Thảo luận, góp ý vào Dự thảo Nghị định thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội

16:09 | 20/11/2020
TTTĐ - Chiều 20/11, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.
Hà Nội: Xây dựng đề án sắp xếp nhân sự 177 phường thí điểm mô hình Chính quyền đô thị Nâng tầm chính quyền đô thị

Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội; Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội.

Dự hội nghị còn có các đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khóa XVI; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP; đại diện Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ...

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị

Phát biểu mở đầu hội nghị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội; Đồng thời thống nhất lấy ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Chính vì vậy, việc ban hành Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội là đòi hỏi hết sức cần thiết và cấp bách.

Bí thư Thành ủy đề nghị các đại biểu bám sát nội dung dự thảo để góp ý kỹ từng nội dung, nhất là những vấn đề quan trọng, góp phần xây dựng Nghị định quy định rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tổ chức thực hiện không bị vướng mắc.

Đồng chí Vương Đình Huệ cũng lưu ý, các đại biểu thành phố phải liên hệ với những quy định của thành phố triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ sắp tới, nhất là làm rõ những vướng mắc, những vấn đề còn khác nhau; Trong đó phải đặc biệt coi trọng những ý kiến từ cơ sở.

Trình bày báo cáo tóm tắt dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 33 điều, quy định cụ thể về tổ chức và hoạt động, chế độ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND phường; Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức làm việc tại UBND phường; Về tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, biện pháp đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách phường...

Cụ thể, đối tượng điều chỉnh của dự thảo Nghị định gồm công chức của UBND phường, cán bộ thuộc tổ chức chính trị, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội ở phường và những người hoạt động không chuyên trách ở phường.

Về tổ chức, dự thảo Nghị định xác định rõ UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, gồm: Chủ tịch, phó chủ tịch, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự và các chức danh công chức gồm: văn phòng - thống kê, địa chính, xây dựng, đô thị và môi trường, kế hoán, tài chính, tư pháp hộ tịch, văn hóa xã hội. Biên chế công chức bình quân tại UBND phường là 15 người; UBND thành phố trình HĐND cùng cấp quyết định số lượng biên chế của các phường từng quận, quyết định hoặc phân cấp cho UBND quận quyết định cụ thể số lượng công chức từng phường... Chủ tịch UBND phường không giữ chức vụ quá 10 năm liên tục ở một đơn vị hành chính.

Để giảm tải khối lượng công việc, nâng cao trách nhiện của công chức, Dự thảo cho phép Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức Tư pháp – Hộ tịch ký chứng thực và đóng dấu chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Dự thảo Nghị định sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Kể từ ngày 1/7/2021, chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường và công chức cấp xã ở phường được bầu hoặc tuyển dụng trước 1/7/2021 được chuyển thành công chức làm việc tại phường đang công tác.

Các trường hợp khi được chuyển mà chưa đủ tiêu chuẩn thì trong 24 tháng phải hoàn thiện, đáp ứng quy định; nếu quá thời hạn mà không đáp ứng được thì giải quyết cho thôi việc hoặc tinh giản biên chế.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng nêu 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau, đó là Trưởng Công an phường có thuộc cơ cấu của UBND phường không?

Về nguyên tắc hoạt động và làm việc của UBND phường và Chủ tịch UBND phường, có nên đưa vào quy định “không được chuyển giao các công việc thuộc nhiệm vụ của UBND về các cộng đồng dân cư (tổ dân phố) thực hiện” để tránh hành chính hóa hoạt động của cộng đồng dân cư.

Về biên chế công chức làm việc tại UBND phường, dự thảo Nghị định đề xuất 15 biên chế cho 1 phường, tuy nhiên Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị số biên chế cho 1 phường là 16 người...

(Tiếp tục cập nhật...)

Tú Linh; Ảnh: Viết Thành

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/