Chàng trai trẻ khởi nghiệp làm giàu trên đồng ruộng quê hương

13:00 | 12/10/2021
TTTĐ - Theo chân anh Nguyễn Văn Long (xã Tráng Việt, Mê Linh, Hà Nội) trong một ngày ra đồng, người viết không khỏi bất ngờ: Nông dân như anh Long bây giờ không còn chân lấm tay bùn nữa, thay vào đó, anh sử dụng liên hoàn các loại máy móc từ lên luống, gieo hạt đến tưới nước, thu hoạch... nhằm mang lại hiệu quả cao nhất trên cánh đồng quê hương.
Chàng trai trẻ nỗ lực đưa đặc sản quê hương đến người tiêu dùng Bạn trẻ quê hương “Người gái đảm” góp sức chống dịch

Quyết tâm làm giàu bằng nghề nông

Mười năm trước, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Nguyễn Văn Long từng tâm sự với bạn bè trong đơn vị rằng anh sẽ trở về quê để làm nông nghiệp. Đồng đội của anh nghe vậy đều bật cười, đa số đều nghĩ anh đã quyết định sai lầm. Một vài bạn tốt khuyên bảo anh Long nói rằng anh nên “thoát ly” ra thành phố để kiếm việc làm hoặc tìm ra mạn biên giới buôn bán mới có cơ hội đổi đời.

Anh Long sửa sang hệ thống tưới tự động để chuẩn bị bước vào vụ Đông
Anh Long sửa sang hệ thống tưới tự động để chuẩn bị bước vào vụ Đông

Tuy nhiên, quyết tâm của người thanh niên lớn lên cùng những cánh đồng rau xanh xã Tráng Việt rất mạnh mẽ, không gì thay đổi được. Anh nung nấu ý định tạo ra một sự thay đổi trong ý nghĩ của mọi người về nghề nông, đồng thời, cũng thay đổi cách thức làm nông nghiệp truyền thống tại quê hương.

Xuất ngũ trở về, anh Long được bố mẹ giao cho một phần ruộng của gia đình. Trong ký ức của anh Long, chừng hơn chục năm về trước, người trồng rau Tráng Việt còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa có quy trình kỹ thuật nhất định nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm không ổn định, năng suất thấp.

Những năm sau đó, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội nhiều lần về tập huấn kỹ thuật và UBND huyện Mê Linh cũng dành nguồn kinh phí gần 3 tỷ đồng để thí điểm mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Tráng Việt. Nhờ đó, quy trình canh tác của người dân đã bắt đầu có nhiều thay đổi. Phần lớn các hộ trồng rau đã áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn và gần đây, nhiều hộ chuyển sang sản xuất rau hữu cơ.

“Chất lượng rau từng bước được nâng cao song bản thân tôi và nhiều hộ nông dân ở xã Tráng Việt không khỏi băn khoăn vì sản xuất vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi. Cụ thể là việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bên cạnh đó, cần nhiều nhân công phục vụ cho chăm sóc, tưới tiêu cây rau củ. Do đó, hạn chế trong việc mở rộng diện tích sản xuất”, anh Long cho biết.

Đầu tư hàng loạt máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp

Sau thời gian dài suy nghĩ, tìm tòi và học hỏi từ sách báo, mạng internet, đồng thời, chắt lọc kinh nghiệm trồng trọt của những người đi trước, anh Nguyễn Văn Long bắt tay vào triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ từ ngân hàng, cộng với chút ít vốn liếng tích cóp, anh Long đầu tư hàng loạt các máy móc hiện đại. Anh hồ hởi kể: “Ban đầu, chi ra hàng trăm triệu đồng để mua máy móc, bản thân tôi cũng run. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng công nghệ mới là hướng đi đúng đắn, vừa tiết kiệm nhân công, vừa đảm bảo an toàn, chất lượng.

Đến nay, trong các khâu của quy trình sản xuất, chỉ còn mỗi đặt hạt là bà con nông dân phải làm bằng tay. Từ khâu làm đất đã sử dụng máy đó là máy phay lên luống sau đó, toàn hệ diện tích sản xuất được lắp đặt hệ thống tưới tự động. Chỉ cần ngồi một chỗ, ấn nút là toàn bộ diện tích rau đều được tưới đẫm, đồng đều. Chúng tôi lắp đặt các nhà lưới để rau đều màu, giảm sự phụ thuộc vào thời tiết”.

Hệ thống tưới tự động đã cắt giảm chi phí sản xuất và nhân công
Hệ thống tưới tự động đã cắt giảm chi phí sản xuất và nhân công

Máy móc đã “cởi trói” cho người nông dân, đồng thời, tiết kiệm không ít chi phí sản xuất. Anh Long nhẩm tính, trước đây, để tưới hết diện tích 3 mẫu rau, cần 3 người làm việc liên tục trong 2 ngày. Hiện nay, với hệ thống tưới tự động, chỉ cần 3 giờ đồng hỗ đã hoàn thành tưới cho 3 mẫu ruộng.

Bên cạnh kỹ thuật tưới tiêu, anh Long kiên trì sử dụng phân bón hợp lý (chỉ dùng phân hữu cơ, phân xanh, bột đậu tương…) và phòng trừ sâu bệnh (ưu tiên sử dụng biện pháp thủ công, thuốc thảo mộc, hóa học cần thiết) để bảo đảm rau ra thị trường là rau an toàn, sạch sẽ, mẫu mã bắt mắt. Vì thế, sản phẩm của anh luôn luôn được thương lái thu mua ngay tại vườn.

Do chuyên canh cây rau, mỗi năm, anh Long trồng 4 vụ cải củ, thu nhập đạt 20 - 30 triệu đồng/sào. Tính ra, với 3 mẫu ruộng, anh Long thu nhập hàng năm ngót nghét 1 tỷ đồng. “Đối với tôi, tất cả như một giấc mơ trở thành sự thật” - anh Long cười sảng khoái - “Tôi được sống và làm việc trên mảnh đất quê hương, có bát ăn bát để nhờ sản xuất nông nghiệp. Tất cả những kết quả đó, bên cạnh sự cần cù và chịu khó của chính mình, thì còn nhờ vào sự trợ giúp của máy móc, công nghệ”.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg

Lưu Thủy

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/