Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản

21:18 | 21/11/2020
TTTĐ - Sơn La là tỉnh có nhiều tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Tận dụng thế mạnh này, những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh mẽ với hàng loạt các hợp tác xã, tổ hợp tác, được thành lập. Từ đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Quảng Ninh: Ban hành quy chuẩn làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản Hà Nội thu hút doanh nghiệp tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Hà Nội lên phương án đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất nông nghiệp Hiệu quả từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi Hà Nội đẩy mạnh hỗ trợ người dân phát triển nông nghiệp sạch

Thoát nghèo, vươn lên làm giàu

Vài năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân tái định cư. Nghề nuôi cá lồng đã trở thành nghề chính của nhiều hộ dân và đem lại thu nhập ổn định từ 4 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La tập trung ở các huyện vùng lòng hồ thủy điện như: Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu, Vân Hồ, Phù Yên, Bắc Yên, Mộc Châu. Năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh ước đạt 2.792 ha, tăng 8,7% so với năm 2015, sản lượng ước đạt 8.826 tấn, giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 121 triệu/ha tăng 33,6% so với năm 2015.

Tại huyện Quỳnh Nhai, hiện có 46 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản, với tổng số 7.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng và đánh bắt đạt 2.600 tấn thủy sản/năm với gần 10.000 hộ dân tham gia. Trong đó, có 10 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp được trao quyền sử dụng Giấy chứng nhận thương hiệu “Cá sông Đà” do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp.

Gia đình ông Lò Văn Khặn, bản Huổi Quẩy, xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La là một trong những hộ nuôi cá đầu tiên ở bản. Thời điểm ban đầu rất khó khăn do không có vốn, lại thiếu kĩ thuật nên gia đình chỉ đầu tư được 2 lồng cá, chủ yếu là những giống bản địa. Qua thời gian với kinh nghiệm và số tiền tích góp, nay ông Khặn đã có 10 lồng với nhiều loại cá đặc sản như: cá Lăng, cá Nheo mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Khặn là một trong số 120 hộ dân tái định cư xã Chiềng Bằng phát triển nghề nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Di chuyển đến nơi ở mới, không còn ruộng nước, giờ đây nghề nuôi cá lồng là nghề chính và đem lại thu nhập ổn định cho người dân từ 2 - 2,5 triệu đồng một người một tháng.

Không chỉ các hộ gia đình tiến hành nuôi cá lồng mà nhiều hợp tác xã trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cũng lựa chọn phương án nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Điển hình như Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực, hợp tác xã tiêu biểu trong việc chuyển đổi kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Thoát nghèo nhờ mô hình nuôi trồng thủy sản
Nhờ nghề nuôi trồng thủy sản mà đời sống của người dân ngày càng được cải thiện

Ông Nguyễn Hữu Sơn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã thành lập năm 2011 với 7 thành viên thực hiện kinh doanh dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng, lợi thế của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai phù hợp với phát triển nuôi trồng thủy sản, năm 2015, Ban Giám đốc Hợp tác xã đã họp bàn với các thành viên, thống nhất chuyển đổi kinh doanh sang nuôi trồng thủy sản, với 10 thành viên. Tổng số vốn ban đầu là 6 tỷ đồng, hợp tác xã đầu tư 200 lồng nuôi cá kiên cố và các công trình phụ trợ, như: Nhà nổi, kho, nhà lạnh chứa cá tạp làm thức ăn cho cá...

Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi theo hướng nuôi trồng các loại cá lăng, cá trắm đen... theo quy trình VietGAP. Nhờ đó, tạo thu nhập ổn định cho các thành viên với lợi nhuận bình quân đạt trên 20 triệu đồng/lồng. Đồng thời, hợp tác xã còn giải quyết việc làm cho 14 lao động địa phương, với mức thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.

Xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững

Không chỉ Quỳnh Nhai, ở xã Chiềng Hoa, huyện Mường La, nghề nuôi cá lồng cũng đang trở thành hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.

Hiện nay, xã có 18 ha mặt nước, phân bổ ở 8/21 bản. Nước hồ trong quanh năm, không bị nhiễm bẩn, thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng. Hằng năm, xã đã xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu cụ thể cho Hội Nông dân xã; chỉ đạo các đoàn thể tuyên truyền cho người dân những lợi thế trong việc phát triển nghề nuôi thủy sản trên vùng lòng hồ, tập trung ở các bản ven sông Đà, như: Hát Hay, Tà Lành, Phiêng Xạ, Huổi Pù, Nà Sàng, Tả và Áng.

Đồng thời, xã cũng phối hợp với các chương trình, dự án tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng, cách phòng chống các bệnh cho cá. Đến nay, hầu hết bà con đã biết cách chăm sóc và phòng các bệnh cho cá; sử dụng các vật liệu sẵn có tại địa phương như tre, gỗ đóng lồng cá; một số hộ đầu tư đóng lồng bằng ống nhựa, sử dụng phao nổi, nuôi cá bằng lồng lưới.

Được biết, giai đoạn 2017-2021, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và chính sách hỗ trợ phát triển các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhiều hợp tác xã, hộ dân khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La trên địa bàn các huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đã đẩy mạnh nghề nuôi nuôi cá lồng, nâng cao hiệu quả trong sản xuất.

Tính đến nay, tỉnh Sơn La đã hỗ trợ tiền làm 2.828 lồng cá với số tiền hỗ trợ 14 tỷ 140 triệu đồng cho trên 50 doanh nghiệp, hợp tác xã. Cùng với đó, bằng những nguồn vốn khác nhau, tỉnh Sơn La đã tổ chức thả trên 1.764.000 con cá giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa; tổ chức các đợt phổ biến, tuyên truyền quy định của Nhà nước trong khai thác thủy sản cũng như tác hại của việc khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho người dân, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Có thể thấy, với sự giúp sức từ các chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản, các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Sơn La đã kết nối được người dân, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế lòng hồ thủy điện Sơn La trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản. Từ đó, từng bước xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân.

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/