Sống chung an toàn với dịch Covid-19: Áp lực và kinh nghiệm từ các nước

15:42 | 15/10/2021
TTTĐ - Sau gần 2 năm xuất hiện và diễn biến phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn như cơn sóng thần, tấn công hết đợt này tới đợt khác với sự xuất hiện liên tục của những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tình trạng này đã khiến nhiều quốc gia thay đổi quan điểm ứng phó dịch bệnh từ “Zero Covid-19” (chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với Covid-19.

Coi là bệnh đặc hữu

Dịch Covid-19 đã khiến Singapore cũng như nhiều quốc gia khác phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp mạnh tay. Quyết định đó đã ảnh hưởng nặng nề đến đảo quốc sư tử. Singapore rơi vào suy thoái kinh tế trầm trọng nhất trong lịch sử. Chính phủ đã phải tung ra gói hỗ trợ, kích thích kinh tế trị giá 100 tỷ USD (20% GDP) để vực dậy nền kinh tế.

Do đó, Singapore gần như là quốc gia đầu tiên trên thế giới chuyển mô hình chống dịch từ “Zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19” trên cơ sở coi đây là bệnh đặc hữu.

Tuy nhiên, đảo quốc sư tử chọn cách tiếp cận chậm và chắc. không ồ ạt như một số nước đã dỡ bỏ gần như đồng thời các biện pháp phong tỏa, giãn cách.

Singapore cho du khách 8 quốc gia nhập cảnh không cần cách ly (Ảnh: Changi Airport)
Singapore cho du khách 8 quốc gia nhập cảnh không cần cách ly (Ảnh: Changi Airport)

Singapore thực hiện mở cửa từng bước khi tỷ lệ tiêm chủng được đẩy cao. Cách tiếp cận thận trọng bị đánh giá là kìm hãm đà phục hồi kinh tế, gây ra tâm lý phản kháng trong dân chúng. Tuy nhiên, chiến lược này sẽ có ích trong dài hạn và có thể sẽ là bài học quý cho nhiều nước đang muốn thoát khỏi tình trạng đóng cửa, từ bỏ chính sách “Zero Covid-19” để chuyển sang thích ứng với sống chung an toàn với đại dịch.

Cho đến nay, đeo khẩu trang, cài ứng dụng truy vết, hạn chế số lượng người trong môi trường nhà hàng vẫn là những quy định mang tính bắt buộc tại Singapore.

“Chung sống với Covid-19 không phải là một hành trình suôn sẻ và dễ dàng. Nhưng chúng ta cũng phải kết nối trở lại với thế giới. Đặc biệt là chúng ta phải tiếp tục mở lại biên giới một cách an toàn”, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh.

Quyết định sai lầm

Nước Anh là một trong những quốc gia phương Tây chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 với hơn 160.000 ca tử vong.

Khi dịch bệnh mới bùng phát, Chính phủ Anh phải đối mặt với bài toán khó: Cân bằng giữa quyền tự do cá nhân và các biện pháp phong tỏa, giãn cách để phòng chống dịch bệnh.

 Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới (Ảnh: Getty)
Anh là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới (Ảnh: Getty)

Theo báo cáo mới công bố của Quốc hội Anh cho biết, việc Chính phủ và các nhà khoa học nước này đưa ra quyết định ủng hộ chiến lược tạo miễn dịch cộng đồng trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 là “một trong những thất bại y tế cộng đồng lớn nhất” cho tới nay của Vương quốc Anh.

Báo cáo đã chỉ ra một số thất bại ban đầu của Anh là do các nhà khoa học và Chính phủ nước này không cởi mở với các cách tiếp cận hiệu quả đã được thực hiện ở những nơi khác trên thế giới.

Anh chậm đóng cửa vào tháng 3 năm ngoái so với một số quốc gia Châu Âu khác và không thể thực hiện xét nghiệm và truy vết thành công như nhiều quốc gia Châu Á; Đồng thời không sớm áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, điều sẽ giúp giảm sự lây lan của Covid-19 từ du khách.

Thử nghiệm sống chung thận trọng

Từng được xem là tâm dịch Covid-19 tại Châu Á, giờ đây Indonesia cũng đang lên lộ trình để áp dụng trong giai đoạn bình thường mới.

Binh sĩ Indonesia xịt khử trùng lên người dân đến sân vận động tại Tây Java để tiêm -xin Covid-19  Ảnh: AP
Binh sĩ Indonesia xịt khử trùng lên người dân đến sân vận động tại Tây Java để tiêm vắc-xin Covid-19 (Ảnh: AP)

Theo ông Airlangga Hartarto, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia, chính sách hạn chế các hoạt động của người dân, tăng cường xét nghiệm và truy vết, tăng tốc tiêm chủng đã góp phần thành công trong việc giảm tới 94,59% số ca mắc Covid-19 ở nước này từ đỉnh dịch hồi giữa tháng 7.

Bộ trưởng Điều phối Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan, Indonesia, cũng cho biết việc mở cửa trở lại và nới lỏng các hạn chế đang được tiến hành theo từng giai đoạn, vì Indonesia không muốn điều bất ngờ xảy ra.

Quy định bắt buộc đeo khẩu trang vẫn được áp dụng. Nhà hàng và trung tâm mua sắm chỉ có thể mở cửa với 75% công suất, trong khi trường học cho 50% học sinh quay trở lại.

Các chuyến bay phải đáp ứng yêu cầu về kiểm dịch và xét nghiệm. Trong khi đó, khách quốc tế phải xuất trình bằng chứng về việc đặt phòng khách sạn để cách ly bắt buộc trong 8 ngày, tự chi trả chi phí.

Tuệ Uyên

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/