Chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô trên địa bàn Hà Nội

14:48 | 21/12/2020
TTTĐ - Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có công văn gửi Ban An toàn giao thông TP Hà Nội đề nghị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô.
Kiểm tra hoạt động quảng cáo và sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng Thủ tướng chỉ thị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo
Xe quảng cáo dự án bất động sản rong ruổi trên phố
Xe quảng cáo dự án bất động sản lưu thông trên đường phố Hà Nội

Ngày 21/12, đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, cơ quan này đã có công văn gửi Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố Hà Nội đề nghị chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Theo đó, dư luận phản ánh và bất bình với hiện tượng trong thời gian gần đây, trên một số tuyến đường của thành phố Hà Nội đã thường xuyên xuất hiện một số xe khách loại 45 chỗ không chở khách được dán decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe (chỉ trừ lốp và phần kính lái) hoạt động vào giờ cao điểm, quảng cáo cho một số dự án bất động sản, điện máy...

UBATGTQG cho biết đơn vị này đã có công văn đề nghị Ban An toàn giao thông TP Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng xác minh xe khách phủ kín decal gần như toàn bộ xe.

Các xe này di chuyển liên tục qua nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội cả giờ cao điểm và thấp điểm, làm gia tăng thêm áp lực giao thông. Dù xe được dán phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng bên trong không có khách.

Ngoài ra, có một số phương tiện trung chuyển cư dân của khu đô thị tại Hưng Yên ra vào trung tâm Hà Nội cũng được dán quảng cáo dịch vụ, sản phẩm phủ kín kính hai bên thành xe; Xe buýt công cộng cũng xuất hiện hình thức quảng cáo tràn kính lên hai bên thành xe.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định: “Việc dùng decal quảng cáo phủ kín gần như toàn bộ xe đã uy hiếp ATGT đối với người và phương tiện tham gia giao thông, vi phạm các quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đối với xe ô tô tham gia giao thông như: Tự ý thay đổi màu sơn so với đăng ký xe; Vô hiệu hóa gương chiếu hậu (đặt trong xe), thay đổi đặc tính kỹ thuật kính xe ôtô, ảnh hưởng tầm nhìn, quan sát của lái xe khi điều khiển xe, đồng thời hạn chế khả năng thoát hiểm của những người trong xe khi xảy ra sự cố”.

Một số chuyên gia giao thông cũng nhận định với các xe quảng cáo dán kín kính phía sau sẽ che tầm quan sát của gương chiếu hậu, việc quảng cáo trên kính làm hạn chế tầm nhìn, khiến cho hành khách phía trong không quan sát, phán đoán được tình hình phía ngoài xe để có phản ứng phù hợp.

Đặc biệt, trường hợp khi xe ô tô xảy ra tai nạn, nếu chất liệu quảng cáo không bảo đảm, hành khách không thể đập vỡ kính để thoát hiểm. Việc dán quảng cáo toàn bộ xe cũng vi phạm quy định về việc tự ý thay đổi màu sơn xe.

Lâu nay, khái niệm sơn hoặc dán đề can thân xe chỉ hiểu là sơn, dán ở hai bên thân xe, tập trung nhất là ở hai bên cánh cửa lên xuống. Gần đây, có nhiều xe sơn, dán decal vô tội vạ, phủ toàn bộ kính sau của xe, che cả ô kính mà người lái có thể nhìn kính chiếu hậu bên trong xe.

Việc dán decal quảng cáo cũng ẩn chứa nguy cơ gây mất ATGT, nhiều xe cỡ lớn không chở khách, chỉ chạy lòng vòng trên phố với mục tiêu quảng cáo đã tạo áp lực cho giao thông Hà Nội giờ cao điểm.

Ủy ban ATGT quốc gia đã đề nghị Ban ATGT thành phố Hà Nội chỉ đạo lực lượng chức năng của thành phố phối hợp xác minh nội dung phản ánh trên, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm; Đồng thời, kiểm tra, rà soát chấn chỉnh hoạt động quảng cáo bằng xe ô tô theo đúng quy định của pháp luật nhằm bảo đảm ATGT cho người và phương tiện lưu thông an toàn.

Điều 32, Luật Quảng cáo 2012 đã quy định, không được thể hiện sản phẩm quảng cáo ở mặt trước, mặt sau và trên nóc của phương tiện giao thông. Sản phẩm quảng cáo không được vượt quá 50% diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của phương tiện giao thông. Việc thể hiện biểu trưng, logo, biểu tượng của chủ phương tiện giao thông hoặc hãng xe trên phương tiện giao thông phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giao thông”.

Khoản 2 Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 cũng quy định: “Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo (nhà sản xuất) hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

Về mức xử phạt, điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định: Phạt tiền từ 300 đến 400 nghìn đồng đối với cá nhân, từ 600 đồng đến 800 nghìn đồng đối với tổ chức là chủ ô-tô tự ý thay đổi nhãn hiệu, màu sơn của xe không đúng với giấy đăng ký xe.

Điều 61 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ hai đến năm triệu đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo tại mặt trước, mặt sau và trên nóc của một phương tiện giao thông; quảng cáo vượt quá diện tích mỗi mặt được phép quảng cáo của một phương tiện giao thông theo quy định. Buộc tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo.

Lam Dương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/