Phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò: Tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”

08:00 | 17/01/2021
TTTĐ - Bệnh viêm da nổi cục bắt đầu xuất hiện ở nước ta từ giữa tháng 10/2020. Rất nhanh sau đó, bệnh đã lây lan ra 44 huyện của 17 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 1.534 con, trong đó gia súc đã tiêu hủy là 219 con. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các doanh nghiệp nhập khẩu và triển khai thí điểm sử dụng vaccine viêm da nổi cục trên đàn vật nuôi.
Đảm bảo công tác lấy mẫu xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh phục vụ Đại hội lần thứ XIII của Đảng Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 tại tỉnh Khánh Hòa Hà Nội: Chủ động phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân trên đàn vật nuôi

Bệnh có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng

Sau khi xuất hiện tại Việt Nam hồi tháng 10/2020, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục diễn biến khá phức tạp. Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, trong năm 2020, dịch bệnh viêm da nổi cục đã xuất hiện tại 44 huyện của 17 tỉnh, thành phố, bao gồm cả Hà Nội.

Tổng số gia súc (chủ yếu là trâu, bò) bị mắc bệnh là 1.534 con, trong đó, có 219 con trâu, bò đã bị chết, buộc phải tiêu hủy. Trong các tuần đầu của năm 2021, dịch bệnh viêm da nổi cục tiếp tục xảy ra tại 15 xã của 4 tỉnh. Tổng số gia súc mắc bệnh là 41 con; Trong đó, số bị chết, phải tiêu hủy là 15 con.

Tại Hà Nội, bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện trên đàn bò của gia đình ông Đoàn Ngọc Phan, thôn Đồng Tiến, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên. Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm da nổi cục, cơ quan chuyên ngành thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy con bò mắc bệnh với trọng lượng 280kg; Đồng thời thực hiện đầy đủ các bước khống chế dịch bệnh, không để lây lan ra diện rộng. Đặc biệt, bố trí cán bộ thực hiện công tác theo dõi, giám sát chặt chẽ số con khỏe mạnh còn lại trong đàn.

Phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò: Tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò tiếp tục diễn biến khá phức tạp

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết: Thời điểm này, ổ dịch tại Hà Nội đã được khống chế. Tuy nhiên, virus viêm da nổi cục có thể tồn tại trong thời gian dài ngoài môi trường, đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng, vận chuyển trâu bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và qua tiếp xúc trực tiếp. Do đó, nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn Hà Nội là rất cao, bởi các tỉnh lân cận đều đã có ổ dịch viêm da nổi cục và đang có chiều hướng lây lan nhanh.

Trong khi đó, Hà Nội là địa bàn trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm lớn, là nút giao thông của nhiều tuyến quốc lộ nên việc kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật gặp nhiều khó khăn. Cộng với nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao cũng như giá thịt trâu, bò có xu hướng tăng lên vào dịp cuối năm nên công tác kiểm soát, phòng chống dịch bệnh gặp không ít khó khăn.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, bệnh viêm da nổi cục là bệnh mới xảy ra trên địa bàn nên sự hiểu biết của người chăn nuôi về đặc điểm lây truyền, triệu chứng và cách phòng, chống bệnh còn chưa cao. Trong khi tổng đàn trâu, bò của thành phố lớn, với 158.000 con, nhưng chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, một số nơi còn chăn thả nên ý thức chủ động phòng chống dịch bệnh cũng như chăn nuôi an toàn sinh học của người dân còn hạn chế.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Hà Nội có tổng đàn trâu, bò lớn. Do đó, nếu dịch bùng phát ra diện rộng thì thiệt hại sẽ rất lớn. Thời điểm này, các địa phương phải chủ động hợp tác, phối hợp nhanh chóng, hiệu quả trong công tác phòng và dập dịch; Tổ chức thống kê toàn bộ các hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Chỉ nhập, tiếp nhận gia súc rõ nguồn gốc.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các ban ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh tại cơ sở, các trạm, chốt kiểm dịch liên ngành, kiểm soát tốt các phương tiện vận chuyển trâu bò, sản phẩm động vật ra vào địa bàn.

Song song với đó, tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện tốt việc khai báo chăn nuôi với chính quyền địa phương. Hướng dẫn người chăn nuôi chủ động giám sát gia súc, kịp thời phát hiện các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, cam kết không bán chạy, không giấu dịch. Thường xuyên tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.

Nhập khẩu khẩn cấp hàng triệu liều vaccine phòng bệnh

Theo nhận định của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nguy cơ dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tiếp tục lây lan nhanh, ở phạm vi rộng trong thời gian tới là rất cao. Nguyên nhân là bởi một số địa phương như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn... chưa triển khai quyết liệt, đồng bộ, xử lý dứt điểm gia súc mắc bệnh khi phát hiện. Điều kiện chăn nuôi của các nông hộ tại nhiều địa phương miền núi còn hạn chế…

Phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò: Tránh để “mất bò mới lo làm chuồng”
Các địa phương cần hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò

Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển, giết mổ trâu, bò để tiêu thụ trong những tháng cuối năm gia tăng mạnh. Giá trị kinh tế của trâu, bò cũng là rất lớn. Điều này dẫn đến có tình trạng người chăn nuôi ở một số địa phương bán chạy, giết mổ trâu bò bị mắc bệnh...

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Bộ đã hỗ trợ 3 doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp 50.000 liều vaccine từ Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Ai Cập để phòng chống dịch. Khoảng 1 triệu liều vaccine viêm da nổi cục cũng đang tiếp tục được nhập về Việt Nam…

Trên cơ sở đề nghị của UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với doanh nghiệp, chính quyền các cấp triển khai thí điểm việc sử dụng vaccine phòng bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò. Hiện, đã tổ chức tiêm được 3.493 con trâu, bò tại các tỉnh: Sơn La, Hà Giang và Thái Nguyên.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp nhập khẩu khẩn cấp vaccine viêm da nổi cục. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng và hướng dẫn sử dụng. Dự kiến trong tháng 1 - 2/2021, sẽ tổ chức tiêm phòng vaccine viêm da nổi cục cho vật nuôi tại tất cả các địa phương có dịch và xã có nguy cơ cao” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trang thông tin có sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/