Bảo đảm quyền con người cho những người yếu thế với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”

07:00 | 19/11/2020
TTTĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông, đó là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi chúng ta. Trong những năm qua, đặc biệt là trong đại dịch Covid-19, Việt Nam luôn thực hiện cam kết bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, dành ưu tiên cho các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Người khuyết tật luôn được ưu tiên hỗ trợ
Người khuyết tật luôn được ưu tiên hỗ trợ

Các đối tượng yếu thế luôn được pháp luật bảo vệ bình đẳng

Cùng với việc đảm bảo quyền con người dành cho các đối tượng yếu thế trong xã hội như người dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em,... các đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi, người nhiễm HIV,... cũng được pháp luật Việt Nam bảo vệ bằng nhiều quy định mang tính nhân văn.

Việt Nam hiện có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số cả nước. Trong đó, có 48% là nữ giới va 28,3% là trẻ em. Đa số người khuyết tật sống ở nông thôn (87%), gặp nhiều khó khăn, cần đến sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh việc ghi nhận và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác, Nhà nước Việt Nam đã có những ưu tiên dành riêng cho người khuyết tật.

Xác định “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc công bằng và đảm bảo tiến bộ”, Chính phủ đã có các chính sách, pháp luật cụ thể và thiết thực đối với người khuyết tật, trong đó khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật bình đẳng về các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phát huy khả năng để giúp họ ổn định đời sống.

Cùng với việc ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật thông qua việc xây dựng 13 văn bản dưới luật là các nghị định, thông tư quy định hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật.

Cho đến nay, mạng lưới chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật đã được thiết lập từ Trung ương đến cơ sở; hàng năm có khoảng 800.000 người khuyết tật được trợ cấp và hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế. Hiện cả nước có 1 bệnh viện phục hồi chức năng Trung ương và 62 bệnh viện, trung tâm phục hồi chức năng tại các tỉnh, thành sẵn sàng hỗ trợ cho người khuyết tật,…

Cùng với việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, việc chăm sóc, bảo vệ và phát huy nguồn lực của người cao tuổi cũng là một trong những chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.

Theo Luật Người cao tuổi năm 2010, công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên được gọi là người cao tuổi. Luật cũng dành một chương quy định về phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi với các quy định cụ thể về chăm sóc sức khỏe, về các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao; bảo trợ xa hội; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đồng thời quy định rõ các hành vi bị cấm thực hiện đối với người cao tuổi.

Nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Luật Người cao tuổi, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020, với mục tiêu tổng quát là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong xã hội, phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế của đất nước.

Trong đó, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, 50% người cao tuổi có khả năng tham gia vào hoạt động kinh tế và 80% người cao tuổi không có người phụng dưỡng được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng hoặc tại các cơ sở bảo trợ xã hoi, trong đó ít nhất 20% người cao tuổi được chăm sóc thông qua các mô hình nhận nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng.

Một đối tượng nữa cũng nằm trong nhóm các đối tượng yếu thế được pháp luật Việt Nam đảm bảo các quyền con người là người nhiễm HIV. Hiện nay, cả nước có trên 220.000 người nhiễm HIV, do đó Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo vệ, hỗ trợ, tạo cơ hội cho người nhiễm HIV hòa nhập với đời sống xã hội và bằng những hành động cụ thể nhằm khống chế sự gia tăng của dịch HIV/AIDS…

Đảm bảo quyền con người của các nhóm yếu thế trong đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến tất cả người dân trên toàn cầu, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất. Một trong những thành công lớn của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch chính là những kết quả cụ thể về bảo đảm quyền con người trong ứng phó với Covid-19.

Hỗ trợ người
Hỗ trợ người dân vượt qua đại dịch Covid-19

Chính phủ cũng thực hiện quyết liệt việc bảo đảm để mọi người dân đều được tiếp cận với các cơ sở, dịch vụ y tế và vật tư y khi tình huống y tế khẩn cấp xảy ra và đảm bảo việc tiếp cận khám và điều trị Covid-19 cho tất cả bệnh nhân.

Bên cạnh các biện pháp y tế công về phòng, chống dịch, Việt Nam đã thông qua và thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ để giảm tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đặc biệt đối với một số nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Theo đó, một số nhóm có thể phải chịu rủi ro nhiễm bệnh và nguy cơ tử vong cao hơn như: người cao tuổi, người có bệnh mãn tính tim mạch, huyết áp, hen, tiểu đường... được bảo vệ và hỗ trợ để phòng ngừa y tế tốt hơn.

Biện pháp giãn cách xã hội, cách ly và phong toả để phòng ngừa bệnh dịch cũng được thực hiện một cách thận trọng, đặc biệt đối với một nhóm xã hội như trẻ em, người lao động mất việc làm; phụ nữ; người khuyết tật; các nhóm dân tộc thiểu số ở khu vực vùng sâu, vùng xa.

Song song với các ứng phó về y tế, Chính phủ Việt Nam đã triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD). Khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng, đặc biệt là các nhóm yếu thế với hàng trăm nghìn người như người già, người ốm đau, người giảm sâu thu nhập, người không có thu nhập ổn định, người lao động đứt bữa được hưởng gói hỗ trợ thiết thực này. Đây là những minh chứng rõ ràng cho nỗ lực của Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền con người.

Phương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/