Huyện Chư Sê (Gia Lai)

Phát triển cây dược liệu, hướng đi đầy tiềm năng

15:25 | 20/04/2022
TTTĐ - Tận dụng lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, những năm qua, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã tập trung đẩy mạnh, phát triển cây dược liệu. Hướng đi này đã giúp người dân giải quyết vấn đề việc làm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời, hướng đến xây dựng trung tâm dược liệu của tỉnh vào năm 2025.
HTX Tâm An đánh thức tiềm năng vùng đất trũng bằng cây dược liệu Nhân rộng mô hình chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây dược liệu Phát triển tiềm năng cây dược liệu gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP Phát triển cây dược liệu trà hoa vàng thành sản phẩm OCOP

Từng bước mở rộng diện tích trồng dược liệu

Huyện Chư Sê là một trong những địa phương trọng điểm của tỉnh Gia Lai được khuyến khích phát triển các loài cây dược liệu phù hợp. Theo Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện Chư Sê”, địa phương phấn đấu từ nay đến năm 2025 phát triển từ 250 đến 500ha cây dược liệu, tập trung tại các xã Ia Hlốp và Ia Ko theo hướng liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho thấy, thời gian qua, huyện đã phát triển được 700ha diện tích cây dược liệu như: Cà gai leo 54,7ha; Đinh lăng 83,84ha; Hà thủ ô 15,4ha; Đương quy 23ha; Gừng, nghệ 65ha; Cát cánh 10ha... Ngoài ra, huyện còn tập trung đầu tư, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu quý như nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo...

Phát triển cây dược liệu, hướng đi đầy tiềm năng
Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê (áo trắng) trao đổi với người dân về cách chăm sóc cây dược liệu

Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Sê cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 5 công ty, doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực dược liệu, bao gồm: HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh, HTX Hoài Trương, HTX Đức Hiền, Công ty Dược liệu Gia Định và Công ty Cà gai leo Hà Nội. Đến nay các công ty, doanh nghiệp, HTX đã trồng được 120,4ha các loại cây dược liệu.

“Điển hình là HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh đã hình thành mối liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm dược liệu với với các hộ dân trên địa bàn huyện. Sản phẩm làm ra một phần được HTX làm nguyên liệu để chế biến, một phần liên kết với Công ty Cổ phần Traphaco để tiêu thụ.

Đến nay, HTX đã được công nhận 4 loại cây đạt chứng chỉ GACP, bao gồm 7,2ha đinh lăng, 3ha đan sâm, 8ha hà thủ ô đỏ, 10ha cát cánh và trồng thử nghiệm thành công các loại độc hoạt, hoài sơn...”, ông Hợp cho biết thêm.

Không chỉ đi đầu trong việc tìm hướng đi mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các công ty, HTX trồng dược liệu trên địa bàn huyện Chư Sê còn thu hút được rất nhiều lao động, đóng góp vào việc giải quyết vấn đề việc làm cho người dân trên địa bàn.

Bà Lưu Thị Tùy (ở làng Plong, xã Ia Hlốp) cho biết: "Thời gian qua do dịch bệnh giá cà phê, tiêu thấp nên đời sống gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn. Từ khi tham gia vào HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh, chúng tôi có thêm việc làm và thu nhập để trang trải cho gia đình. Mỗi tháng chúng tôi có thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng".

Phát triển cây dược liệu, hướng đi đầy tiềm năng
Các HTX, công ty trồng dược liệu đã thu hút được rất nhiều lao động, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân

Phát triển các loại cây dược liệu trở thành mũi nhọn

Nhận thấy tiềm năng của cây dược liệu, Huyện ủy Chư Sê đã ban hành Nghị Quyết số 11-NQ/HU ngày 18/4/2019 về việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2025 trên địa bàn huyện.

Trong đó xác định phát triển các loại cây dược liệu là mũi nhọn. Định hướng đến năm 2025, huyện sẽ phát triển được 1.000 - 1.200ha cây dược liệu các loại; Trong đó có khoảng 500ha được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và trở thành trung tâm dược liệu của tỉnh Gia Lai.

Huyện hỗ trợ nông dân sản xuất chủ yếu là cây giống, kỹ thuật và thiết bị tưới bằng công nghệ cao. Bên cạnh đó là kêu gọi doanh nghiệp, HTX đầu tư trang thiết bị trong sản xuất giống, sản xuất chế biến các loại dược liệu. Doanh nghiệp hỗ trợ người dân đầu vào, quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản dược liệu.

Phát triển cây dược liệu, hướng đi đầy tiềm năng
Mô hình trồng xen cà gai leo trong vườn cà phê của gia đình ông Lâm Quốc Triều (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê)

Thực hiện đề án, huyện đã và đang triển khai dự án đầu tư trồng dược liệu ứng dụng công nghệ cao với diện tích 17,2ha, 20 hộ dân tham gia trồng cây cà gai leo và hà thủ ô đỏ với kinh phí 648 triệu đồng.

HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Quang Minh là đơn vị được lựa chọn để liên kết đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Dự án nhằm chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao cho người dân trên địa bàn; Đồng thời, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Bí thư Huyện ủy Chư Sê cho biết: Trong thời gian qua, huyện đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn định hướng tới 2025. Người dân khi chuyển đổi sang loại cây trồng này rất phấn khởi vì sản phẩm từ cây dược liệu mang lại thu nhập tương đối cao. Chẳng hạn như cà gai leo mang lại 100 - 150 triệu năm/ha, hà thủ ô đỏ từ 400 - 500 triệu năm/ha.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân để phát triển diện tích cây dược liệu. Đây sẽ là đòn bẩy giúp cho việc giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số được hiệu quả", Bí thư huyện Ủy huyện Chư Sê cho biết thêm.

THANH TÙNG

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/