Xóa bỏ định kiến “Bán xăng cho phụ nữ là tội ác”

Bài 2: Một trong những thước đo sự phát triển của xã hội

08:05 | 07/01/2021
TTTĐ - Ở các nước phương Tây, người ta không phân biệt phụ nữ hay đàn ông lái xe ô tô nữa. Có lẽ, đó là một trong những thước đo sự phát triển của xã hội, khi mà mọi người đều có quyền bình đẳng trong tất cả các hoạt động.
Hai năm liên tiếp ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc công ty First News - Trí Việt được tặng giải thưởng phát triển văn hoá đọc

Đừng quên huyền thoại đội nữ lái xe Trường Sơn

Những người từng dè bỉu, bỉ bai, thậm chí khinh thường phụ nữ lái xe chắc chưa từng biết đến trung đội nữ lái xe Trường Sơn đã đi vào huyền thoại.

Ngược dòng thời gian, trở về hơn nửa thế kỉ trước, Tết Mậu Thân 1968, chiến sự trên các mặt trận ngày càng ác liệt. Nhu cầu cung cấp nhân lực, vật lực cho miền Nam trở nên cấp bách. Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559) được giao nhiệm vụ phải tăng khối lượng chi viện gấp hai lần thời gian trước đó.

Đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại
Đội nữ lái xe Trường Sơn huyền thoại

Trong điều kiện lái xe nam không đủ, Binh đoàn phải tuyển gấp một số nữ thanh niên xung phong, lập đội lái xe vận tải tuyến hậu phương để hỗ trợ các khu vực cửa khẩu. Trải qua khóa huấn luyện cấp tốc 45 ngày tại Nghệ An, Thanh Hóa, 40 nữ chiến sĩ lái xe và thợ sửa chữa máy tuổi đôi mươi, tháo vát, có hiểu biết về kĩ thuật được tuyển chọn. Ngày 18/12/1968, tại vùng rừng núi thuộc xã Hưng Phổ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh), trung đội nữ lái xe mang tên anh hùng Nguyễn Thị Hạnh ra đời.

Cũng giống như đất cả đồng đội nam của mình, đội nữ lái xe có nhiệm vụ chở lương thực, thuốc men, súng ống, đạn dược từ Vinh (Nghệ An) theo các tuyến đường 12, 15, 18, 20, 22 vào đến bờ Bắc sông Gianh (Quảng Bình). Giao hàng xong, họ lại chở thương binh, cán bộ từ miền Nam ra Bắc an dưỡng, học tập. Có lúc nhận nhiệm vụ đặc biệt, đội lái xe phải đi sâu vào chiến trường, sang đất bạn Lào.

Do tình hình địch đánh phá dữ dội, chuyến vận tải của các cô gái bắt đầu lúc 17h và kết thúc vào 5h hôm sau. Người nào giỏi thì lái một mình, tay lái yếu hơn thì đi hai người. Họ phải chặt lá ngụy trang, đi ban đêm bằng ánh sáng hắt lên từ bóng đèn "quả táo" đặt dưới gầm xe để tránh máy bay phát hiện. Đến nơi tập kết hàng hóa, các cô kiêm luôn việc bốc vác; Dọc đường về thì chăm sóc, động viên thương binh, làm thay cả nhiệm vụ của y tá.

Đoàn xe vận tải chủ yếu men theo sườn núi bên Tây Trường Sơn để đi, một bên là núi, một bên là vực sâu thăm thẳm. Có đoạn đường chỉ vừa cho chiếc xe lăn bánh, người lái căn đường không chuẩn là cả người và xe rơi xuống vực. Trong khi đó, Trường Sơn khi ấy trở thành nơi thử nghiệm các loại bom, mìn, chất độc hóa học rải xuống suốt ngày đêm. Thời tiết khắc nghiệt, mùa mưa kéo dài 6 tháng, mùa khô nắng cháy, gió Lào thổi nóng ran, điều kiện vật chất thiếu thốn, các cô gái hầu như đều ghẻ lở, ốm đau, bệnh tật.

Bài 2: Một trong những thước đo sự phát triển của xã hội

Không kém một lái xe nam nào, các nữ lái xe Trường Sơn chịu đựng đủ mọi khó khăn, thiếu thốn khắc nghiệt, nguy hiểm, đạn bom của chiến trường. Vậy mà, họ vẫn kiên cường bám trụ và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. 40 nữ lái xe này còn lập nên kì tích là không một ai hi sinh, không ai bị bom mìn khuất phục.

Dù vậy, trở về khi thời bình, do nhiều lần nuốt phải xăng trong lúc dùng miệng hút xăng đổ ra thùng, rồi lại từ thùng đổ vào xe sau mỗi chuyến vận chuyển chả sợ bom ném cháy xe hết xăng, nhiều người đã bị ung thư rồi mất. Có người còn sống, như bà Vũ Thị Kim Dung thì không thể sinh nở được.

Kể lại huyền thoại một thời như thế để thấy, không gì phụ nữ không thể làm được. Dù là chiến trường đường xá gập ghềnh, bom mìn vực thẳm, chở nặng, trời tối họ còn băng qua nữa là ngày nay những chiếc xe hiện đại, đường xá phẳng phiu rộng rãi...

Nên thấy mừng khi phụ nữ lái xe

Trước đây, vì điều kiện kinh tế của đất nước, các phương tiện giao thông chưa đa dạng, phong phú nên phụ nữ ít có cơ hội để lái xe ô tô. Bên cạnh đó, nhiều khi phụ nữ còn bận với thiên chức làm mẹ, chăm con cái, trong gia đình thường bố sẽ là người “rảnh tay” nhất nên cầm lái.

Còn bây giờ, mỗi gia đình đều có thể sắm từ một, thậm chí hai và nhiều hơn thế nữa, chiếc ô tô cũng dần trở nên bình thường như xe máy, xe đạp ngày xưa. Ô tô không chỉ là phương tiện chở người, chở hàng hóa, là thứ để “kiếm cơm” nữa mà có khi còn là một loại “trang sức, phụ kiện”.

Phụ nữ ngày nay cũng nên lái xe để chủ động, tự tin hơn trong cuộc sống, trong công việc
Phụ nữ ngày nay cũng nên lái xe để chủ động, tự tin hơn trong cuộc sống, trong công việc

Để khỏi “phiền hà” những ông chồng hay cáu kỉnh hoặc bận rộn, người vợ, người mẹ có thể lái xe đưa con đi học, đi mua sắm, vui chơi, về quê mà chẳng phải chờ đợi hay phụ thuộc vào ai. Thậm chí, dăm ba bà mẹ qua thời bỉm sữa còn thỉnh thoảng tự thưởng cho một chuyến đi du lịch gần, vừa lái xe vừa chuyện trò, tiện đâu nghỉ đấy.

Phụ nữ lái xe cũng bình thường như tham gia các công việc khác trong xã hội vậy. Hơn thế nữa, họ còn kích cầu phát triển du lịch, thương mại và giúp chủ động, tự tin hơn để làm chủ cuộc sống và công việc của mình. Điều đó chứng tỏ điều kiện kinh tế của riêng gia đình ấy. Điều đó cũng chứng tỏ nền kinh tế của thành phố ấy, đất nước ấy.

Nhược điểm cũng chính là ưu điểm của phụ nữ khi lái xe. Đó chính là sự nhút nhát. Nhút nhát khiến họ cẩn thận, có thể chậm hơn người khác nhưng không dám tự tin thái quá đến mức phóng nhanh, vượt ẩu. Bản chất ấy khiến phụ nữ quan sát đường kĩ càng hơn, biết nhường nhịn không lấn làn, chèn vạch, sấn sổ tạo nên sự căng thẳng khi tham gia giao thông.

Phụ nữ luôn được mệnh danh là “người giữ lửa” trong gia đình. Với tính thận trọng, bản năng nuôi dạy con cái, họ cũng ẩn chứa sẵn sự hòa nhã, “dĩ hòa vi quý” và cả tính nhân văn trong người. Chính vì thế, khi đi ra đường, phụ nữ luôn tôn trọng pháp luật, dễ dàng giải quyết êm thấm những vụ tai nạn, va quệt.

Bài 2: Một trong những thước đo sự phát triển của xã hội

Trong khi đó, nhìn vào thực tế thì thấy, những cuộc cãi cọ, ẩu đả thậm chí án mạng xảy ra sau khi va chạm giao thông hầu hết đều là do đàn ông. Hiếm khi thấy phụ nữ sửng cồ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người khác nếu chẳng may va quệt phải nhau.

Bởi vậy, chúng ta nên cảm thấy mừng khi phụ nữ lái xe ô tô. Điều đó cũng góp phần động viên họ tự tin hơn. Còn nếu giữ thái độ và lối ứng xử khinh miệt, coi thường, chê bai với định kiến xưa cũ thì chúng ta chỉ đẩy lùi sự phát triển của xã hội. Đó cũng là quan niệm “trọng nam khinh nữ”, bất bình đẳng giới mà thôi...

(Còn nữa)

Bài 1: “Bán xăng cho phụ nữ” có nguy hiểm bằng “bán rượu cho đàn ông”? Bài 1: “Bán xăng cho phụ nữ” có nguy hiểm bằng “bán rượu cho đàn ông”?

Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/