Những “hạt sạn” gây cười trong loạt phim cổ trang Việt Nam

08:15 | 04/04/2021
TTTĐ - Một thực tế khá hài hước đó là bộ phim cổ trang nào của Việt khi công chiếu cũng đều gây nên các cuộc tranh cãi khá ồn ào từ những “hạt sạn” không đáng có.
Dương Cẩm Lynh lần đầu tiết lộ chuyện hậu trường đóng 2 vai trong phim cổ trang "Nghiệp sinh tử"

Xu hướng làm phim cổ trang bắt nguồn từ làn sóng bom tấn cổ trang của Trung Quốc, Hàn Quốc đang làm mưa làm gió các nước trong khu vực thời gian vừa qua. Các đạo diễn Việt cũng vì thế lao vào làm phim cổ trang như một cách tận dụng trào lưu này trong lòng khán giả. Để phim cổ trang Việt thành công vẫn là một thách thức không nhỏ với mỗi đạo diễn...

Phản cảm vì đẹp mà không đúng

Trang phục trong các bộ phim cổ trang Việt luôn là đề tài nóng trên các diễn đàn về phim ảnh. Nhiều người thừa nhận rằng phim cổ trang không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam. Nhiều bộ phim đã thất bại trong mắt người xem ngay từ... cái nhìn đầu tiên bởi khâu phục trang. Có rất nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này nhưng đa số cho rằng phim cổ trang Việt đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của phim nước ngoài nên trang phục thường có phong cách “sến”, đẹp mà không đúng, na ná phim Trung Quốc.

Phim “Mỹ nhân kế” bị khán giả phản ứng vì trang phục của nhân vật quá hở hang
Phim “Mỹ nhân kế” bị khán giả phản ứng vì trang phục của nhân vật quá hở hang

Bị chỉ trích nhiều nhất là bộ phim truyền hình Lý Công Uẩn “Đường tới thành Thăng Long. Ê kíp làm phim thuê địa điểm ghi hình tại Trung Quốc và tiết giảm chi phí bằng cách thuê luôn trang phục bên đó, khiến bộ phim trở nên phản cảm với khán giả trong nước. Trong khi đó, một số bộ phim khác dù cố gắng khai thác yếu tố Việt song lại có xu hướng “lộng lẫy hóa” trang phục, cũng khiến khán giả phản ứng. Chẳng hạn như trang phục trong phim Thạch Sanh lấy cảm hứng từ hoa văn trống đồng, bị chê quá hiện đại, lạc lõng bởi màu sắc có phần sặc sỡ, điệu đà.

Ngay cả bộ phim điện ảnh thành công nhưMỹ nhân kế của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng cũng bị chỉ trích là trang phục hở hang, lòe loẹt, không có bản sắc dù nhà làm phim đã đầu tư tới 200 bộ trang phục và phụ kiện cho các nhân vật. Riêng trang phục của bà táo (Vân Trang đóng) trong “Táo quậy” có phần xa lạ với y phục cổ trang của người Việt mà giống với trang phục cổ truyền Hanbok của Hàn Quốc nhiều hơn.

Trên thực tế, nhiều khi các họa sỹ, nhà làm phim cảm thấy bối rối khi chuẩn bị trang phục cho nhân vật bởi không tìm được tư liệu, hình ảnh về trang phục xưa kia. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Việt từng chia sẻ vui mà rất thật rằng, mặc dù ông là người khai quật rất nhiều mộ cổ, tìm thấy sợi vải nhưng không thể biết chính xác người xưa mặc như thế nào, thế nên đừng trách các nhà làm phim. Chuyện điện ảnh cũng giống như chuyện dựng tượng danh nhân, giới mỹ thuật luôn đau đầu khi phải “sắm quần áo” cho nhân vật.

Bối cảnh thô vụng

Với yếu tố võ thuật hoặc kỳ ảo, phim cổ trang Việt Nam thường vận dụng nhiều kỹ xảo hình ảnh. Tuy nhiên, phương diện này ở nước ta còn non nớt về kinh nghiệm, dẫn đến nhiều hình ảnh kém thẩm mỹ.

Từ teaser trailer tới phim, Táo Quậy của mùa Tết năm 2019 gây nhức mắt với các chiêu phép thuật màu mè lòe loẹt khi các Táo quân chiến đấu với Quỷ Lửa (Vân Trang đóng). Kỹ thuật ghép hình cũng chưa tự nhiên, gây khiên cưỡng. Phim sử dụng nhiều đạo cụ mang tính lai tạp với văn hóa đại chúng Mỹ và Hàn Quốc. Sợi dây trói chân Minh với Táo Quậy là một sợi thừng phát quang, khá giống sợi dây Wonder Woman (Gal Gadot đóng) sử dụng trong phim cùng tên. Chiếc búa mà Táo Quậy dùng đập sợi dây y hệt như vũ khí nổi tiếng của Thần sấm Thor (Chris Hemsworth đóng).

Vào vai Quỷ Lửa trong phim, Vân Trang lạnh lùng và đầy sát khí. Tuy nhiên, cô ít đất diễn và có tạo hình lòe loẹt. Bắt nguồn từ một ý tưởng hay song Táo Quậy phóng tác câu chuyện vụng về. Kịch bản phim ôm đồm nhiều nội dung, lan man và nhạt nhẽo, nhiều đoạn vô lý.

Sợi dây trói chân Minh với Táo Quậy được cho là khá giống sợi dây Wonder Woman
Sợi dây trói chân Minh với Táo Quậy được cho là khá giống sợi dây Wonder Woman

Do khan hiếm phim trường, các đoàn phim cổ trang thường phục dựng cảnh sắc phong kiến tại bối cảnh thật. Quán rượu nơi rừng thiêng nước độc của dàn nữ cướp trong “Mỹ nhân kế hay phủ quan trong phim 3D Cung tâm kế đều được ghi hình tại resort sang trọng, lộ bàn tay sắp đặt, nặng tính sân khấu, gây cảm giác cưỡng ép. Cũng bởi lý do bối cảnh, nhiều bộ phim đôi khi khó tránh các vật dụng hiện đại có sẵn tại bối cảnh. Ví dụ như trong phimTây Sơn hào kiệt, trong lúc vua Quang Trung chia tay vợ là công chúa Ngọc Hân, mặc dù bối cảnh hay trang phục đều là đồ cổ trang nhưng bỗng dưng xuất hiện một cột điện cao thế rất hiện đại.

Trong bộ phim “Trần Trung kỳ án” có một phân đoạn nhân vật Ngọc Nhi bị quan khâm sai lấy dao đâm. Mặc dù có cảnh chiếc dao dính đầy máu nhưng chỉ sau đó vài giây, chiếc dao lại sạch sẽ một cách bất ngờ như chưa từng xảy ra chuyện gì. Đây chính là lỗi sai trong việc dàn dựng chi tiết trước sau của ê-kip làm phim.

Lã Thanh Huyền trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bị chê mở dọc sách tre thời Trần
Lã Thanh Huyền trong phim “Thái sư Trần Thủ Độ” bị chê khi mở dọc sách tre thời Trần

Phim “Thái sư Trần Thủ Độ” mắc lỗi lớn về lịch sử và văn hóa. Sách tre của thời nhà Trần vốn được đọc ngang song nhân vật của Lã Thanh Huyền lại mở dọc. Hầu hết những bộ phim này đến khi phát sóng thì người xem mới phát hiện ra chi tiết dở khóc dở cười này. Ngay lập tức ê-kíp kiểm duyệt và quay phim bị chỉ trích là làm việc cẩu thả, thiếu quan sát dẫn đến một lỗi sai không thể chấp nhận.

Kịch bản dễ dãi làm méo mó nhân vật lịch sử

Kịch bản phim cổ trang Việt cũng là nguyên nhân khiến nhiều bộ phim bị “mất điểm”. Đa phần các phim cổ trang Việt đều được xây dựng dựa trên một câu chuyện hoặc một nhân vật lịch sử. Bộ phim “Mỹ nhân ra mắt năm ngoái dù đã nỗ lực câu kéo khán giả bằng các diễn viên nổi tiếng và khâu truyền thông rầm rộ nhưng khi vừa ra mắt thì đã bị chê không tiếc lời về trang phục, cách tạo hình nhân vật và sự cẩu thả trong xây dựng kịch bản. Kịch bản phim chứa quá nhiều tình tiết phi lý và diễn biến xung đột cũng bị chắp vá rất nghiệp dư.

Phim “Tấm Cám: Chuyện chưa kể của Ngô Thanh Vân dù được kỳ vọng rất nhiều nhưng khi công chiếu cũng không tránh khỏi bị chê dở vì quá nhiều “sạn”. Nhiều người cho rằng, phim có kịch bản quá dễ dãi nên chỉ cần mở đầu phim người ta đã đoán được diễn biến; Ôm đồm quá nhiều tình tiết lãng mạn nhưng lại không có điểm nhấn, càng về cuối mạch phim càng yếu và giải quyết xung đột bằng cuộc chiến hai quái vật đã làm hỏng mạch logic của phim. Cũng vì kịch bản yếu nên các diễn viên chính chưa chạm được đến tận cùng nhân vật.

Thậm chí, nhiều người chê diễn viên Hạ Vi “cứng” như một “bình hoa di động” trên phim khiến nhân vật “chết” ngay từ khi phim mới mở màn. Họa sĩ Trương Huyền Đức trong bài viết rất dài trên trang cá nhân đã chấm cho Ngô Thanh Vân điểm 3 trong thang điểm 10. Bởi theo anh nếu “đả nữ” họ Ngô có kinh nghiệm hơn và có đội ngũ hỗ trợ tốt hơn ở các khâu kịch bản, giám sát phim trường, thiết kế, quay phim... thì có lẽ phim của cô tránh được nhiều lỗi. Cũng từ đó, định kiến tư duy người xem nổi lên cao trào, khiến phim cổ trang Việt luôn bị chê. Phim cổ trang Việt vốn phát triển chậm hơn so với các bộ phim cổ trang xứ Trung, Hàn, Nhật bởi lẽ đó mà phim Việt rất hay bị đem ra mổ sẻ, so sánh và bình luận từ nhiều khía cạnh.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ, có người xem tới xem tới xem lui một bộ phim cổ trang Việt nhưng lần nào xem cũng thấy phim đầy những yếu tố ngoại lai là bởi trong đầu họ đang “ních” đầy những hình ảnh của phim nước ngoài. Với những định kiến cố hữu này, dù nhà sản xuất có cố gắng Việt hóa phim đến mấy cũng không thể nào tránh được tình trạng bị chê.

Đạo diễn Victor Vũ cũng cho rằng, phim cổ trang, kiếm hiệp Việt Nam từ trước tới nay vẫn hay bị đem ra so sánh và coi là giống Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế thì dòng phim này của Trung Quốc cũng có bộ phim hay, phim dở chứ không phải phim nào cũng “tuyệt đỉnh công phu”. Cái khó là khán giả quen được xem những bộ phim ít “sạn” nhất nên khi xem phim Việt họ cũng đòi hỏi phải được như thế. Nếu không được như kỳ vọng họ lại lên tiếng chê bai, bình phẩm và so sánh. Đó thực sự là một điều làm khó các nhà sản xuất.

Một nhà nghiên cứu cho rằng: “Một bộ phim lịch sử thành công cần kết hợp thành quả nghiên cứu của nhiều lĩnh vực. Sự chuyên nghiệp trong trang phục thôi chưa đủ. Ngoài phục trang, còn có bối cảnh sinh hoạt, không gian văn hóa, phong tục, ngôn ngữ chữ viết... Kịch bản tồi, lời thoại sống sượng, không gian văn hóa sai lạc, đặc biệt nếu cứ giữ cái quan niệm về vẻ đẹp thuần Việt đưa vào phim... thì sẽ chỉ mang lại những sản phẩm xộc xệch, méo mó mà thôi. Mọi sự đều bắt đầu nằm ở tinh thần cầu thị và ở tư duy cởi mở”.

Theo đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - người từng làm phim cổ trang "Mỹ nhân kế" nhưng không được đánh giá cao, dòng phim cổ trang Việt Nam đang rất yếu. Tuy nhiên, đạo diễn Dũng “khùng” cho rằng, nếu các nhà làm phim cứ né tránh mãi thì sẽ chẳng bao giờ có thể mạnh lên được.

Vì thế, các nhà sản xuất phải chịu khó thay đổi, lắng nghe mỗi ngày trên tinh thần cầu thị. Chúng ta cần đầu tư nhiều kinh phí hơn nữa cho sản xuất phim cổ trang, cần có phim trường đủ lớn và đạt chuẩn như quốc tế đã làm, kịch bản phải hấp dẫn, diễn viên cần nhập vai...

Triệu Mùi

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/