“Mũi điện tử” có thể phát hiện các bệnh ung thư

20:09 | 08/06/2021
TTTĐ - Một “mũi điện tử” có khả năng phát hiện các bệnh ung thư với độ chính xác 95% giúp các bác sĩ chẩn đoán sớm căn bệnh có khả năng gây tử vong cao này.
Công bố nghiên cứu mang tính đột phá: Ngăn chặn stress có thể hỗ trợ điều trị bệnh ung thư Tăng cường tiếp cận liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú WHO khuyến cáo ngăn ngừa ung thư cổ tử cung thông qua tiêm chủng, sàng lọc

Các nhà khoa học tại Đại học Pennsylvania, Mỹ, đã thiết kế một hệ thống nhân tạo được trang bị cảm biến nano để giải mã hỗn hợp các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi phát ra từ các tế bào trong mẫu huyết tương. Mẫu thiết kế này có thể đóng vai trò như một cách tiếp cận không xâm lấn để sàng lọc, phát hiện ung thư tuyến tụy và ung thư buồng trứng.

Ông Charlie Johnson, tác giả nghiên cứu cho biết, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ mô và huyết tương của bệnh nhân ung thư buồng trứng có mùi khác với hợp chất được giải phóng từ mẫu của bệnh nhân có khối u lành tính. Nhờ đó, công cụ này có thể phân biệt tế bào lành tính và phát hiện dấu hiệu ung thư trong mẫu huyết tương.

Theo nhóm nghiên cứu, chiếc “mũi điện tử” này có thể xác định chính xác tất cả các bệnh nhân bị ung thư giai đoạn đầu. Đặc biệt, phương pháp này sẽ cho kết quả trong vòng chưa đầy 20 phút, trong khi các phương pháp truyền thống có thể mất vài ngày hoặc vài tuần để cho ra kết quả.

“Mũi điện tử” sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để giải mã các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tiết ra từ các tế bào trong mẫu huyết tương (Ảnh: Shutterstock)
“Mũi điện tử” sử dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để giải mã các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tiết ra từ các tế bào trong mẫu huyết tương (Ảnh: Shutterstock)

Nhóm nghiên cứu đã thực hiện thử nghiệm trên 93 mẫu bệnh nhân. Trong đó, khoảng 20 người bị ung thư buồng trứng, 20 người có khối u buồng trứng lành tính, 13 bệnh nhân ung thư tuyến tụy, 10 người có u tuyến tụy lành tính và 30 người không mang bệnh để đối chứng về tuổi và giới tính.

Kết quả cho thấy, “mũi điện tử” có thể phát hiện bệnh nhân bị ung thư buồng trứng với độ chính xác 95% và ung thư tuyến tụy với độ chính xác 90%.

Ngoài ra, nó cũng xác định chính xác tất cả 8 bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn đầu. Cách tiếp cận nhận dạng mùi của công nghệ trên tương tự như cách thức hoạt động của khứu giác con người. Trong đó, một hỗn hợp các hợp chất khác nhau cho não biết nó đang ngửi mùi gì.

Các phương pháp truyền thống để phát hiện ung thư ở bệnh nhân đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa phải tiến hành sinh thiết, có thể ở ổ bụng, tủy xương hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Sau khi thu thập, mẫu sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm, nơi nó được phân tích xem mô được lấy ra có khối u hay không và nếu có thì đó là loại gì. Quá trình này có thể mất từ ​​hai đến 3 ngày hoặc lâu nhất là 7 đến 10 ngày, tùy thuộc vào mức độ phức tạp.

Tuy nhiên, sự đổi mới từ Đại học Pennsylvania có thể thay đổi toàn bộ quy trình, giúp quá trình chẩn đoán nhanh và dễ thực hiện hơn. “Đây là nghiên cứu ban đầu nhưng kết quả rất hứa hẹn”, Charlie Johnson nói và cho biết nếu được phát triển phù hợp với môi trường lâm sàng, đây có thể được coi một xét nghiệm sau khi lấy máu tiêu chuẩn.

Tuệ Uyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/