Hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp cho các lao động về nước sau khi hết hợp đồng

21:19 | 23/10/2020
TTTĐ - Người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước là nguồn nhân lực có chất lượng, do đó cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực này. Muốn thế phải có chính sách cụ thể để khuyến khích nguồn nhân lực này khởi nghiệp, tìm được việc làm phù hợp với trình độ.
Rút ngắn thời gian cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài tại TP HCM Đặt mục tiêu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2020 Giải đáp vướng mắc trong thực hiện BHXH cho lao động nước ngoài

Đó là ý kiến của đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), diễn ra chiều nay (23/10).

Đại biểu Lưu Thành Công đề nghị quy định chặt chẽ việc tuyển chọn người lao động của các doanh nghiệp, vì thực tế, nhiều doanh nghiệp tuyển nhiều nhưng không đưa được người lao động đi, khiến người lao động mất nhiều chi phí, thời gian chờ đợi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa
Đại biểu Phạm Văn Hòa

Mặt khác, người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi trở về nước là nguồn nhân lực có chất lượng, do đó cần tận dụng tối đa nguồn nhân lực này. Muốn thế phải có chính sách cụ thể để khuyến khích nguồn nhân lực này khởi nghiệp, tìm được việc làm phù hợp với trình độ.

“Đưa người lao động đi làm việc nước ngoài cần được xác định không chỉ là tạo công ăn việc làm trước mắt mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nhân lực của quốc gia”, đại biểu Lưu Thành Công nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) ủng hộ chủ trương hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp cho các lao động về nước sau khi hết hợp đồng, bởi đây là lực lượng đã được đào tạo, có tay nghề, thu hút họ vào các cơ sở sản xuất hoặc đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho lao động trong nước.

“Thời gian qua có địa phương làm tốt, có nơi sự quan tâm còn rất hạn chế, dẫn đến một bộ phận không nhỏ người lao động tại nước ngoài khi về nước không có công ăn việc làm, chỉ “ăn không ngồi rồi”, rồi một thời gian ăn tiêu hết tiền lại tiếp tục đi làm thuê”, ông Hoà nêu vấn đề và nhấn mạnh tạo chính sách việc làm cho lao động hết hạn về nước là rất cần thiết.

Ông Hòa cũng đồng tình việc cần thiết phải quy định cụ thể về quy trình sơ tuyển, để đảm bảo chất lượng lao động, đồng thời tránh tình trạng đào tạo nhiều nhưng số lượng đi ít, gây lãng phí cho người lao động và xã hội.

“Trong thực tế có doanh nghiệp cố tình đào tạo nhiều để thu phí nhưng đưa đi lao động rất ít, gây thắc mắc, người lao động phải mắc nợ, vay khó trả”, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp nói, đồng thời đề nghị việc doanh nghiệp thu tiền dịch vụ (chứng chỉ ngoại ngữ, thủ tục xuất nhập cảnh…) phải thống nhất theo quy định của cơ quan nhà nước, tránh tình trạng mỗi doanh nghiệp thu một mức khác nhau, gây thiệt thòi lợi ích cho người lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm

Về chính sách của Nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ có quy định chi tiết về bình đẳng giới, có biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động ở các mảng việc nhạy cảm có nguy cơ bị xâm hại...

Riêng về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, một số ý kiến không tán thành việc tiếp tục duy trì quỹ; Một số ý kiến đề nghị làm rõ sự cần thiết của quỹ; Một số ý kiến tán thành duy trì quỹ nhưng cần quy định cụ thể hơn về mục tiêu, nguyên tắc hoạt động.

Đáng chú ý, khi thảo luận về dự thảo luật này, sự cố 39 người Việt Nam thiệt mạng trong container, được phát hiện tại hạt Essex, Đông Bắc London, Vương quốc Anh vào ngày 23/10/2019 tiếp tục được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc lại và kỳ vọng luật ra đời sẽ là chỗ dựa vững chắc của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, khi giải trình lại ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, 39 người này không phải là người lao động Việt Nam đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng, không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của luật này.

“Về vấn đề lao động vượt biên không nằm trong điều chỉnh của luật này, tuy nhiên, Chính phủ sẽ sớm có Nghị định liên quan đến vấn đề này”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, quỹ rất cần, để hỗ trợ người lao độngvà góp phần giải quyết các tranh chấp, quỹ chỉ được sử dụng trong những tình huống cấp bách, nhà nước không phải chi kinh phí.

Hạnh Nguyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/