Chống ùn tắc giao thông, bắt đầu từ những “điểm đen”

Bài 3: Cần quyết liệt, kết hợp giải pháp cấp bách và lâu dài

11:30 | 08/04/2021
TTTĐ - Với 26 “điểm đen” về ùn tắc giao thông như hiện nay nếu xóa được triệt để thì chắc chắn việc di chuyển của người dân Thủ đô sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, để xóa được điểm đen ngoài các giải pháp mang tính cấp bách ngắn hạn thì đã đến lúc Hà Nội cần có những biện pháp mang tính lâu dài hơn nếu không mọi biện pháp sẽ trở nên chắp vá, thiếu kết nối. Nếu vậy, mục tiêu xóa “điểm đen” năm nào cũng đặt ra cũng mãi chỉ nằm trên giấy hoặc xóa được điểm này thì lại xuất hiện điểm mới.
Chống ùn tắc giao thông, bắt đầu từ những “điểm đen” Đi tìm lời giải cho bài toán ùn tắc tại những trục giao thông trọng điểm Xóa “điểm đen” - giải pháp quan trọng giảm ùn tắc giao thông Thủ đô

Rà soát tổng thể quy hoạch nội đô, giảm ùn tắc giao thông

Trục đường Lê Văn Lương và Tố Hữu đi qua địa phận các quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Tổng chiều dài khoảng 7,5km, bắt đầu từ điểm giao cắt Ngã tư Láng - Láng Hạ - Lê Văn Lương, tới điểm cuối là ngã tư Tố Hữu - Lê Trọng Tấn - Yên Lộ. Đây là là một trong những tuyến đường huyết mạch hướng Tây Nam vào nội đô Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm qua, hàng loạt dự án chung cư cao tầng không ngừng mọc lên, “chen chúc” nhau dọc hai bên tuyến đường đang gây nên sự quá tải về hạ tầng, đặc biệt là ùn tắc giao thông.

Theo khảo sát, chỉ tính riêng đường Lê Văn Lương hiện có tới 33 dự án chung cư cao 25 - 35 tầng, đa số các dự án đã đưa vào sử dụng. Trong khi đó hết đường Lê Văn Lương đến tuyến đường Tố Hữu cũng đang phải “gánh” trên mình hàng chục dự án dự án bất động sản với quy mô lớn san sát nhau như dự án như: CT14, CT Trung Văn, Ecolife Capitol, The Light, The Pride, Roman Plaza... dự án khu đô thị mới Dương Nội, khu đô thị mới Vạn Phúc, Văn Khê, An Hưng với quy mô dân số lên tới hàng chục nghìn người. Với mật độ các tòa chung cư dày đặc như vậy, áp lực giao thông sẽ còn đè nặng lên tuyến đường này và việc xóa bỏ điểm đen Lê Văn Lương - Tố Hữu dường như là không hề dễ dàng.

Bài 3: Cần quyết liệt, kết hợp giải pháp cấp bách và lâu dài

Tốc độ phát triển nhà cao tầng quá nhanh dọc tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu tạo nên áp lực lớn cho hệ thống giao thông

Việc “mọc” lên hàng loạt cao ốc, dự án khu đô thị mới dọc trên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu là không phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011. Đồng thời, dư luận cũng cho rằng có những dự án điều chỉnh tầng cao nhiều lần là chính nguyên nhân gây nên việc quá tải hệ thống hạ tầng đô thị, đặc biệt là việc ùn tắc giao thông như hiện nay.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, với tình trạng quá tải hạ tầng giao thông ở mức nghiêm trọng như hiện nay, đã đến lúc TP Hà Nội cần rà soát tổng thể quy hoạch ở khu vực nội đô. Đối với những khu vực đã liệt vào danh sách quá tải, thành phố cần xem xét và điều chỉnh lại quy hoạch chung cư cao tầng cho phù hợp.

Điển hình cho việc quá tải về hạ tầng tại khu vực là Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Dự án từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua cư dân tại khu đô thị cũng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị tới các cơ quan, chính quyền địa phương về việc khu vực này bị phá vỡ quy hoạch trong suốt 20 năm qua.

Theo quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt năm 1998, với mật độ xây dựng hơn 34%, dự án có 8 tòa nhà cao trung bình 6,7 - 7,5 tầng. Chỉ 3 năm sau đó, quy hoạch đã điều chỉnh tăng gấp đôi, lên 16 tòa cao tầng. Chiều cao mỗi tòa cũng tăng lên gấp đôi, dao động từ 9 đến 21 tầng. Sau 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, hiện mật độ xây dựng khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50% với 16 tòa nhà cao tầng, chiều cao từ 17 đến 34 tầng. Bên cạnh những dự án đã đưa vào sử dụng, rất nhiều dự án bất động sản với quy mô lớn vẫn đang tiếp tục triển khai thi công.

Kiên trì, đồng bộ các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông

Theo chương trình mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu mỗi năm xóa 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế các điểm phát sinh mới. Trong đó, thành phố tập trung triển khai đồng bộ 6 nhóm giải pháp gồm: Huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo kết nối đồng bộ các tuyến vành đai, các trục hướng tâm, cầu qua sông và tuyến đường có tính liên vùng, các công trình cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông. Đây được xem là nhóm giải pháp cơ bản có tính bền vững và lâu dài.

Để kéo giảm ùn tắc, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng đã đề xuất UBND thành phố Hà Nội một số nhóm giải pháp như xén mở rộng tối đa mặt đường, tăng khả năng lưu thông, tăng diện tích đất dành cho giao thông; Xây dựng cầu vượt tại một số nút giao thông quan trọng, thường xuyên; Xén vỉa hè mở rộng các nút giao để tăng lưu lượng giao thông qua nút; Tổ chức giao thông hợp lý, cho các phương tiện rẽ phải liên tục, cấm rẽ trái tại một số nút giao để hạn chế xung đột giao thông.

Bên cạnh những giải pháp trên, các chuyên gia giao thông đều cho rằng, Hà Nội cần đẩy nhanh việc phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, tích cực thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng hơn nữa.

Tại buổi hội thảo về "Tác động môi trường của giao thông đô thị" diễn ra ngày 4/4 mới đây, ông Yann Maublanc, chuyên gia giao thông của Pháp cho rằng, nguyên tắc trong quy hoạch giao thông đô thị luôn hướng tới việc ưu tiên phương tiện giao thông công cộng để giải quyết các vấn đề về giao thông. Tuy nhiên, hình thức di chuyển bằng phương tiện công cộng ở Hà Nội vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với trình độ phát triển kinh tế, xã hội. Toàn thành phố có 125 tuyến xe bus, 2 tuyến tàu điện trên cao (metro) và 1 tuyến bus nhanh (BRT).

Theo ông Yann Maublanc, chất lượng phục vụ đang là điểm yếu của giao thông công cộng, cụ thể là sự thiếu hụt về thông tin hành trình, chất lượng trạm chờ xe bus tương đối kém, phương tiện cũ đã xuống cấp và tốc độ thương mại thấp do thiếu quy hoạch đường sá. Giao thông công cộng tại Hà Nội hiện chiếm khoảng 10% tổng lưu lượng vận tải hành khách, cho thấy còn nhiều dư địa để tiếp tục phát triển.

Ông Yann Maublanc đưa ra đề xuất, Hà Nội có thể lựa chọn mô hình quy hoạch TOD (phát triển đô thị dựa vào giao thông công cộng, lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư). Hiện nay, nhiều thành phố hiện đại trên toàn cầu cũng đang áp dụng mô hình này và đã thành công.

Bài 3: Cần quyết liệt, kết hợp giải pháp cấp bách và lâu dài

Thiếu quy hoạch tổng thể về phát triển hạ tầng giao thông là nguyên nhân căn bản khiến cho các “điểm đen” về ùn tắc giao thông khó xóa bỏ triệt để

Một giải pháp nữa mang tính đột phá là ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông như: Camera giám sát giao thông; Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý điều hành giao thông; Xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, giải pháp căn bản, lâu dài, có thể coi là “sức mạnh mềm” đảm bảo ATGT bền vững là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; Đặc biệt nâng cao ý thức chấp hành pháp luật giao thông cho người tham gia giao thông và xây dựng văn hóa giao thông, chú trọng đưa chương trình giáo dục về ATGT vào trong hệ thống giáo dục ngay từ các cấp học đầu tiên.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải góp phần nâng cao hiệu quả răn đe các hành vi vi phạm, nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Theo TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), giảng viên trường Đại học Việt Nhật, thay vì tập trung nhân lực cho phân làn, các lực lượng liên ngành có thể lập chốt xử phạt vi phạm ngay tại các nút giao lớn. Các chốt này nên được duy trì thường xuyên hằng ngày, trong suốt thời gian cao điểm để hạn chế tối đa vi phạm của người tham gia giao thông, qua đó, hạn chế đáng kể ùn tắc giao thông.

Ông Bình cho rằng, Hà Nội đang có tình trạng mất cân bằng giữa hai chiều lưu thông vào và ra khỏi trung tâm thành phố trong các khung giờ cao điểm sáng và chiều. Vì vậy, Hà Nội có thể nghiên cứu thử nghiệm dải phân cách giữa di động, hoặc biển báo, vạch sơn linh hoạt chuyển đổi theo buổi sáng, chiều để bố trí mặt đường rộng hơn cho chiều lưu thông có nhiều xe hơn. Cách làm này có mức đầu tư tương đối thấp nhưng phát huy hiệu quả khá cao trong việc giải quyết ùn tắc giao thông tại nhiều đô thị lớn trên thế giới.

Đối với tình trạng xe khách liên tỉnh “rùa bò”, dừng đỗ sai quy định, ngoài việc xử phạt hành chính, lực lượng chức năng cũng nên đưa ra những quy định từ chối cấp phép hoạt động hoặc rút giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân cố tình tái phạm nhiều lần.

Ùn tắc giao thông vẫn luôn là vấn đề nóng của Thủ đô Hà Nội, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế, sự phát triển đô thị và nỗ lực nâng cao chất lượng sống của người dân. Không thể phủ nhận nỗ lực của TP Hà Nội trong việc đầu tư, cải thiện hạ tầng giao thông những năm gần đây. Tuy nhiên, tiến độ ì ạch của các dự án trọng điểm, cùng với quy hoạch không theo kịp tốc độ đô thị hóa chóng mặt... đã khiến cho giao thông Thủ đô thật sự bức bối, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn, tổng thể hơn để cải thiện tình trạng này để Thủ đô phát triển nhanh nhưng phải xanh và bền vững.

Trí Nhân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/