Kết nối việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp thông qua ứng dụng mạng xã hội

08:00 | 30/06/2021
TTTĐ - Nhờ áp dụng các nền tảng như Facebook, Zalo, người lao động đã được hướng dẫn kịp thời, từ xa trong việc kết nối việc làm, kê khai hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, từ đó không phải mất công gửi đi, gửi lại nhiều lần.
Hà Nội tăng cường tiếp nhận hồ sơ trợ cấp thất nghiệp theo hình thức gián tiếp Đề xuất hỗ trợ 80.000 đồng/ngày cho người lao động cách ly y tế Tăng mức hỗ trợ học nghề với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp Đề xuất nâng mức hỗ trợ cho lao động thất nghiệp tham gia đào tạo nghề

Tăng cường ứng dụng mạng xã hội

Làn sóng dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã làm xáo trộn nhiều mặt của đời sống xã hội, dân sinh và ảnh hưởng nặng nề đối với lĩnh vực lao động, việc làm trên địa bàn Thủ đô. Theo thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, mỗi ngày đơn vị này tiếp nhận và xử lý gần 3.000 hồ sơ liên quan đến giải quyết việc làm cũng như thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Với số lượng hồ sơ lớn tiếp nhận hàng ngày, thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, dù dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 nhưng với chiến lược vừa ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh vừa khôi phục kinh tế, đảm bảo an sinh, an toàn xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ. Từ đó, người lao động kết nối với doanh nghiệp tìm việc làm, giải quyết các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội không bị gián đoạn.

Kết nối việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp thông qua ứng dụng mạng xã hội
Hà Nội đẩy mạnh triển khai kết nối việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp thông qua ứng dụng mạng xã hội

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Tạ Văn Thảo cho biết, trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã tư vấn cho 5.271 lượt người sử dụng lao động và 435.215 lượt người lao động; Trong đó có 195.496 lượt lao động được tư vấn việc làm; Giới thiệu việc làm cho 23.655 lượt người. Số lao động được tuyển dụng là 5.952 người (bao gồm cả kết quả tại các phiên giao dịch việc làm).

Để đảm bảo kiểm soát dịch bệnh vừa đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai nhiều hình thức kết nối online giữa doanh nghiệp và người lao động. Ngoài các sàn giao dịch việc làm online http://esip.vieclamvietnam.gov.vn/, http://vieclamhanoi.net/, trung tâm còn thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… để giúp người lao động giải quyết các thủ tục nhanh, sớm nhất.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, để đáp ứng kịp thời yêu cầu của thị trường lao động trong tình hình mới, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động về thông tin thị trường lao động hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn - giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động được triển khai đa đạng theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Bên cạnh đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm nhằm hạn chế tiếp xúc, nâng cao hiệu quả tư vấn – giới thiệu việc làm. Trong 6 tháng đầu năm, Trung tâm cũng đã tổ chức 111 phiên giao dịch việc làm, gồm các phiên định kỳ hàng ngày, phiên lưu động và phiên chuyên đề.

Các hoạt động của phiên giao dịch việc làm được triển khai đồng bộ từ trụ sở chính của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đến 14 điểm, sàn giao dịch việc làm vệ tinh trên địa bàn thành phố góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm tại nhiều địa phương, nhất là một số khu vực chịu nhiều ảnh hưởng lớn từ tác động của dịch Covid-19.

Hỗ trợ tối đa cho người lao động và doanh nghiệp

Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, việc triển khai kết nối người lao động và doanh nghiệp qua hình thức online giúp người lao động không phải đi lại, di chuyển nhiều trong quá trình tìm việc, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh. Hình thức này cũng tiết kiệm thời gian, chi phí cho người lao động và cả doanh nghiệp.

Về giải quyết các chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường phân luồng, thực hiện đảm bảo giãn cách trong quá trình hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp; Tiếp nhận hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp qua đường Bưu điện; Thực hiện khai báo tìm kiếm việc làm qua điện thoại, Zalo, email…

Kết nối việc làm, giải quyết bảo hiểm thất nghiệp thông qua ứng dụng mạng xã hội
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tăng cường phân luồng, thực hiện đảm bảo giãn cách trong quá trình hỗ trợ giải quyết chế độ chính sách về bảo hiểm thất nghiệp

Những giải pháp trên nhằm góp phần hạn chế tiếp xúc và giảm thời gian, chi phí đi lại cho người lao động thất nghiệp trong quá trình đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngoài ra, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng đẩy mạnh và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ người lao động thực hiện khai báo tìm kiếm việc làm, nhất là một số người lao động đang trong diện bị cách ly hoặc nằm trong vùng bị phong tỏa.

Ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay: Để tiếp tục đảm bảo mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch đồng thời phát triển kinh tế Thủ đô, 6 tháng cuối năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội xác định tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Đồng thời, trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác giải quyết việc làm; Thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch khi thực hiện hoạt động của các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động qua hình thức online. Theo định kỳ, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, chuyên đề, lồng ghép và lưu động, đặc biệt là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng chống dịch, đẩy mạnh kết nối giao dịch việc làm trực tuyến, nâng cao hiệu quả kết nối, giới thiệu việc làm...

Cùng với đó, Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức như: chát nhóm trên ứng dụng Zalo, tin nhắn Facebook, qua điện thoại, qua email; Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người trên địa bàn thành phố là cơ sở để phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và doanh nghiệp.

Theo ông Tạ Văn Thảo, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc, nhất là các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, giao dịch việc làm trực tuyến; Đẩy mạnh công tác phân tích - dự báo thị trường lao động; Phân tích thực trạng và xu hướng việc làm trên địa bàn thành phố để từ đó làm cơ sở xây dựng các mô hình dự báo; Đề xuất các giải pháp phù hợp hỗ trợ nghiệp vụ cho trung tâm, cung cấp cho các chủ thể trên thị trường lao động có những thông tin xu hướng việc làm phù hợp để sớm tìm kiếm được việc làm.

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/