Vấn đề sức khỏe tâm thần đang bị bỏ quên

15:23 | 10/09/2020
TTTĐ - “Nhịp tim của tôi trở nên nặng trĩu. Tôi thường xuyên cảm thấy khó thở hơn. Tay còn run và vã mồ hôi nữa”. Đây là những gì mà cô Aritri Paul sống tại Kolkata, Ấn Độ gặp thường xuyên hơn kể từ khi quốc gia này bắt đầu thực hiện lệnh phong tỏa do dịch Covid-19 vào hồi tháng 3. Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm bệnh mà còn làm gia tăng khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Gia tăng khủng hoảng sức khỏe tâm thần

Ngay cả khi Chính phủ Ấn Độ bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế vào tháng 6, những ảnh hưởng của việc phong tỏa đối với sức khỏe tâm thần của người dân vẫn gia tăng. Ấn Độ hiện ghi nhận hơn 4,2 triệu trường hợp nhiễm Covid-19, đưa nước này trở thành vùng dịch lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

“Điều tồi tệ nhất là những cơn đau đầu và đôi mắt của tôi. Những cơn hoảng loạn trong năm nay có thể nhiều hơn so với cả cuộc đời tôi cộng lại”, cô Paul kể.Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tổ chức Phòng chống Tự tử ở Ấn Độ (SPIF) vào tháng 5 cho thấy gần 65% trong số 159 chuyên gia sức khỏe tâm thần tham gia khảo sát cho biết bệnh nhân của họ có xu hướng tự làm hại bản thân hơn.

Cuộc khảo sát khác vào tháng 4 của Hiệp hội Tâm thần Ấn Độ, cho thấy, trong số 1.685 người tham gia, 40% đang gặp phải các chứng rối loạn sức khỏe tâm thần phổ biến, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm do đại dịch.

Aritri Paul cho biết cô đã phải trải qua nhiều cơn hoảng loạn hơn kể từ khi xảy ra đại dịch Covid 19 (Ảnh: CNN)
Aritri Paul cho biết cô đã phải trải qua nhiều cơn hoảng loạn hơn kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 (Ảnh: CNN)

Mặc dù các lệnh phong tỏa đã được nới lỏng nhưng dường như tình hình chưa được cải thiện. Thậm chí, ngày càng nhiều người có thể gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần khi họ cảm thấy lo lắng và không chắc chắn về việc khi nào đại dịch sẽ kết thúc.

Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, Ấn Độ là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất ở khu vực Nam Á. Số liệu thống kê năm 2016 cho thấy cứ 100 nghìn người dân Ấn Độ thì có 17 người tự tử. Hiện nay, theo các chuyên gia y tế, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần của nước này đang bị đẩy đến mức giới hạn.

Ông Nelson Moses, người sáng lập SPIF cho biết: “Hệ thống này vốn đã hoạt động ọp ẹp và quá tải. Giờ đây với tình hình dịch Covid-19, chúng tôi đang phải trải qua thảm họa do số bệnh nhân tăng vọt, nguồn cung thuốc men thiếu thốn và nhân viên y tế mệt mỏi”.

Cuộc chiến kép

Đại dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các bệnh nhân nhiễm bệnh mà còn làm gia tăng khủng hoảng sức khỏe tâm thần.

Đầu tháng 8, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thực hiện cuộc khảo sát online trong 1 tuần về những ảnh hưởng tâm thần mà nhiều người dân nước này trải qua do đại dịch Covid-19. 5.500 người dân Mỹ trong độ tuổi trưởng thành đã tham gia. Kết quả, 31% người được hỏi cho biết đã từng trải qua triệu chứng trầm cảm hoặc lo âu; 26% có các triệu chứng rối loạn liên quan đến căng thẳng, 13% cho biết họ bắt đầu hoặc tăng việc sử dụng các chất kích thích; Thậm chí, 11% số người tham gia cho biết họ đã từng cân nhắc việc tự tử.

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề tâm thần này được cho là bắt nguồn từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các biện pháp ngăn dịch hiện nay như: Phong tỏa đất nước, giãn cách xã hội hay yêu cầu người dân phải ở trong nhà trong một thời gian dài.

Tại Đảo quốc sư tử, đường dây nóng chăm sóc quốc gia được thiết lập từ tháng 4/2020 đã nhận được 23.000 cuộc gọi tư vấn về vấn đề tài chính lẫn tâm lý liên quan đến dịch Covid-19. Mặc dù trước đó Singapore đã cho đóng cửa dịch vụ điều trị tâm lý trong giai đoạn đầu chống dịch nhưng phải nhanh chóng mở cửa trở lại theo yêu cầu của các chuyên gia tâm lý.

Vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng do dịch Covid 19 (Ảnh: Getty)
Vấn đề sức khỏe tâm thần đang gia tăng do dịch Covid-19 (Ảnh: Getty)

Hồi tháng 5, Liên hiệp quốc đã từng cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể gây ra cuộc khủng hoảng tâm thần cho con người. Theo đó, từ giai đoạn đầu của đại dịch, sức khỏe thể chất là mối quan tâm chính nhưng đến nay, nhiều người dân trên khắp thế giới rơi vào tình trạng căng thẳng tinh thần.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc, ông Antonio Guterres đã lên tiếng cảnh báo: “Sau nhiều thập niên các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần đã bị lãng quên và thiếu đầu tư, đại dịch Covid-19 đang khiến nhiều gia đình và cộng đồng bị stress. Ngay cả khi thế giới kiểm soát được đại dịch, những chứng bệnh như rối loạn lo âu và trầm cảm sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi người và cộng đồng”.

Theo ông Antonio Guterres, nhiều người trở nên căng thẳng tinh thần do lo sợ họ và người thân có thể bị nhiễm hoặc tử vong vì Covid-19. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng có tác động tâm lý đối với nhiều người đã thất nghiệp, có cuộc sống bấp bênh và phải ở nhà vì lệnh phong tỏa nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19.

Một nghiên cứu được thực hiện tại vùng Amhara ở Ethiopia cho thấy, 33% dân số có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm, cao gấp 3 lần so với trước khi đại dịch bùng phát hồi cuối năm ngoái. Ở Iran, con số này lên tới 60% và Mỹ là 45%.

Bà Kestel, người đứng đầu bộ phận sức khỏe tâm thần của WHO cũng chia sẻ rằng bên cạnh những người bình thường thì đội ngũ nhân viên y tế cũng đang phải chịu đựng căng thẳng và dễ bị tổn thương hơn. Tại Canada, gần một nửa nhân viên y tế ở nước này cho biết họ cần hỗ trợ điều trị tâm lý.

Số ca mắc Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng Số ca mắc Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng

TTTĐ - Ấn Độ hiện đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19. Tính đến ...

Dịch bệnh Covid-19 và những di chứng lâu dài Dịch bệnh Covid-19 và những di chứng lâu dài

TTTĐ - Trước khi Daniela Alves (ở thủ đô London, Anh) bị nhiễm Covid-19 vào tháng 3, cô gái 31 tuổi này thường xuyên làm ...

Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại mãi Virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại mãi

TTTĐ - Ông Mark Walport, thành viên Tổ tư vấn khoa học cho các tình huống khẩn cấp của Anh (SAGE) cảnh báo rằng virus ...

Ngọc Ly

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/