Đại dịch tàn phá ngành nông nghiệp Ấn Độ

14:31 | 22/09/2020
TTTĐ - Đại dịch Covid-19 không chỉ tàn phá ngành du lịch, hàng không, dịch vụ… nó còn như một cơn bão càn quét đến ngành nông nghiệp. Đóng cửa đất nước đã khiến nhiều nông dân Ấn Độ gặp khó khăn chồng chất, lâm vào cảnh nợ nần và thậm chí là tự tử…
Duy trì hoạt động ngành nông nghiệp trong mùa dịch bệnh

Hệ luỵ từ chính sách phong tỏa

Ông Randhir Singh lâm vào cảnh nợ nần chồng chất khi đại dịch xảy ra. Nhìn cánh đồng bông bạc màu của mình bên cạnh đường ray xe lửa, ông đi vòng quanh trong vô vọng. Đầu tháng 5, ông Randhir đã tự sát trên chính đường ray cạnh cánh đồng bông của mình.

“Đây là điều chúng tôi lo sợ. Tình trạng phong tỏa đã giết chết cha tôi”, Rashpal Singh, 22 tuổi, con trai của Randhir Singh, nghẹn ngào khóc trong ngôi nhà của gia đình mình ở Sirsiwala, một ngôi làng nhỏ ở bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ.

Sau khi lệnh đóng cửa tại Ấn Độ được gia hạn lần thứ ba, ông Randhir Singh cho rằng mình sẽ không bao giờ thoát khỏi cảnh nợ nần, người thân trong gia đình ông kể lại.

Nhiều tháng trước, khi Chính phủ Ấn Độ áp đặt một trong những lệnh đóng cửa nghiêm ngặt nhất thế giới để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, sinh kế của những người nông dân như Randhir đã bị sụp đổ. Trang trại rộng gần nửa hecta của ông hầu như không sản xuất đủ bông để trang trải chi phí. Thậm chí, tình trạng đóng cửa còn cướp nốt công việc phụ của ông là tài xế xe buýt.

Theo ước tính, 200 triệu người có thể bị đẩy vào đói nghèo do dịch Covid 19 (Ảnh: Gulfnews)
Theo ước tính, 200 triệu người có thể bị đẩy vào đói nghèo do dịch Covid-19 (Ảnh: Gulfnews)

Tại Punjab, nơi số ca mắc Covid-19 tăng đột biến, lệnh đóng cửa lại được áp dụng. Các nhà kinh tế cho biết, những biện pháp này đang đẩy hàng triệu hộ gia đình vào cảnh nghèo đói và góp phần gây ra thảm kịch kéo dài, đó là các vụ tự tử của nông dân.

Các trang trại bị phá sản và những khoản nợ đã hành hạ ông Randhir là nguồn gốc dẫn đến tình cảnh khốn cùng của nông dân Ấn Độ trong nhiều thập kỷ. Các chuyên gia cho rằng, tình cảnh này đã tiến lên một cấp độ mới trong đại dịch.

Giáo sư kinh tế Vikas Rawal tại Đại học Jawaharlal Nehru ở thủ đô New Delhi, đã dành 25 năm để nghiên cứu về tình cảnh của nông dân Ấn Độ. Ông cho rằng, hàng nghìn người sống và làm việc trong các trang trại rất có thể đã tự sát trong vài tháng qua.

Ấn Độ hiện đang là quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh nhất thế giới. Ấn Độ đã thay thế Brazil trở thành tâm dịch lớn thứ hai thế giới sau nước Mỹ, với hơn 4 triệu ca nhiễm Covid-19.

Chồng chất những khó khăn

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia, vào năm 2019, tổng cộng 10.281 nông dân và công nhân nông trại chết do tự sát trên khắp đất nước. Tự sát vẫn là một tội ác ở Ấn Độ và các chuyên gia cho rằng con số thực tế còn cao hơn nhiều vì hầu hết mọi người đều lo ngại bị kỳ thị khi trình báo vụ việc.

Theo số liệu của Chính phủ Ấn Độ, trong 5 năm qua, số vụ tự tử của nông dân ở Punjab đã tăng hơn 12 lần. Trên bản tin địa phương, hầu như mỗi ngày đều có ba đến bốn vụ tự tử ở nông trại được báo cáo.

Tại Punjab, những cánh đồng xanh tươi trải dài đến tận chân trời che dấu hàng thập kỷ nợ nần chồng chất và khai thác đất đai quá mức. Vào những năm 1960, Chính phủ đã giới thiệu các giống lúa và lúa mì năng suất cao giúp Ấn Độ tự túc được ngũ cốc. Tuy nhiên, những năm qua, mực nước ngầm đã giảm xuống mức nghiêm trọng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

Vật lộn để cứu mùa màng, những người nông dân đã đào giếng sâu hơn nữa. Để chống lại sự tấn công ngày càng tăng của sâu bệnh, họ đã dùng chất hóa học ở đồng ruộng của mình. Chi phí nông nghiệp tăng vọt khiến nông dân phải gánh thêm nợ và tình cảnh mùa màng thất bát trong nhiều năm, cuối cùng đã phá hủy nhiều thế hệ gia đình nông thôn.

(Ảnh: Ramkumar Radhakrishnan)
Không thể bán nông sản, nhiều nông dân đã đốt trang trại của mình hay vứt bỏ trái cây, rau quả trên đường (Ảnh: Ramkumar Radhakrishnan)

Hai mươi năm trước, cha của Nirmal Singh đã uống một chai thuốc trừ sâu để tự tử khi mất gần hết đất đai mà ông sở hữu cùng với khoản nợ khổng lồ gần 2 triệu rupee (khoảng 26.700 đô la Mỹ). Sau đó em gái của Nirmal cũng đã tự kết liễu đời mình vì gia đình không đủ khả năng lo chi phí đám cưới.

Năm 2016, con trai 23 tuổi của Nirmal cũng đã chọn cái chết sau khi khi cánh đồng bông của họ bị sâu bệnh tàn phá. Hiện tại, Nirmal đang bị mắc kẹt với khoản nợ 20.000 đô la Mỹ. Đây là số tiền mà ông dùng để duy trì hoạt động của trang trại trong nhiều năm qua.

Riêng tại ngôi làng của ông, hầu như tháng nào cũng có một vụ tự tử. “Chúng tôi không còn nước mắt nữa. Tình trạng này đã biến trái tim của chúng tôi thành đá rồi”, ông Nirmal nói.

Ông Nirmal cho biết phải chi nhiều tiền hơn để điều hành trang trại của mình những ngày này, do tình trạng đóng cửa đất nước vì đại dịch đã khiến chi phí nguyên liệu tăng.

Khi nông dân ở Punjab bắt đầu gieo sạ lúa trong đại dịch, họ không thể tiếp cận với nguồn lao động nông nghiệp. Họ tranh nhau sắp xếp và trả tiền cho xe buýt, máy kéo hay bất cứ thứ gì họ có thể tìm được chỉ để đưa những công nhân từ các bang miền Bắc Bihar và Uttar Pradesh tới. Bên cạnh đó, tuyệt vọng và không có việc làm trong gần 3 tháng vì bị đóng cửa, các công nhân đã yêu cầu mức lương gấp đôi, gấp ba lần bình thường.

Trong những ngày đầu đóng cửa, nông dân bị hạn chế đến mức họ chỉ có thể đưa một phần nhỏ sản phẩm của họ ra thị trường. Không thể bán nông sản, họ đã đốt trang trại của mình và vứt bỏ trái cây, rau quả trên đường.

Tất cả những vấn đề đó càng làm chi phí duy trì nông trại tăng cao hơn, đồng nghĩa với việc nợ nần ngày càng chồng chất hơn.

Ấn Độ: Nạn tảo hôn gia tăng vì đại dịch Covid-19 Ấn Độ: Nạn tảo hôn gia tăng vì đại dịch Covid-19

TTTĐ - Ấn Độ là quốc gia chiếm tới 1/3 số cô dâu tảo hôn trên thế giới. Theo số liệu năm 2019 từ Quỹ ...

Số ca mắc Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng Số ca mắc Covid-19 tại nhiều quốc gia tiếp tục tăng

TTTĐ - Ấn Độ hiện đang đứng thứ 3 trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19. Tính đến ...

Ngọc Ly

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/