Quảng Ninh: Cảng than của Công ty TTP có đang “bức tử” vịnh Bái Tử Long?

10:00 | 15/01/2021
TTTĐ - Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) thơ mộng, đẹp đẽ đang ngày đêm bị “tra tấn” bởi nhiều cụm cảng tập kết, chế biến than hoạt động “bức tử” môi trường.
Vụ buôn lậu ở Quảng Ninh: Đình chỉ công tác 6 cán bộ hải quan Bắc Phong Sinh

Cụm cảng Km6 Quang Hanh (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) từ lâu đã là khu vực nhức nhối về tình trạng tập kết than trái phép. Cơ quan chức năng đã nhiều lần lập chuyên án, bắt giữ không ít tàu chở than trái phép lấy từ các bãi than thuộc cụm cảng Km6 đi nơi khác tiêu thụ.

Trước nguy cơ cụm cảng Km6 Quang Hanh trở thành “điểm nóng” về tập kết than trái phép, tháng 9/2018, ông Nguyễn Văn Đọc, lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo TP Cẩm Phả trong quý III/2018 phải giải tỏa toàn bộ lượng than, phụ phẩm ngoài than, chấm dứt các hoạt động tập kết, chế biến than và phụ phẩm ngoài than.

Đồng thời, thành phố phải tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, bao gồm: Nhà cửa, thiết bị, hệ thống sàng tuyển, xử lý vi phạm theo quy định đối với tổ chức, cá nhân và lĩnh vực đất đai, xây dựng, quản lý tài nguyên khoáng sản, lập lại trật tự trong công tác quản lý Nhà nước tại cụm cảng Km6.

Tháng 3/2020, ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ký văn bản gửi đến Công an tỉnh Quảng Ninh và UBND TP Cẩm Phả yêu cầu xác minh, làm rõ đối tượng là chủ các bến bãi tập kết, tiêu thụ than trái phép. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tình trạng trên vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây bức xúc trong dư luận.

Quảng Ninh: Cảng than của Công ty TTP có đang “bức tử” vịnh Bái Tử Long?
Môi trường vịnh Bái Tử Long ngày đêm bị đe dọa bởi các cảng than

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại cụm cảng Km6, ngoài những bến cảng được cấp phép phục vụ hoạt động chế biến, tiêu thụ của Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc thuê, còn lại hầu hết là các bến bãi trái phép, sử dụng sai mục đích, tham gia vào việc chế biến, kinh doanh than... Nhiều mặt bằng kho chứa than còn được xây dựng nhà công vụ, hàng rào, lắp đặt hệ thống sàng tuyển, chế biến than kiên cố, ngang nhiên thách thức pháp luật và dư luận.

Những năm trước, nhiều bến cảng của tư nhân tại cụm cảng Km6 Quang Hanh có mục đích quy hoạch là cảng hàng hóa. Theo thời gian, nhiều bến cảng đã “thiên biến vạn hóa” thành nơi tập kết, chế biến than. Điển hình như cảng hàng hóa tổng hợp của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển TTP (Công ty TTP).

Được biết, ngày 12/5/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1268/QĐ-UBND về việc sắp xếp cảng, bến thuỷ nội địa tiêu thụ than và tuyến đường vận chuyển than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, khu vực này được quy hoạch là cảng hàng hóa (trừ than và hàng hóa pháp luật không cho phép) tại cụm cảng Km6 do Công ty TTP triển khai thực hiện.

Đến ngày 15/8/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định 3466/QĐ-UBND về việc sắp xếp cảng, bến thủy nội địa tiêu thụ than, bã sàng, đá xít, đất đá lẫn thân và tuyến vận chuyển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Theo đó, khu vực cảng của Công ty TTP được quy hoạch là cảng hàng hóa tổng hợp, kho xăng và cho Công ty Cổ phần Than Sông Hồng - Tổng Công ty Đông Bắc thuê lại làm cảng tiêu thụ than. Thời hạn không quá ngày 31/12/2020.

Đáng nói, theo phản ánh của người dân tại khu vực cảng hàng hóa tổng hợp và kho xăng dầu của Công ty TTP đang cho Công ty Cổ phần Than Sông Hồng thuê lại có dấu hiệu hoạt động sàng lọc rửa, chế biến than... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Quảng Ninh: Cảng than của Công ty TTP có đang “bức tử” vịnh Bái Tử Long?
Cảng của Công ty TTP chế biến, tiêu thụ than gây ô nhiễm môi trường?

Đặc biệt, bãi sàng tuyển chế biến than lại không có hệ thống thu gom, lọc nước thải có thể đổ ra vịnh Bái Tử Long. Đồng thời, tại cảng đang được tập kết một số lượng than rất lớn nhưng hệ thống kho bãi thô sơ, tiềm ẩn nguy cơ chất thải chảy ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

Ghi nhận thực tế cho thấy, tại khu vực cảng hàng hóa tổng hợp và kho xăng dầu của Công ty TTP đang cho Công ty Cổ phần Than Sông Hồng thuê lại diễn ra hoạt động tập kết, tiêu thụ than.

Theo ghi nhận, xung quanh khu vực này được bồi thành mặt phẳng và ở giữa xuất hiện một ngọn núi. Trước mặt ngọn núi rộng hàng nghìn mét vuông là nơi tập kết của hàng chục “núi” than. Tuy nhiên, khuất sau ngọn núi lại xuất hiện một hệ thống sàng sảy, chế biến than và có dấu hiệu diễn ra hoạt động sàng sảy, lọc rửa, chế biến than... gây ảnh hưởng đến môi trường.

Liên quan đến việc này, trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, đại diện truyền thông Công ty TTP cho biết, về hoạt động sàng sẩy chế biến than, thực hiện theo Kết luận số 35/KL-TTr ngày 6/11/2018 của Thanh tra tỉnh Quảng Ninh về việc chấp hành chính sách pháp luật trong quản lý xây dựng sử dụng đất và hoạt động kinh doanh khoáng sản tại khu vực cảng Km6, việc quản lý sử dụng đất bãi triều tại phường Quang Hanh, công ty này đã ngừng toàn bộ việc sàng lọc than từ ngày 6/11/2018.

Về hệ thống sàng, tuyển tại khu vực cảng, đại diện truyền thông Công ty TTP cho biết, công ty này là đơn vị cho thuê cảng cũng gặp nhiều khó khăn, do chưa có kinh phí di dời máy sàng tuyển, máy móc cũng đã xuống cấp hư hỏng. “Công ty chúng tôi đã tạm phủ bạt để có kế hoạch tháo dỡ, di dời trong thời gian sớm nhất”, vị này cho biết.

Trong khi đó, nói về khối lượng than còn tại cảng, đại diện Công ty TTP cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, than không xuất được nên tập kết tại cảng Km6. Công ty Cổ phần Than Sông Hồng đang thực hiện các thủ tục để xin chính quyền địa phương gia hạn thuê cảng để tiêu thụ than tồn, hỗ trợ doanh nghiệp giảm thiểu chi phí kho bãi, vận chuyển trong thời gian chưa xuất được than.

Về các vấn đề môi trường, đại diện Công ty TTP cho biết, để ngăn than, hàng hóa trên kho bãi bùn đất tràn trôi ra biển, doanh nghiệp này đã thi công kè tạm tại bến cảng vào từ năm 2012. Sau đó, công ty tiếp tục xây và tu bổ kè nhưng việc thi công đã tạm dừng theo công văn của UBND phường Quang Hanh ngày 29/4/2020.

Khẳng định của đại diện Công ty TTP là như vậy, tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được tiếp cận báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường), các mẫu quan trắc nước thải… thì đơn vị này chưa phản hồi.

Trước việc sự việc trên, kính đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh, Sở Tài nguyên và Môi trường vào cuộc kiểm tra, xử lý dứt điểm, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường vịnh Bái Tử Long, có thể gây ra nhiều hệ lụy khác đến kinh tế, xã hội của tỉnh.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Văn Thành Nhân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/