Nghệ An được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 là một chủ trương đúng đắn, hợp lý, nhân văn rất đáng hoan nghênh, rất đáng làm. “Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu”.

Một đề án rất thiết thực giàu tính nhân văn với niềm vui hân hoan ban đầu, thì kết cục lại buồn bã với những điều lẽ ra không được sai trái, khiến dư luận phẫn nộ. Đề án có kinh phí 120 tỷ đồng cho người Ơ Đu, trong đó có phần hỗ trợ sản xuất: “hỗ trợ con giống gia súc có hiệu quả kinh tế cao (cả kinh phí vắc xin tiêm phòng) với số tiền dự kiến là hơn 5,1 tỷ đồng; hỗ trợ khai hoang tạo đất sản xuất với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng; hỗ trợ cỏ, giống ngô, phân bón và các vật tư thiết yếu phục vụ nuôi, trồng và chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm hơn 1,5 tỷ đồng…”. Nhưng, có lẽ đặc biệt nhất là hạng mục hỗ trợ chuồng trại với số tiền là 12,6 tỷ đồng ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. “Trong đó, có 4 chuồng loại 1 gần 510 triệu đồng, 53 chuồng loại 3, tổng giá xây dựng hơn 7,24 tỷ đồng. Có 10 chuồng loại 2 với kinh phí lên tới hơn 2,36 tỷ đồng, tức là một chuồng bò được đầu tư kinh phí xây dựng khoảng 236 triệu đồng”.

0956 213222222222
Chuồng bò to và chắc chắn bên cạnh ngôi nhà sàn nhỏ bằng gỗ, lợp tranh tre

Ở một số nước phương Tây, người ta nuôi bò sữa công nghiệp rất khoa học, chu đáo, để đạt hiệu quả thì không có gì họ không làm. Họ cho bò nghe những bài hát dịu dàng êm ái, hay các bản hợp sướng lãng mạn để kích thích não bộ bò tạo sữa. Bò được nằm trên đệm, phun thuốc chuyên dụng bảo đảm “giường ngủ” khô ráo, thoáng mát, vô trùng. Trong phòng bò nằm có vòi sen tắm, có quạt mát, uống nước tinh khiết được bổ xung chất khoáng và các chất vi lượng nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Chuồng bò của “Đề án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu" ở Nghệ An không được nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, nuôi dưỡng như công chúa lá ngọc cành vàng như bò sữa nước ngoài, nhưng so với các đồng loại ở đất nước Việt Nam thì nó cũng xứng tầm ở... “biệt thự”. “Biệt thự” cho bò của đề án này được thiết kế có kích thước 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m. “Trước và sau chuồng bò đều có hệ thống bạt cuốn che lạnh vào mùa đông, nền nhà bê tông, phía trước là hành lang và máng đựng thức ăn, mái lợp tôn”. Nếu thi công chất lượng tốt đúng theo tiêu chuẩn của thiết kế thì trâu bò ở sướng quá.

Có cân đối không, có hợp lý không khi chuồng bò thì to và bền vững, trong khi nhà dân thì đang nhỏ bé, tồi tàn, tạm bợ? Theo ông Vi Văn Đậu - Bí Thư Đảng ủy xã Nga My, huyện Tương Dương phát biểu trên báo chí thì “Cuộc sống người dân toàn xã và người Ơ Đu còn khó khăn. Một số người Ơ Đu đã có nhà xây, số còn lại chủ yếu ở nhà sàn nhỏ bằng gỗ lợp tranh tre”. Hình ảnh các nhà sàn của người Ơ Đu nhỏ bé, cũ kỹ, ọp ẹp, để thành nhà, dỡ ra thành củi chỉ đáng giá vài triệu đồng, thậm chí chỉ vài trăm ngàn đồng. Càng xem hình ảnh các chuồng bò bên cạnh các nhà sàn của người Ơ Đu càng thấy xót xa, buồn. Nhà sàn thưng bằng tấm đan. Cột nhà và dầm sàn bằng gỗ tạp chỉ bằng bắp chân, có cột chỉ bằng bắp tay. Cầu thang cũng tạm bợ bằng tre. Mái tranh cũ xác xơ. Rõ ràng có sự vô lý ở hạng mục đầu tư: Nhà đồng bào dân tộc Ơ Đu thì ọp ẹp, xập xệ, tồi tàn. Một trận gió lốc cũng tung hê. Trong khi đó “biệt thự” cho bò thì “nguy nga, lộng lẫy” so với đồng loại. Chuồng bò thì xây kiên cố, bền vững, đẹp là mong ước, chính đáng và lý tưởng, nhưng có nên xây chuồng khủng như thế trong khi nhà dân thì tranh tre nứa lá, tạm bợ không? Không! Thực ra là... chưa nên. Xây dựng chuồng nuôi bò đắt, lãng phí một cách không cần thiết, không phù hợp, trong khi đồng bào còn đói nghèo, một chốn dung thân để chui ra chui vào còn tạm bợ..., là rất không nên. Có thể giảm kinh phí xây chuồng bò xuống một nửa, mà vẫn bảo đảm cho bò sống và phát triển, số còn lại đưa vào hạng mục đầu tư khác được không?

Nghe ra thì đề án rất hay ho, hữu ích, thể hiện sự quan tâm của nhà nước với tộc người thiểu số Ơ Đu. Dường như những người làm dự án đã quán triệt được tinh thần “cho cái cần câu cần thiết hơn cho con cá” bằng cách cho bò, và cho cả chuồng bò. Cho bò thì bò có thể kéo xe, kéo cày làm ra của cải. Cho chuồng bò thì bảo vệ, giữ gìn, chăm sóc con vật nuôi tốt hơn. Bò có thể sống sót qua mùa đông giá rét khắc nghiệt, và mùa hè bỏng rát với gió Lào ở miền Tây xứ Nghệ. Cho cần câu cá là thiết thực, nhưng nếu muốn đồng bào ấm no thì phải cho cả cách câu cá nữa. Cho cách câu cá thực ra là cho nghề. Cho cách quản lý sản xuất và sử dụng khoa học kỹ thuật, phương tiện sản xuất. Thật ý nghĩa biết bao!

Tuy nhiên, giữa lý tưởng, mong muốn và hiện thực bao giờ cũng có một khoảng cách. 67 chuồng bò ở bản Văng Môn đã hoàn thành, nghiệm thu và sử dụng hơn 1 tháng, 280 con bò cũng được cấp cho hộ gia đình người Ơ Đu. Nhưng, vẫn theo ông Đậu nói trên báo chí thì “đề án này có thực hiện việc khai hoang trồng cỏ để người dân chăn nuôi. Cụ thể có khoảng 8ha đất được sử dụng làm việc trồng cỏ, ngô. Tuy nhiên, hiện tại số diện tích cỏ và ngô sống rất ít, số còn lại để hoang không trồng, một số diện tích thì cỏ chết. Việc trồng cỏ đã không hiệu quả”. Lãng phí vô cùng!

0952 65432
Đời sống của người Ơ Đu còn nhiều khó khăn

Chủ trương thì đúng. Mục tiêu thì rõ ràng. Nhưng, khi đề án đi vào hiện thực thì nhiều triệu đồng không đến với dân bởi lãng phí, tham ô. Dư luận bùng lên. Người dân không chấp nhận được cái cách cấu véo, rút ruột đề án “ăn không từ một cái gì”. Chẳng thế mà Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam 4 tháng ông Kim Văn Bốn (SN 1982), cán bộ Ban Dân tộc tỉnh để điều tra hành vi tham ô tài sản. Hai ngày sau, ông Nguyễn Tâm Long, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Chính sách dân tộc vị bắt giam. Thêm một ngày nữa, Lê Văn Sơn - Giám đốc Công ty CP Xây dựng Văn Sơn, trụ sở tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An cũng bị bắt giữ khẩn cấp để “điều tra liên quan đến sai phạm về kinh tế trong quá trình thực hiện một số hạng mục ở đề án phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu ở xã Nga My, huyện Tương Dương, Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025”.

Khổ thân người Ơ Đu. Đến cái áo rách mà còn bị cắn bị nhặt. Hỡi các vị quan tham ô tham nhũng ở Ban dân tộc tỉnh Nghệ An ngồi ở nhà cao máy lạnh có biết tình cảnh người nghèo Ơ Đu thế nào không? Theo các tài liệu dân tộc học thì: “Người Ơ Ðu sinh sống chủ yếu bằng nương rẫy và một phần ruộng nước. Mỗi năm họ chỉ làm một vụ: phát, đốt, gieo hạt từ các tháng 4-5 âm lịch, thu hoạch vào các tháng 9-10. Công cụ làm rẫy gồm rìu, dao, gậy chọc lỗ. Chăn nuôi trâu bò, lợn gà, dê khá phát triển. Trâu, bò dùng làm sức kéo, kéo cày, lợn gà sử dụng trong các dịp cưới, nghi lễ tín ngưỡng, cúng ma... Phụ nữ đẻ ngồi tại góc nhà phía gian dành cho phụ nữ. Nhau trẻ bỏ vào ống tre đem chôn ngay dưới gầm sàn”. Xuống thực địa, nhìn căn nhà sàn tuềnh toàng hun hút gió lùa, các vị không biết xót xa? Sao nỡ bòn rút của tộc người thiểu số nghèo khó?

Dân gian có câu “Thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, làm nghề gì ăn nghề ấy. Ăn nghề ấy cũng phải chọn mặt khách hàng mà ăn, chọn người mà ứng xử cho phù hợp. Làm gì cũng phải có lương tâm nghề nghiệp. Người Ơ Đu trong nhóm 5 tộc người thiểu số dưới 1.000 nhân khẩu đang cần được bảo vệ, giữ gìn, phát triển. Cho họ còn không đủ, sao nỡ tham lam ăn cả đồ tặng, của cho của người đói rách?

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/