CII vay nợ 500 tỷ đồng qua trái phiếu có rủi ro không?

12:21 | 21/09/2021
TTTĐ - Việc vay nợ hàng trăm tỷ đồng qua trái phiếu của CII có rủi ro hay không sẽ tùy nhà đầu tư đánh giá, song những chỉ số nợ vay sẽ phần nào lột tả được sức khỏe tài chính của doanh nghiệp này.
MSB “nhúng tay”, nhà băng nào cho PG Bank vay nợ nửa nghìn tỷ không cần đảm bảo? Bất chấp cảnh cáo rủi ro, hệ sinh thái Hải Phát Invest đua vay nợ trái phiếu Xử lý nghiêm công ty chứng khoán vi phạm dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp

Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (mã CK: CII) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. Thời gian đăng ký mua vào và nộp tiền từ ngày 8/12 đến 28/12.

Trái phiếu chào bán là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không được bảo đảm bằng tài sản. Lãi suất chi trả cố định và không quá 10,5%/năm.Trái phiếu có kỳ hạn 42 tháng, lãi trả sau, định kỳ 3 tháng/lần.

Mục đích của việc huy động lần này được dùng để gia tăng nguồn vốn với chi phí hợp lý trên thị trường trong giai đoạn lãi suất hiện đang ở mức thấp.

Cụ thể, số tiền thu được CII dự kiến chi 265 tỷ đồng để thanh toán gốc vay tại VPBank; 235 tỷ đồng sẽ đầu tư vào cao tốc Trung Lương - Mỹ thuận và dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Theo tìm hiểu của phóng viên, CII là doanh nghiệp khá có tiếng ở TP HCM khi sở hữu nhiều dự án lớn về giao thông, bất động sản và nước sạch.

CII vay nợ 500 tỷ đồng qua trái phiếu có rủi ro không?
Thông tin huy động vốn qua kênh trái phiếu của CII

Trong đó, các dự án của CII có quy mô lớn, với vốn đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng như dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội giai đoạn 2, cầu Sài Gòn 2, cầu Rạch Chiếc, Cao Tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1 và các dự án bất động sản như Thủ Thiêm Lakeview, chung cư Lữ Gia Plaza, chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh...

Việc triển khai loạt dự án lớn khiếp áp lực dòng tiền bị đè nặng, vậy nên CII đã phải liên tục huy động vốn vay và vốn chủ sở hữu để có thể phục vụ nhu cầu mở rộng kinh doanh.

Tính tới ngày 30/6/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của CII tăng thêm 5,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 922,5 tỷ đồng lên 17.500,7 tỷ đồng và chiếm 57,8% tổng tài sản.

Đáng chú ý, CII đang chịu áp lực thanh toán các khoản vay và nợ thuê tài chính trong vòng một năm là 874,6 tỷ đồng, lịch thanh toán các khoản trái phiếu thường là 1.111 tỷ đồng.

Tuy nhiên, công ty lại chỉ sở hữu tiền và đầu tư tài chính 1.050 tỷ đồng, ngoài ra còn chịu áp lực thanh toán lãi vay với tổng nợ vay lên tới 17.500 tỷ đồng.

Mặt khác, dòng tiền kinh doanh của CII tiếp tục âm trong 6 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, dòng tiền kinh doanh chính âm 802,1 tỷ đồng so với cùng kỳ âm 903,7 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 139,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 899,4 tỷ đồng (doanh nghiệp chủ yếu tăng vay nợ dẫn tới dòng tiền tài chính dương).

CII vay nợ 500 tỷ đồng qua trái phiếu có rủi ro không?
Giao diện website của CII

Trước đó, trong năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính cũng âm tới 1.393,9 tỷ đồng, doanh nghiệp cũng thực hiện huy động dòng tiền vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh. Năm 2019, dòng tiền hoạt động kinh doanh đạt 135,2 tỷ đồng, trong khi dòng tiền đầu tư là 1.045 tỷ đồng.

Các chuyên gia cho rằng, dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp biểu thị cho việc hoạt động kinh doanh có thu được tiền về không. Nếu dòng tiền âm có nghĩa rằng công ty chỉ ghi nhận lãi trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Vì vậy để bù đắp, doanh nghiệp có nhiều lựa chọn, hoặc giảm chi đầu tư, thanh lý tài sản, hoặc tăng cường đi vay.

Cũng theo các chuyên gia, trong các báo cáo tài chính thì báo cáo lưu chuyển tiền tệ là quan trọng nhất, nguyên nhân là do báo cáo này chỉ ra được xu hướng dòng tiền của doanh nghiệp, tại sao làm ăn có lãi mà thiếu tiền, trên cơ sở đó giúp đánh giá về khả năng trang trải công nợ, chi trả cổ tức trong tương lai của doanh nghiệp.

"Có những trường hợp công ty có lợi nhuận, nhưng hoạt động kinh doanh không tạo ra dòng tiền dương, bị chôn vốn, nguồn tiền thu về chậm, dẫn tới sự nguy hiểm trong tình hình tài chính, gặp khó khăn trong thanh toán công nợ, cũng như không thể chi trả cổ tức cho cổ đông", một chuyên gia phân tích.

Về kết quả kinh doanh, trong 6 tháng đầu năm 2021, CII ghi nhận doanh thu đạt 2.032 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 104,9 tỷ đồng, lần lượt tăng 80,2% và giảm 72,3% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Mới đây, ngày 10/9, CII đã có văn bản thông báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động kinh doanh của công ty.

Trong đó, đối với hoạt động thu phí giao thông, CII đã thực hiện dừng thu phí theo đúng yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc dừng thu phí tuy không ảnh hưởng đến hiệu quả các dự án BOT trong dài hạn, nhưng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, lợi nhuận trong năm 2021.

Đối với hoạt động bất động sản, việc thực hiện giãn cách và dừng thi công các công trình xây dựng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản của CII. Do vậy, việc hạch toán doanh thu, lợi nhuận theo kế hoạch trong năm 2021 gần như bắt buộc phải chuyển sang năm 2022.

Đặc biệt, CII nhấn mạnh: “Các khó khăn khách quan nói trên và việc bắt buộc phải hạch toán các chi phí quản lý, chi phí lãi vay và phân bổ lợi thế thương mại theo chuẩn mực kế toán, đã ảnh hưởng lớn đến việc hạch toán lợi nhuận của CII trong năm 2021”.

Như vậy, với việc hoạt động thu phí BOT bị ảnh hưởng, cũng như hoạt động bất động sản bị ảnh hưởng, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới dòng tiền vào công ty. Trong khi đó, CII vẫn chịu áp lực trả lãi vay và các khoản nợ vay tới hạn trong vòng một năm tới.

Song song với tình hình kinh doanh suy yếu, cổ phiếu CII đã sụt giảm khoảng 31% kể từ đỉnh 26.000 đồng/cổ phiếu lập vào tháng 4/2021. Kết thúc phiên 20/9, cổ phiếu CII giao dịch ở mức giá 17.550 đồng/đơn vị.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu riêng lẻ thời gian qua đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có văn bản yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng chủ trì, phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các đơn vị triển khai các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.

Đồng thời, Vụ Tài chính ngân hàng cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó tập trung xây dựng các biện pháp thanh tra, giám sát, thắt chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không có tài sản đảm bảo hoặc chất lượng tài sản đảm bảo và uy tín của doanh nghiệp phát hành thấp nhằm hướng tới thị trường minh bạch, an toàn và hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tăng cường, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình phát hành và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là việc phát hành của các doanh nghiệp nhỏ lẻ, mới thành lập, hoạt động trong các lĩnh vực có tính rủi ro cao, có kết quả kinh doanh không rõ ràng, thực chất.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị tập trung rà soát, kiểm tra phát hiện các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm, lách quy định của pháp luật trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trường hợp phát hiện các hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Văn Thành Nhân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/