Kiểm soát tốt dịch bệnh đàn vật nuôi, đảm bảo cung ứng thực phẩm cuối năm

19:08 | 19/10/2021
TTTĐ - Từ giờ đến cuối năm, thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan và phát triển trên đàn vật nuôi. Do đó, các địa phương cần chủ động kiểm soát tốt diễn biến dịch để kịp thời đảm bảo chuỗi cung ứng thực phẩm trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hà Nội đẩy mạnh công tác phòng chống dịch trên đàn vật nuôi Ngành chăn nuôi bảo đảm nguồn cung những tháng cuối năm Thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực Hà Nội tái đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm những tháng cuối năm

Ngành chăn nuôi bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã có nhiều tác động lên ngành chăn nuôi, làm đứt gẫy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng của ngành. Đồng thời, dịch bệnh cũng tác động làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%. Trong khi đó, giá sản phẩm đầu ra rất thấp, có giai đoạn chỉ bán được 25-30% giá thành như gà công nghiệp lông trắng.

Dịch bệnh cũng khiến nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động. Chi phí sản xuất tăng, khâu lưu thông bị gián đoạn, nhu cầu thị trường giảm nên các cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, lượng vật nuôi tồn đọng trong chuồng cao, tăng nguy cơ thua lỗ. Chỉ có các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp các kênh phân phối như: Siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn đảm bảo tiêu thụ, giá bán được duy trì với mức ổn định.

Kiểm soát tốt dịch bệnh đàn vật nuôi, đảm bảo cung ứng thực phẩm cuối năm
Từ đầu năm đến nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh

Thống kê của ngành chăn nuôi Hà Nội cho thấy, trong 9 tháng năm 2021, giá thịt lợn hơi xuất chuồng theo xu hướng giảm từ tháng 3, 4 (giá bình quân khoảng 70.000 - 75.000đồng/kg) đến tháng 7, 8/2021 (giá bình quân từ 50.000 - 58.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg).

Sang tháng 9/2021 giá lợn hơi tiếp tục giảm, tính đến thời điểm hiện tại, giá bình quân đang dao động từ 40.000 - 49.000 đồng/kg tùy từng vùng. Đặc biệt, một số địa phương do giãn cách xã hội, giá xuống dưới 40 nghìn đồng/kg, lợn thịt quá lứa đang ứ đọng khoảng 30%.

Trong khi đó, giá thành sản xuất nếu chăn nuôi theo chuỗi từ nuôi lợn nái đến nuôi lợn thịt giá thành khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg; Chăn nuôi phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000 - 60.000 đồng/kg.

Như vậy với mức giá lợn hơi trên thị trường hiện nay thì người chăn nuôi không còn thu được lợi nhuận như các tháng đầu năm 2021. Mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tại các cửa hàng thịt, các chợ truyền thống và các siêu thị vẫn cao do các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng, chống dịch.

Trong khi đó, đối với giá sản phẩm gia cầm, riêng giá gà công nghiệp trắng giai đoạn tháng 7, 8 các tỉnh phía Bắc khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg; Các tỉnh phía Nam 6.000 - 10.000 đồng/kg. Những ngày gần đây các tỉnh phía Bắc lên trên 25.000 đồng/kg, các tỉnh phía Nam 18.000 - 22.000 đồng/kg.

Không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hiện nay, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh lây lan và phát triển trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm... khiến cho nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng.

Thống kê của ngành chăn nuôi Thủ đô, từ đầu năm 2021 đến nay, toàn thành phố có 16 xã thuộc 8 huyện ghi nhận lợn mắc bệnh. Ước tính đã có 689 con lợn buộc phải tiêu huỷ để ngăn ngừa nguy cơ lây lan.

Không chỉ tại Hà Nội, bệnh dịch tả lợn Châu Phi cũng diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước. Hơn 9 tháng qua, tại 1.672 xã thuộc 304 huyện của 53 tỉnh, thành phố đã ghi nhận 1.834 ổ dịch. Tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là 112.092 con (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2020). Tổng trọng lượng lợn tiêu hủy ước tính trên 5.500 tấn.

Kiểm soát tốt dịch bệnh đàn vật nuôi, đảm bảo cung ứng thực phẩm cuối năm
Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát tại nhiều địa phương cũng khiến cho nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi bị ảnh hưởng

Lý giải về nguyên nhân bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn bùng phát tại nhiều địa phương, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, virus gây bệnh có sức đề kháng cao; Hiện chưa có vắc xin để tiêm phòng và thuốc điều trị cho vật nuôi. Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ tại nhiều tỉnh, thành phố vẫn chiếm tỷ lệ cao, chưa đảm bảo an toàn sinh học.

Một số hộ sử dụng trực tiếp thức ăn cho lợn từ nguồn dư thừa thu gom tại các nhà hàng, bếp ăn của khu công nghiệp mà không qua xử lý nhiệt. Nhiều hộ gia đình còn sử dụng nước ao, hồ, kênh, mương chưa qua xử lý để tắm cho lợn, cho lợn uống. Cá biệt có trường hợp lợn ốm chết nhưng chủ cơ sở không báo cho chính quyền địa phương hay cơ quan thú y mà tự ý giết mổ để sử dụng...

Khắc phục khó khăn, đảm bảo nguồn cung cho thị trường cuối năm

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những tháng cuối năm 2021, nguy cơ bùng phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi sẽ còn lớn hơn. Sở dĩ vậy là bởi việc buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn thường gia tăng mạnh để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên đán. Thời tiết cũng đang trong giai đoạn giao mùa, mưa nhiều và giá rét…

Kiểm soát tốt dịch bệnh đàn vật nuôi, đảm bảo cung ứng thực phẩm cuối năm
Từ giờ đến cuối năm, các địa phương cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi để đảm bảo cung ứng cho thị trường dịp cuối năm

Hiện tại các địa phương, công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi vẫn được tập trung chỉ đạo rốt ráo. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Đơn vị đang tích cực phối hợp với địa phương hướng dẫn người chăn nuôi lợn tăng cường áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; Thực hiện vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đang tổ chức giám sát nghiêm ngặt bệnh dịch tả lợn Châu Phi, nhất là tại khu vực đã từng có bệnh dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao nhằm phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Nhiều trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng đã bị xử lý nghiêm.

Để chủ động ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên đàn lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị địa phương chủ động bố trí kinh phí để thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống theo Quyết định số 972/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi giai đoạn 2020 - 2025".

Những tháng cuối năm 2021, các địa phương cần tăng cường công tác quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển; Đồng thời phối hợp với cơ quan quản lý thị trường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng kế hoạch để tổ chức tháng tổng vệ sinh, sát trùng từ ngày 25/10 - 25/11/2021 nhằm tiêu diệt các loại mầm bệnh ở môi trường; Nhất là ở những nơi có mật độ chăn nuôi cao, điểm tập kết, buôn bán, giết mổ động vật, địa phương thường xuyên xảy ra dịch bệnh…

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/