Bất động sản mua chung RealStake: Mật ngọt hay trái đắng?

14:15 | 22/09/2020
TTTĐ - Chỉ cần vốn đầu tư ban đầu tối thiểu chưa tới 20 triệu đồng là trở thành nhà đầu tư bất động sản với cam kết lợi nhuận hấp dẫn từ 6 - 25%/năm. Đó là lời tư vấn “có cánh” của nền tảng mua chung bất động sản RealStake, mô hình đầu tư được quảng cáo là lần đầu tiên xuất hiện. Sự thật có phải vậy?
Bất động sản đón đầu sự phục hồi của kinh tế Việt Nam Giải pháp đầu tư bất động sản sau làn sóng Covid-19 thứ hai Những điểm đáng lưu ý của bất động sản công nghiệp trong đại dịch Covid-19 Thị trường bất động sản: Ứng dụng công nghệ cho Xanh hơn

“Đầu tư bất động sản 4.0” - ít tiền, lợi nhuận cao, không rủi ro?

Trong vai một nhà đầu tư “ít tiền nhưng mong muốn có lợi nhuận cao”, phóng viên đã nhận được hướng dẫn rất nhiệt tình của nhân viên tư vấn RealStake, hẹn cà phê trao đổi trực tiếp lẫn tư vấn online. Theo đó, RealStake được quảng cáo là “nền tảng công nghệ cho phép nhiều người cùng đầu tư và chia sẻ lợi nhuận từ các bất động sản tiềm năng. Các bất động sản được đánh giá và lựa chọn bởi đội ngũ chuyên gia một cách khách quan. Khách hàng có thể tự chọn đầu tư bất động sản mình yêu thích với số vốn vừa khả năng của mình”.

Cụ thể, mức cam kết lợi nhuận tối thiểu của RealStake đối với nhà đầu tư là 6%/năm, phụ thuộc vào từng dự án nhất định. Cũng theo đơn vị này, các bất động sản đang trong tiến độ xây dựng, mới mở bán bởi chủ đầu tư sẽ là kênh đầu tư mang lại mức lợi nhuận cao hơn, ước tính lên tới 25%/năm.

Theo quảng cáo trên website realstake.net, mô hình mua chung bất động sản qua nền tảng RealStake có nhiều ưu điểm so với loại hình đầu tư bất động sản truyền thống, như vốn ít (chỉ từ 20 triệu đồng), tính thanh khoản cao (RealStake cam kết mua lại bất cứ lúc nào trong 2 năm đầu).

Hình thức kinh doanh bất động sản Real Stake được quảng cáo với nhiều ưu thế vượt trội
Hình thức kinh doanh bất động sản RealStake được quảng cáo với nhiều ưu thế vượt trội

Để cho dễ hiểu, mỗi bất động sản được RealStake đăng tải trên trang điện tử sẽ được chia thành nhiều phần giống nhau với số lượng và giá trị của phần sở hữu tùy thuộc vào mỗi bất động sản.

Mỗi nhà đầu tư có thể sở hữu một hoặc nhiều phần của một bất động sản, việc giao dịch mua bán giữa các nhà đầu tư cũng dựa trên đơn vị phần sở hữu. Ví dụ, căn hộ ở dự án Akari City (Bình Tân, TP HCM) được chia thành 100 phần, mỗi phần hơn 29 triệu. Trên trang web của RealStake dự án này được quảng cáo là đã bán hết cho các nhà đầu tư với mức cam kết lợi nhuận tối thiểu là 6%/năm (có tiềm năng lên tới 14%/năm). Lợi nhuận được tính theo ngày và chi trả cho nhà đầu tư sau mỗi 12 tháng.

Một căn hộ thuộc dự án Akari City được quảng cáo là đã “bán hết” 100 phần cho các khách hàng, thế nhưng RealStake mới là “chính chủ sở hữu”
Một căn hộ thuộc dự án Akari City được quảng cáo là đã “bán hết” 100 phần cho các khách hàng, thế nhưng RealStake mới là “chính chủ sở hữu”

Nếu nhà đầu tư còn ngần ngại thì RealStake cho biết 100% giá trị trong hợp đồng được Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng thư bảo lãnh. Điều đó có nghĩa là nếu có rủi ro xảy ra, trong trường hợp RealStake không thực hiện cam kết của mình thì Ngân hàng Bản Việt sẽ thay mặt hoàn trả khoản tiền đầu tư cho khách hàng.

Mật ngọt hay trái đắng?

Theo phân tích của một chuyên gia kinh tế (đề nghị giấu tên) cho biết, theo cách tính mà phía RealStake đưa ra, với số tiền 50 triệu đồng/phần cho một BĐS trị giá 5 tỷ đồng (tương đương với 100 nhà đầu tư cùng tham gia) với mức cam kết lợi nhuận là 6%/năm.

Giả sử sau 2 năm, giá trị của BĐS này tăng, được bán với giá 6 tỷ đồng, sau khi giảm các loại chi phí thì số tiền mỗi nhà đầu tư một phần thu về sẽ rơi vào khoảng gần 60 triệu đồng cả gốc và lãi; Đổi lại, RealStake sẽ nhận được 150 triệu đồng cho 15% lợi nhuận khi BĐS này tăng giá và giá trị cho thuê BĐS này trong 2 năm (nếu có).

So sánh với lãi suất gửi ngân hàng thì rõ ràng đầu tư vào BĐS mua chung của RealStake ưu thế hơn. Tuy nhiên, đó là kịch bản diễn ra trong điều kiện hoàn hảo nhất...

RealStake lại xuất hiện một số vấn đề nổi cộm từ việc BĐS hình thành trong tương lai có khả năng gặp rủi ro khi có sự điều chỉnh về quy hoạch cho tới nhà đầu tư không thực sự sở hữu BĐS mà RealStake mới là chính chủ đứng tên. Trong khi đó, RealStake lại đặt trụ sở chính ở Singapore chứ không phải tại Việt Nam.

Một điểm lợi nữa cho RealStake khi họ không phải bỏ ra đồng vốn nào bởi BĐS đã được các nhà đầu tư cùng “góp vốn mua chung”, thậm chí còn đứng tên chủ sở hữu tài sản. Bản thân, RealStake còn thu về được lợi nhuận “khủng” từ hoa hồng cho mỗi BĐS được giao dịch. RealStake khá chắc chắn và an toàn tài chính còn nhà đầu tư thì… chưa chắc.

Bất động sản mua chung Real Stake được ngân hàng Bản Việt phát hành chứng thư đảm bảo thanh toán
Bất động sản mua chung RealStake được Ngân hàng Bản Việt phát hành chứng thư đảm bảo thanh toán

Để làm rõ thêm vấn đề, phóng viên đã trực tiếp đến đặt lịch làm việc với Công ty Cổ phần Real Stake Việt Nam (địa chỉ tại số 222 Điện Biên Phủ, Phường 7, Quận 3, TP HCM), nhưng nhiều ngày qua vẫn chưa gặp được người có trách nhiệm phát ngôn của công ty này.

Trong quá trình tìm hiểu và được chuyên gia phân tích, phóng viên còn phát hiện nhiều vấn đề về pháp lý và “những điều khoản khôn ngoan trong hợp đồng” của RealStake khi đẩy rủi ro (nếu có) về phía khách hàng.

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Hà Thành

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/