Quảng Nam: Tăng cường kiểm soát thực thi quyền lực của cơ quan Nhà nước trong phòng, chống tham nhũng

10:06 | 13/01/2021
TTTĐ - Quảng Nam thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố, huyện không phải là người địa phương; Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
Nhìn lại kinh tế Quảng Nam năm 2020 sau tác động của dịch bệnh và thiên tai Quảng Nam: Người trồng rau Bàu Tròn thấp thỏm vì lạnh kéo dài GS Đặng Hùng Võ: Khơi thông sông Cổ Cò – Gặt hái giá trị tăng thêm từ đất đai
Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh VP)
Trụ sở UBND tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Hoàng Trường Sa)

Để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật, UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch phòng chống, tham nhũng trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh.

Kiểm soát thực thi quyền lực của cơ quan Nhà nước

Theo nội dung Kế hoạch phòng, chống tham nhũng năm 2021, Quảng Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực thi quyền lực của các cơ quan Nhà nước; thúc đẩy sự tham gia chủ động của các tổ chức, đoàn thể xã hội, các phương tiện truyền thông và mọi công dân trong phòng chống tham nhũng (PCTN).

Theo đó, các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh phải xác định, công tác PCTN là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; gắn trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các biện pháp PCTN, lãng phí, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp PCTN, lãng phí ngay tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý.

Cụ thể, thủ trưởng các đơn vị, địa phương phải gương mẫu, quyết liệt, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng.

Cùng với đó, cụ thể hóa các quy định của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác PCTN, đặc biệt là Nghị quyết hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức theo dõi, đánh giá, công khai tình hình tham nhũng và kết quả PCTN bảo đảm khách quan, qua đó xây dựng và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với công tác PCTN của Nhà nước.

Ngoài việc thanh tra, kiểm tra thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức sẽ tăng thẩm quyền, trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm, xác minh, kết luận khi có dấu hiệu tham nhũng và khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ.

Các đợn vị thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng, quy định cụ thể, rành mạch chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân, khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống trong hoạt động quản lý. Đồng thời xử lý, điều chuyển, miễn nhiệm, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện tham nhũng gây nhiều dư luận. Khắc phục những hạn chế trong việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng.

Hàng năm, việc bình xét thi đua, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân phải được đánh giá cả tiêu chí, hiệu quả trong công tác PCTN tại tổ chức, cơ quan, đơn vị mình với phương châm: Cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kiểm soát tài sản, thu nhập người có chức vụ, quyền hạn

Theo đó, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo cơ quan thanh tra tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thủ trưởng về thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng đến việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về công khai, minh bạch trong các lĩnh vực và kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn.

Đồng thời, tỉnh thực hiện chủ trương bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương; Không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm những người có quan hệ gia đình cùng làm một số công việc, lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực; Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công vụ, công chức, nhất là việc thực hiện quy tắc ứng xử, những việc cán bộ, công chức không được làm, trách nhiệm giải trình, việc thực thi công vụ.

Quảng Nam cũng tăng cường kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định tại Nghị định số 130/2020/NĐ-CP; xác minh tài sản, thu nhập một cách chủ động, đúng pháp luật; Công khai, minh bạch về hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ nội dung thuộc bí mật nhà nước, bí mật kinh doanh và nội dung khác theo quy định của pháp luật) bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ theo trình tự, thủ tục phù hợp với quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nhằm phát hiện các hành vi trốn thuế, rửa tiền, tham nhũng; quản lý chặt chẽ chi tiêu nội bộ, việc chi trả tiền qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách Nhà nước cho cán bộ, công chức, viên chức. Thành lập Đoàn kiểm tra một số lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao gồm: công tác cán bộ, tài chính ngân sách, đất đai, tài nguyên, đầu tư mua sắm công, giáo dục, y tế…

Thực hiện hiệu quả các quy định về quản lý cán bộ có liên quan trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xác minh các dấu hiệu sai phạm kinh tế, tham nhũng, không để bỏ trốn, tẩu tán tài sản và những quy định về thu hồi tài sản đối với các hành vi tham nhũng, các hành vi vi phạm Luật PCTN chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cảng Chu Lai ngày càng được mở rộng để đạt mục tiêu trở thành Trung tâm logistics của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên.
Khu kinh tế mở Chu Lai, Núi Thành, Quảng Nam (Ảnh Trường Hải)

Bảo vệ người tố giác phát hiện tham nhũng

Ngoài việc thực hiện cơ chế PCTN thông qua các công cụ giám sát, kiểm tra, thanh tra, phải kịp thời giải quyết thông tin phản ánh về tham nhũng, đặc biệt là tố cáo, phản ánh trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Đồng thời, xây dựng cơ chế hữu hiệu bảo vệ người tố cáo, bảo vệ người làm chứng khi tố giác và tổ chức thanh tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật theo đơn tố cáo, nhất là những vụ việc trong thực hiện các dự án đầu tư công bị thất thoát lớn gây bức xúc trong xã hội.

Sau khi thanh tra phải làm rõ nguyên nhân của sai phạm, thất thoát, chỉ ra được sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách dẫn đến thất thoát, thua lỗ. Qua đó, kiến nghị bện pháp khắc phục những sơ hở, bất cập trong quy định về quản lý cán bộ, đảng viên; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sai phạm liên quan đến các dự án lớn thua lỗ, kéo dài gây bức xúc trong dư luận.

Song song với đó, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra, Viện Kiểm sát xử lý kịp thời các vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng được phát hiện trong quá trình thanh tra, kịp thời ngăn chặn tình trạng bỏ trốn, tẩu tán tài sản. Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp; xác định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan.

Cùng với đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, thanh tra nhân dân, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và Nhân dân trong việc nâng cao hiểu biết nhận thức, phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng; gắn trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan chức năng để phục vụ việc xem xét, xử lý vụ việc tham nhũng mà báo chí đã phát hiện, đăng tải.

N.Dương

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/