Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm chưa đạt mục tiêu

12:31 | 26/10/2020
TTTĐ - Sáng 26/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe và thảo luận các báo cáo về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.
Thiếu tướng Trần Minh Lệ giữ chức vụ Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường Tạo chuyển biến tích cực công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu và hàng giả Lãnh đạo địa phương liệu có bảo kê, buông lỏng tội phạm?

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, trong khoảng thời gian từ ngày 1/10/2019 đến 30/9/2020, Công an các cấp đã tiếp nhận mới 120.791 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố (tăng 4,27%), giải quyết 122.722 tin, đạt tỷ lệ 86,84%; Thụ lý điều tra 110.433 vụ, 161.654 bị can (trong đó khởi tố mới 84.271 vụ, 123.618 bị can), đề nghị Viện Kiểm sát các cấp truy tố 67.696 vụ, 121.769 bị can; Đình chỉ điều tra 3.208 vụ, 2.199 bị can (giảm 7,8% về số vụ, giảm 5,9% số bị can)...

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại kỳ họp
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại kỳ họp

Nhìn chung, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và công tác điều tra, xử lý tội phạm được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật song tỷ lệ giải quyết tin báo chưa đạt mục tiêu (trên 90%), còn xảy ra một số vi phạm trong hoạt động bắt, giam giữ và hoạt động điều tra, xử lý tội phạm...

Đánh giá chung, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, năm 2020, trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực; Đã bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; Đấu tranh làm giảm 2,76% số vụ phạm pháp hình sự, tỷ lệ điều tra khám phá án đạt 85,69% (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao), triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm nguy hiểm, các vụ án gây bức xúc dư luận đều được khẩn trương điều tra làm rõ.

Các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ điều tra theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Chủ động phòng ngừa, phát hiện xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19; Phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn.

Việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm tiếp tục được quan tâm chỉ đạo; Công tác xử lý vi phạm hành chính được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tai nạn giao thông, cháy nổ giảm...

Kết quả trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội phục vụ thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đối ngoại của đất nước.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; Vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; Công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót...

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện; Các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Huy Dương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/