Bệnh “quan cách”

08:07 | 15/08/2020
Nhiều người, có những việc muốn làm, có những nơi muốn đến nhưng chỉ vì ngại mình đã làm quan rồi, nhỡ đâu làm thế nó… kém sang đi, nên lại thôi.
Bệnh “quan cách”
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cảnh báo về những ông “quan cách mạng”

Tôi có người bạn là tổng biên tập một tờ báo. Tôi với anh có mối quan hệ thâm giao từ lúc anh mới vào làm phóng viên, rồi lần hồi lên biên tập viên, thư ký tòa soạn, phó tổng và cuối cùng là tổng biên tập.

Thi thoảng có bài vở phù hợp tôi vẫn gửi đến báo của anh và dù có quen biết hầu hết phóng viên và biên tập viên ở tòa soạn đó, tôi vẫn cứ gửi vào hộp thư điện tử của anh như trước đây. Một lần nọ, tôi lại gửi bài đến nhưng là gửi giúp một người bạn.

Bẵng đi một tháng, tôi hỏi anh bài báo bữa trước tôi gửi có ổn không và nếu không thể sử dụng được thì cứ bảo cho tôi biết để tôi nói lại với tác giả cho cô ấy chủ động xử lý bài vở. Anh trả lời loanh quanh, đại khái, lúc bảo đã in rồi, lúc bảo không nhớ là bài gì, lúc bảo chưa nhận được. Sau đó nói thêm vẻ phật ý: “Em có thấy ông tổng biên tập nào phải nhớ từng bài của cộng tác viên hay không?”.

Từ đó, tôi không bao giờ quay lại tờ báo ấy nữa, dù đã cộng tác đến gần 20 năm, qua nhiều đời tổng biên tập, coi như cũng mất luôn một người bạn. Lúc ấy tôi chợt nhớ ra, nhiều lần ra mắt sách của mình, từ ngày lên chức anh không bao giờ có mặt, dù tôi luôn mời anh đến dự với danh nghĩa một người bạn chứ không phải tư cách báo chí, dù những hôm ấy anh cũng chẳng bận rộn gì. Anh luôn ủng hộ mọi bài viết về tác phẩm mới của tôi, nhưng không bao giờ đến dự, chỉ vì: “Những cái đó để phóng viên đi chớ anh đi thì còn ra làm sao.”

Tôi lại nhớ ra một điều nữa, ở xứ này, hình như rất hiếm người lên chức “quan” mà lại không mắc “bệnh quan” dù cái chức quan ấy có vĩ đại hay chỉ bé xíu một khoảnh. Cũng là bởi tôi cũng có kha khá bạn bè lâu năm, đã giao du từ lúc họ còn chưa “quan”, rồi đến lúc thành “quan”, mà anh tổng biên tập kia chỉ là một trong số.

Nhiều người, có những việc muốn làm, có những nơi muốn đến nhưng chỉ vì ngại mình đã làm quan rồi, nhỡ đâu làm thế nó “kém sang” đi nên lại thôi. Người khác trông vào, thấy “quan” thì phải ngồi trên cao, phải đứng riêng một chỗ chứ quần chúng quá người ta coi thường.

Thành thử có bận tôi đi dự gala của một công ty tổ chức ở resort mãi tận miền Trung, thấy giám đốc công ty ra phát biểu mở màn, xong đâu đấy uống ly rượu vang chúc mừng rồi chỉ dăm phút sau đã lui về phòng nghỉ, để mặc cho tập thể nhân viên và các trưởng phó phòng tự liên hoan với nhau.

Tiệc của một công ty con con mà còn như vậy, hèn chi các buổi lễ chào mừng, cắt băng khánh thành, mời được quan chức đến cho một lúc cũng đã là may lắm. Các khách VIP hiện hữu được mươi phút đầu cho sang sự kiện, rồi nhanh chóng và lặng lẽ rời khỏi khán phòng, điều sẽ được coi là vô cùng bất lịch sự ở nhiều quốc gia khác, thì thành ra bình thường đối với người Việt.

Một lần nọ, tôi cho học trò lớp Quan hệ công chúng tự tổ chức một sự kiện từ A đến Z, coi như bài thi thực hành, tôi chỉ là người quan sát, điều phối và chấm điểm. Một sinh viên được giao nhiệm vụ đối ngoại cuối buổi lên báo cáo danh sách khách mời. Cậu ta hớn hở: “Em mời được thầy hiệu trưởng rồi cô ạ”.

Tôi thờ ơ bảo: “Ừ nhưng thầy không đi đâu”. Học trò kinh ngạc và bất mãn vì thái độ đầy hoài nghi của tôi, cậu ta thề sống thề chết rằng: “Thầy còn hứa trước mặt chúng em”.

Tôi vẫn nhún vai vì sự “chưa từng trải” của trò, bảo rằng rồi trò sẽ thấy. Quả nhiên, đến ngày sự kiện, cả lớp chờ hoài lời hứa của thầy mà thầy đã lên ô tô về nhà từ lúc nào.

Đã quen quá với văn hóa “quan sang” ở nhà rồi nên lâu ngày tôi cũng thấy bình thường, chỉ là người nào làm bạn từ hồi chưa thành quan, đến khi thay đổi ra thói quan cách thì mới gây buồn bực thôi. Tuy nhiên cũng có một chuyện lạ làm tôi nhớ mãi, ấy là hồi đầu năm 2016, tôi được mời đến giảng bài vài buổi ở Trường trung học Sintermeerten, Hà Lan.

Ngày cuối cùng, tôi giao lưu với các lớp khối 12 ở hội trường lớn. Lúc ấy tôi chợt nhìn thấy có vài giảng viên đứng ở phía cuối phòng. Vì thiếu ghế nên họ đành nhường chỗ cho sinh viên, chớ nhất định không chịu ngồi hàng ghế đầu như tôi vẫn quen nhìn thấy ở nước ta (dù là trong ngày khai giảng của một lớp học lợp lá ở miền núi, các học trò nhỏ ngồi xổm trên nền đất dưới mưa phùn còn thầy cô giáo và quan chức địa phương ngồi chễm chệ trên ghế dài).

Trong số những người đang đứng ấy có một vị mặc áo len chui đầu khoanh tay chăm chú lắng nghe từ đầu đến cuối trong suốt hơn một tiếng đồng hồ. Buổi gặp mặt kết thúc, cũng chính người này tự tay đẩy xe cà phê ra ngoài. Lập tức tôi hỏi nhỏ một giáo viên:

- Người này là ai thế?

- Ô, sếp của tôi đấy. Hiệu trưởng Paul Thonissen.

Từ lúc ấy tôi đâm ra để ý và vô cùng kinh ngạc vì phong cách giản dị của thầy hiệu trưởng. Tôi đã làm việc trong ngành giáo dục 20 năm, cộng thêm 19 năm đi học nữa, vị chi là ngót 40 năm tiếp xúc với ngành, ấy thế mà tôi chưa từng thấy ngài hiệu trưởng nào tham gia ngoại khóa với học trò bao giờ, đặc biệt là những buổi ngoại khóa nhỏ mang tính chuyên môn.

Thậm chí, thời đại học tôi còn không biết mặt, biết tên hiệu trưởng nếu như không có chữ ký của ngài ấy trên tấm bằng tốt nghiệp.

Có một buổi sáng, thầy Paul Thonissen đích thân đến khách sạn để đón nhóm chúng tôi tới trường, có lẽ vì phần lớn giáo viên trong trường đi xe đạp, hoặc cũng có thể do các giáo viên còn đang phải lên lớp thì thầy đi thay, hay cũng chỉ đơn giản là thầy muốn tự tay làm mọi việc như đẩy xe cà phê vậy. Thầy bảo thầy không đi xe đạp như các thầy giáo khác được vì nhà xa trường lắm, những hơn 20 cây lận.

Trên đường đến trường, chúng tôi nhìn thấy thầy Dick dạy văn hối hả guồng chân đạp xe lên dốc. Thầy hiệu trưởng liền đi chậm lại bấm còi pim pim một cách hài hước để chọc thầy Dick. Buổi tối hôm ấy, tôi ra mắt sách ở Nhà văn hóa Heerlen, thầy cũng đến dự và ngồi từ đầu đến cuối như hôm dự buổi giao lưu của tôi với các trò.

Sự giản dị, gần gũi học trò và tinh thần trách nhiệm của thầy hiệu trưởng Paul Thonissen không thể không khiến tôi liên tưởng tới phó hiệu trưởng Kang Min-Kyu của Danwon, trường học có 250 học sinh chết bi thảm sau tai nạn chìm phà hồi 16/4/2014.

Hiệu phó Kang Min-Kyu sau khi được cứu sống khỏi chiếc phà đã để lại bức thư tuyệt mệnh nói rằng ông quá ân hận vì mình còn sống trong khi những người khác thì bị chìm, và càng day dứt nghĩ rằng đó là lỗi của mình khi chuyến đi xuất phát từ ý tưởng của ông. Hiệu trưởng của trường Danwon cũng từ chức ngay sau đó.

Trong di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người căn dặn: “Phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Câu “người đầy tớ của nhân dân” từ bấy trở nên nổi tiếng, vì nó có vẻ lạ lùng và độc nhất vô nhị trên thế giới. Tuy nhiên, bắt “quan” phải hành xử như “đầy tớ” thì thực khó khăn, bởi chỉ cần tác phong hòa đồng với “người thường” thôi cũng đã là chuyện lạ được tuyên dương rồi.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khiến các đồng bào Pháp quốc không mấy thiện cảm là do luôn giữ hình ảnh sang trọng, xa rời người dân, thường xuyên đón tiếp các cuộc họp ngoại giao ở phòng dát vàng của điện Elysee. Rồi thêm cả câu chuyện được đăng tải trên báo giới, khi có phóng viên chứng kiến ông Macron phật ý nhắc nhở một thanh niên đang háo hức được gặp tân tổng thống, rằng anh ta không nên gọi ông bằng tên thân mật mà phải gọi là “ngài tổng thống”.

Chính vì sự mất thiện cảm này, cộng thêm sự giận dữ từ các chính sách “thân giới nhà giàu” của Macron mà các phong trào biểu tình Áo vàng liên tục diễn ra khiến cả nước Pháp mất ăn mất ngủ. Tổng thống Pháp ngay sau đó đã phải thực hiện một điều chưa từng có trong lịch sử chính trị nước này là đứng ra đối thoại trực tiếp với dân chúng trên quy mô toàn quốc. Đồng thời, ông tăng cường vi hành đến các tổ chức xã hội, thậm chí là kiên nhẫn lắng nghe toàn bộ một cuộc đàm thoại trên đường dây nóng về bạo lực gia đình và lập tức đưa ra cách giải quyết cho người phụ nữ bất hạnh ở đầu dây bên kia.

Đến tổng thống Pháp cũng phải thay đổi cách cư xử cho đỡ phần “quan” đi. Chẳng hóa ra “quan cách” nó đâu sang thêm tẹo nào, mà lại gây thêm phần oán ghét đó hay sao.

Nhà văn Di Li

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/