Cần xử lý hình sự các đối tượng tung tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội

12:09 | 11/09/2021
TTTĐ - Vấn nạn tin giả, tin sai sự thật, đặc biệt là thông tin về công tác phòng, chống dịch Covid-19 làm giảm niềm tin của người dân, gây hoang mang dư luận xã hội. Chuyên gia pháp lý cho rằng không thể xử phạt hành chính mãi được, cần phải xử lý hình sự những đối tượng tung tin giả, tin sai sự thật.
Hà Nội khuyến cáo người dân không lan truyền tin giả "sống chung với Covid-19 từ ngày 15/9" Hà Nội xử lý nghiêm các trang nhóm cố tình giả mạo thông tin của chính quyền thành phố Cảnh giác “ma trận” tin giả, xuyên tạc trên mạng xã hội Hà Nội không cho người dân ra đường trong 7 ngày là tin giả Tăng cường rà soát, chấn chỉnh thông tin giả về Covid-19 trên mạng xã hội

Liên tục xử lý tin giả, sai sự thật trên mạng

Thời gian qua, nhiều đối tượng vì các động cơ, mục đích khác nhau đã phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống, dịch bệnh; Gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội. Dù các cơ quan chức năng cũng đã tuyên truyền, xử phạt nhiều trường hợp nhưng tình trạng này vẫn xảy ra.

Ngày 10/9, trên một số hội, nhóm riêng tư thuộc nền tảng mạng xã hội Facebook và Zalo lan truyền thông tin được cho là nội dung cuộc họp chiều 9/9, trong đó đưa các thông tin như: "Bắt đầu thực hiện sống chung với Covid-19 kể từ ngày 15/9/2021, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh được hoạt động khi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng chống dịch; Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, tăng dần tỷ lệ: 30 - 50 - 70%...; Các hoạt động nguy cơ cao sẽ giảm quy mô hoặc không được hoạt động; Chuẩn hóa thông tin tiêm vaccine cho toàn bộ người dân trên Sổ sức khỏe điện tử biến thành giấy thông hành vaccine, bỏ tất cả các giấy phép con như giấy đi đường, di biến động dân cư, xét nghiệm âm tính; Chuyển dần sang điều trị Covid-19 dịch vụ có thu phí; Lực lượng nhân viên bán lẻ được ưu tiên tiêm vaccine...".

Thông tin về cuộc họp chiều 9/9 lan truyền trên mạng là tin giả
Thông tin về cuộc họp chiều 9/9 lan truyền trên mạng là tin giả

Trước những thông tin trên, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khẳng định, đây là thông tin giả mạo, sai sự thật, gây hoang mang dư luận. Đối tượng lợi dụng thông tin để đánh lừa người đọc do tình hình diễn biến dịch bệnh hiện nay phức tạp; Hàng ngày, Ban chỉ đạo chống dịch đều tổ chức các cuộc họp để đánh giá tình hình và đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch tại địa phương. Hiện lực lượng chức năng đang vào cuộc rà quét các tài khoản mạng xã hội đăng thông tin trên để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội khuyến cáo người dân không đăng tải, bình luận, chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin giả mạo, sai sự thật nói chung, đặc biệt là các thông tin sai sự thật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố. Đối với những trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chủ trang Facebook “Giang Kim Cúc và các cộng sự” bị phạt 10 triệu đồng vì đăng tin giả
Chủ trang Facebook “Giang Kim Cúc và các cộng sự” bị phạt 10 triệu đồng vì đăng tin giả

Cũng trong chiều 10/9, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã xử phạt chủ trang Facebook ‘Giang Kim Cúc và các cộng sự” 10 triệu đồng vì đăng tin giả.

Theo Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, việc chủ trang Facebook “Giang Kim Cúc và các cộng sự” phát sóng trực tiếp vụ việc ngày 2/9 với nội dung “bà ngoại rút ống thở của cháu nhiễm Covid-19” là sai sự thật, vi phạm điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP.

Trên thực tế, bệnh nhân Covid-19 này đã mất trước khi tới bệnh viện. Bà ngoại của nạn nhân là người ký vào bản chứng thực nạn nhân đã mất trên đường cấp cứu. Chủ trang Facebook “Giang Kim Cúc và các cộng sự” đăng tải thông tin sai sự thật, cho rằng bà ngoại là người rút ống thở của cháu, đã gây xôn xao, phẫn nộ trong dư luận.

Trước đó vào ngày 6/9, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cũng thông tin về việc gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số trang, nhóm sử dụng tên, logo "Hà Nội", thậm chí sử dụng hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, biểu tượng Thủ đô Hà Nội đã được quy định tại Luật Thủ đô. Những trang mạng này đã đăng tải thông tin không chính thống của chính quyền thành phố, đặc biệt, trong thời gian tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp khiến dư luận hoang mang, gây ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố.

Cần xử lý hình sự các đối tượng tung tin giả, sai sự thật lên mạng xã hội
Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội thống kê hiện có tới 12 trang giả mạo logo, hình ảnh tài khoản thành phố Hà Nội trên mạng xã hội Facebook
Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội thống kê hiện có tới 12 trang giả mạo logo, hình ảnh tài khoản thành phố Hà Nội trên mạng xã hội Facebook

Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị người dân không chia sẻ, lan tỏa thông tin từ các trang mạng xã hội nói trên. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định.

Cũng theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện Hà Nội chỉ có 1 trang fanpage chính thức của Thủ đô Hà Nội, địa chỉ: https://www.facebook.com/thudo.gov.vn/.

Biện pháp hành chính chưa có tác dụng răn đe

Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về biện pháp xử lý đối tượng đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: Thời gian qua nhiều đối tượng đã bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 101, 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức xử phạt tiền tối đa 30 triệu đồng.

Tuy nhiên các vi phạm trên không gian mạng vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước trong tình hình hiện nay; Qua đó cho thấy biện pháp xử phạt hành chính bằng tiền vẫn chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa các vi phạm nên cần phải xử lý bằng chế tài hình sự mới có thể ngăn chặn hành vi đưa lên không gian mạng các tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội
Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Cũng theo luật sư Thơm, đối với hành vi vi phạm đã xảy ra, TAND Tối cao đã có hướng dẫn xử lý hình sự tại khoản 1.4 mục 1 Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, cá nhân có hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì bị xử lý về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Mức phạt tù đến 7 năm và còn có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Để có thể ngăn chặn các vi phạm tiếp diễn xảy ra, cần thiết khởi tố, đưa ra xét xử điểm các đối tượng đưa lên không gian mạng các tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19 để nhằm mục đích răn đe, phòng chống tội phạm gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch của Chính phủ hiện nay.

“Người cần lưu ý nếu chia sẻ thông tin trên mạng xã hội phải chọn lọc, chia sẻ các thông tin từ các trang báo chính thống. Nếu chia sẻ các thông tin được xác định là tin giả thì dù sau đó có xóa cũng có thể sẽ bị cơ quan chức năng truy ra để xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Nguyễn Anh Thơm khuyến cáo.

Thành Lộc

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/