Hộ chiếu vắc-xin: Tấm giấy thông hành của tương lai?

07:10 | 17/01/2021
TTTĐ - Nhiều quốc gia đã và đang thực hiện “hộ chiếu vắc-xin” để cho phép khôi phục lại sự đi lại và giúp ngành du lịch hồi sinh.
Hộ chiếu vắc-xin: Tấm giấy thông hành của tương lai?
Nhiều nước đã và đang có kế hoạch thực hiện "hộ chiếu vắc-xin" (Ảnh: Getty)

Gần một tháng sau khi Liên minh Châu Âu (EU) phê duyệt loại vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên do BioNTech và Pfizer phát triển, hàng nghìn người châu Âu đã được tiêm liều đầu tiên.

Các quốc gia khác trên thế giới như Mỹ, Israel, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Ấn Độ,… cũng đã bắt đầu tiêm vắc-xin cho công dân của họ. Trong khi những quốc gia khác đang chuẩn bị triển khai tiêm vắc-xin trong thời gian sớm nhất.

Với hàng triệu liều vắc-xin đã được mua và các thỏa thuận đang được tiến hành, giới chuyên môn dự đoán thế giới sẽ có miễn dịch cộng đồng vào năm 2023, khi đó cuộc sống sẽ trở lại như trước khi đại dịch bùng phát.

Trong vòng chưa đầy một năm, đại dịch đã gây chấn động nền kinh tế của phần lớn các quốc gia trên thế giới. Nó khiến nhiều ngành công nghiệp điêu đứng, trong đó có ngành du lịch và lữ hành, ngành đóng góp chính cho nền kinh tế của nhiều quốc gia.

Tuy nhiên đối với những ngành như du lịch không thể đợi cả thế giới miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2 để khởi động lại, vì những thiệt hại kinh tế mà các nước trên thế giới phải đối mặt là rất nặng nề.

Tấm giấy thông hành

Vào tháng 4/2020, một quan chức EU tiết lộ nếu khách du lịch xuất trình bằng chứng chứng minh họ đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19, họ có thể nhập cảnh vào EU.

Bây giờ, mười tháng sau, quốc gia gần đây nhất công bố kế hoạch giới thiệu một tài liệu chứng minh chủ sở hữu của nó đã được tiêm vắc-xin Covid-19 là Đan Mạch.Vào tháng 4/2020, một quan chức EU tiết lộ nếu khách du lịch xuất trình bằng chứng chứng minh họ đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19, họ có thể nhập cảnh vào EU.

Vào đầu tháng 1 vừa qua, Bộ Y tế và Người cao tuổi Đan Mạch đã thông báo rằng họ đang thiết lập “giấy thông hành vắc-xin” cho khách du lịch Đan Mạch và sẽ sớm cung cấp cho tất cả công dân Đan Mạch đã tiêm đủ liều vắc-xin ngừa Covid-19.

“Giấy thông hành vắc-xin” được dùng để đi đến các quốc gia mà việc tiêm chủng trở thành bắt buộc khi nhập cảnh.

Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis thậm chí đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu, thúc giục EU ban hành giấy chứng nhận tiêm chủng để tạo thuận lợi cho việc đi lại giữa các nước trong khối.

Nhân viên y tế ở Áo được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Getty)
Nhân viên y tế ở Áo được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 (Ảnh: Getty)

Thủ tướng Hy Lạp cũng nhấn mạnh việc này sẽ khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng nhiều hơn. Ông khẳng định giấy chứng nhận đã tiêm chủng Covid-19 không phải là điều kiện bắt buộc cho việc đi du lịch của công dân EU nhưng cần tạo một cơ chế tự do đi lại cho những người đã được tiêm chủng.

Cộng hoà Síp cũng có kế hoạch sẽ cho phép nhập cảnh đối với những du khách có chứng nhận đã tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 từ tháng 3/2021 bên cạnh các giấy tờ cơ bản như hộ chiếu, thị thực…

Các quốc gia khác, như Iceland và Hungary, đã áp dụng yêu cầu của cái gọi là “hộ chiếu miễn trừ”, về bản chất, là bằng chứng cho thấy khách du lịch có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Ở Hungary, chính quyền đã yêu cầu người nhập cảnh phải có chứng minh là mình đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thông qua một ứng dụng trên điện thoại di động.

Tại Iceland, người nào có giấy tờ xác nhận mình đã từng nhiễm và khỏi Covid-19 kể từ ngày 10-12/2020 thì không cần xét nghiệm hay cách ly.

Israel gần đây cũng đã công bố “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do.

Hay như hãng hàng không Qantas của Australia đã trở thành một trong những hãng hàng không đầu tiên trên thế giới yêu cầu khách có chứng nhận đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mới được phép bay.

Một số công ty và tập đoàn công nghệ cũng đã bắt đầu phải triển các ứng dụng trên điện thoại thông minh mà người dùng có thể tải lên thông tin chi tiết về các xét nghiệm, tiêm chủng của họ. Từ đó tạo giấy chứng nhận sức khỏe số hoặc thông qua dưới dạng mã QR hiển thị cho cơ quan chức năng mà không tiết lộ thông tin nhạy cảm.

Ý kiến trái chiều

Mặc dù nhiều người đang hoan nghênh ý tưởng “hộ chiếu vắc-xin”, song một số ý kiến trái chiều lại cho rằng chính nó trì hoãn việc mở cửa trở lại của du lịch thế giới.

Các chuyên gia du lịch tại Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới (WTTC), một diễn đàn dành cho ngành du lịch và lữ hành, tin rằng sẽ mất một khoảng thời gian đáng kể để tiêm chủng cho phần lớn dân số toàn cầu, đặc biệt là những người ở các nước kém phát triển. Điều này sẽ tạo ra một sự phân biệt đối xử đối với các nước nghèo và công dân các quốc gia liên quan.

“Hộ chiếu vắc-xin” còn đi ngược lại quy định về quyền lựa chọn tiêm hay không tiêm vắc-xin của người dân.

CommonPass hợp tác với một vài hãng hàng không để triển khai ứng dụng “hộ chiếu vắc-xin” trên các tuyến bay quốc tế (Ảnh: Commons Project)
CommonPass hợp tác với một vài hãng hàng không để triển khai ứng dụng “hộ chiếu vắc-xin” trên các tuyến bay quốc tế (Ảnh: Commons Project)

Một cuộc khảo sát do Viện Đổi mới Y tế Toàn cầu (IGHI) và YouGov của Đại học Hoàng gia London thực hiện về mức độ sẵn sàng tiêm chủng của mọi người, được thực hiện ở 15 quốc gia cho thấy chỉ có khoảng 51% người tham gia sẵn sàng tiêm chủng vào năm 2021.

Công dân Pháp ít sẵn sàng nhận vắc-xin nhất, với chỉ 35% người Pháp được hỏi khẳng định rằng họ sẽ uống vắc-xin ngay khi được đề nghị uống.

Hơn thế nữa, “hộ chiếu vắc-xin” còn được cho là sẽ tạo ra sự bất bình đẳng về quyền cơ bản của con người khi phân chia mọi người thành các nhóm dựa trên tình trạng sức khỏe của họ.

“Hộ chiếu vắc-xin có thể tạo ra sự khác biệt mới giữa các cá nhân dựa trên tình trạng sức khỏe của họ, sau đó có thể được sử dụng để xác định mức độ tự do và quyền mà họ có thể được hưởng,” Anna Beduschi, một học giả thuộc Đại học Exeter, Anh nhấn mạnh.

Như vậy, những trường hợp không thể tiếp cận, không đủ tiền làm xét nghiệm Covid-19 hoặc không vắc xin sẽ không thể chứng minh tình trạng sức khỏe của mình, sẽ bị từ chối dịch vụ chuyên chở hoặc quyền đến những địa điểm nhất định. Quyền tự do của họ trên thực tế sẽ bị hạn chế.

Tại Canada, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”. Ông cho rằng việc chuẩn hóa một biện pháp như vậy có thể có “tác động gây chia rẽ thực sự” đối với Canada và các cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nói thêm rằng việc có đủ người dân Canada nhiệt tình hưởng ứng tiêm chủng sẽ giúp nước này không cần phải thực hiện các biện pháp khắc nghiệt hơn như thực hiện cấp “hộ chiếu vắc-xin”.

WHO: Sẽ không có miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 WHO: Sẽ không có miễn dịch cộng đồng trong năm 2021

TTTĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo tình trạng miễn dịch cộng đồng sẽ không xảy ra trong năm nay.

WHO kêu gọi các nước giàu không gom hàng vắc-xin ngừa Covid-19 WHO kêu gọi các nước giàu không gom hàng vắc-xin ngừa Covid-19

TTTĐ - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước giàu có không gom hàng vắc-xin ngừa Covid-19 trong khi nhiều ...

Du lịch tiêm vắc-xin Covid-19 hút khách tại Ấn Độ Du lịch tiêm vắc-xin Covid-19 hút khách tại Ấn Độ

TTTĐ - Khi Jignesh Kumar Patel xem một tờ rơi quảng cáo về gói du lịch vắc-xin Covid-19 đến Mỹ vào đầu tháng này, anh ...

Ngọc Ly

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/