Vĩnh Phúc: Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

15:48 | 20/10/2021
TTTĐ - Hiện nay, công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, do còn nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong công tác quản lý nên tình trạng sử dụng đất không đúng mục đích, hành vi chuyển nhượng, lấn chiếm vẫn xảy ra ở nhiều địa phương.
Vĩnh Phúc: 25 trường hợp F1 ở thị trấn Thanh Lãng âm tính lần 1 Vĩnh Phúc: Xử lý đối tượng đăng tải thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 Vĩnh Phúc: Phong tỏa, truy vết 2 ngõ với 32 hộ dân liên quan ca F0 ở thị trấn Thanh Lãng

Xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết TTHC

Đồng chí Nguyễn Kim Tuấn, Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc cho biết: Theo thống kê của Sở, 9 tháng năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện cấp được 33.769 GCN với diện tích là 2.993ha, tăng hơn 6.000 giấy chứng nhận (GCN) so với cùng kỳ năm 2020; Trong đó cấp cho hộ gia đình, cá nhân 31.851 GCN với diện tích 2.489ha; Cấp cho các tổ chức và dự án về nhà ở 1.918 GCN với diện tích 504ha.

Đồng chí GĐ Sở TNMT Nguyễn Kim Tuấn - Phó Tiểu ban phụ trách công tác đảm bảo cơ sở vật chất, hậu cần, môi trường đi kiểm tra tại các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở y tế
Đồng chí Nguyễn Kim Tuấn - Giám đốc Sở TN&MT, Phó Tiểu ban phụ trách công tác đảm bảo cơ sở vật chất, hậu cần, môi trường đi kiểm tra tại các cơ sở cách ly tập trung, các cơ sở y tế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với hộ cá nhân, gia đình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn nhiều hạn chế, tình trạng chậm muộn hồ sơ vẫn còn tồn tại ở hầu hết các huyện, thành phố. Theo kết quả kiểm tra xác suất hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai của đoàn kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2021 của UBND tỉnh, số hồ sơ chậm hạn chiếm 29% tổng số hồ sơ kiểm tra, đặc biệt đối với Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) chi nhánh Tam Dương lên đến 60%, cao nhất tỉnh; Phòng TN&MT huyện là 18%.

Cụ thể, từ tháng 1/2020 đến 30/6/2021, Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh Tam Dương tiếp nhận 17.787 hồ sơ, trong đó, không có hồ sơ bị trả lại; đã giải quyết 15.787 hồ sơ và còn 2.000 hồ sơ chậm hạn. Các trường hợp tồn đọng, chưa được cấp giấy CNQSDĐ chủ yếu là những trường hợp phức tạp, thiếu hồ sơ địa chính làm cơ sở cho việc xác định nguồn gốc, thời điểm, mục đích sử dụng đất.

Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cấp giấy CN QSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh
Đoàn giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất đối với hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh

Theo đánh giá của Sở TN&MT và các địa phương, trong quá trình triển khai, thẩm định công tác cấp GCNQSDĐ vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, phải kể đến việc phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan chưa thực sự tốt. Quan hệ phối hợp giải quyết TTHC giữa Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ với Phòng TN&MT, Chi cục thuế, UBND xã (cán bộ địa chính) chưa thực hiện nghiêm theo quy chế phối hợp được UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành tại Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND dẫn đến nhiều hồ sơ chậm hạn do lỗi chủ quan của các cơ quan liên quan mà chưa có cơ chế giám sát hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết TTHC.

Đặc biệt, UBND cấp xã còn xảy ra tình trạng phổ biến cán bộ địa chính không tiếp nhận hồ sơ tại Bộ phận một cửa (không có Giấy tiếp nhận và Hẹn trả kết quả), không luân chuyển hồ sơ về Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ theo quy định mà nhận hồ sơ trực tiếp của công dân, gom hồ sơ (có những hồ sơ vài tháng) sau đó mới bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ. Đồng thời, khối lượng hồ sơ nộp rất nhiều vào cùng một thời điểm sẽ rất khó đảm bảo về thời gian thẩm định, giải quyết thủ tục hành chính của Văn phòng ĐKĐĐ.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa hội nghị sơ kết mô hình 4 an toàn của Sở TN&MT
Công an tỉnh Vĩnh Phúc tặng hoa hội nghị sơ kết mô hình 4 an toàn của Sở TN&MT

Ngoài ra, tình trạng tranh chấp, lấn chiếm, sử dụng đất trái pháp luật chưa được giải quyết dứt điểm; Chính sách pháp luật về đất đai có nhiều thay đổi qua từng thời kỳ, với nhiều nghị định, thông tư sửa đổi, bổ sung, khó nắm bắt đầy đủ, kịp thời; Vẫn còn hiện tượng buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý tại một số chính quyền cấp xã dẫn đến không nắm bắt hết về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xác định nghĩa vụ tài chính đất đai... đã khiến công tác cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người dân gặp nhiều khó khăn, chưa đạt kế hoạch đề ra. Số lượng hồ sơ tồn đọng, chậm muộn nhiều khiến người dân bức xúc.

Mặt khác, nguồn nhân lực của Văn phòng ĐKĐĐ và các chi nhánh còn mỏng so với khối lượng công việc; Năng lực, trình độ chuyên môn của một số cán bộ còn hạn chế. Bên cạnh đó, còn có dấu hiệu nhũng nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết hồ sơ; kỷ luật, kỷ cương của một số đơn vị đôi lúc còn bị xem nhẹ.

Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật chưa đồng bộ. Cơ sở dữ liệu về đất đai chưa được xây dựng, máy móc rất lạc hậu, hệ thống dữ liệu về đất đai cơ bản ở dạng giấy, không đầy đủ, biến động thửa đất lớn, chưa cập nhập kịp thời, độ chính xác thấp, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong quản lý đất đai

Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ, đầu năm 2021, Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ngành TN&MT giai đoạn 2021-2025. Đề ra những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa - Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh huyện Yên Lạc
Người dân đến giao dịch tại bộ phận một cửa - Văn phòng ĐKĐĐ chi nhánh huyện Yên Lạc

Ban Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc tổ chức họp kiểm điểm với Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh và Chi nhánh VPĐKĐĐ các huyện, thành phố để trực tiếp chỉ đạo giải quyết số hồ sơ đang tồn đọng hiện nay. Đồng thời có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, tăng cường hỗ trợ về mọi mặt cho Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ huyện Tam Dương - đơn vị có tỷ lệ hồ sơ tồn đọng lớn nhất để tập trung giải quyết dứt điểm, giảm bức xúc, dư luận phản ánh của người dân; chấn chỉnh lại tinh thần, thái độ làm việc, đạo đức công vụ của toàn thể cán bộ, đảng viên và người lao động tại hệ thống các VPĐKĐĐ.

Sở TN&MT Vĩnh Phúc đã thành lập 3 tổ công tác: Tổ đôn đốc, rà soát hồ sơ chậm hạn, Tổ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; Tổ hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc phần mềm hỗ trợ Nghiệp vụ cho Văn phòng ĐKĐĐ để kiểm soát quá trình giải quyết hồ sơ. Các tổ công tác đã tiến hành rà soát, phân loại từng hồ sơ chậm hạn, từ đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể giải quyết các hồ sơ tồn tại.

Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh tổ chức các buổi hội thảo trao đổi về chuyên môn để có phương án giải quyết thống nhất đối với hồ sơ khó. Để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ trong thực thi công vụ Giám đốc Sở đã yêu cầu Văn phòng Đăng ký đất đai xây dựng quy tắc ứng xử hồ sơ chậm muộn, quy trình xử lý hồ sơ chậm muộn; Công khai số điện thoại tiếp nhận, phản ánh kiến nghị của người dân tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả; Công khai hồ sơ trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính hàng ngày; Thực hiện nghiêm việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi để hồ sơ chậm muộn.

Văn phòng đăng ký đất đai đang hoàn thiện hồ sơ cấp QSDĐ cho người dân
Văn phòng đăng ký đất đai đang hoàn thiện hồ sơ cấp QSDĐ cho người dân

Tỉnh tập trung rà soát qui định về thủ tục hành chính để giảm bớt qui trình giải quyết, tham mưu trình UBND tỉnh xây dựng gộp Bộ thủ tục hành chính để cắt giảm thời gian giải quyết, tiết kiệm chi phí, tạo mọi điều kiện thuận lợi của người dân. Một giải pháp quan trọng nữa đó là Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường 2 Phó Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh hỗ trợ cho các chi nhánh có tỷ lệ hồ sơ chậm muộn cao; Sở đã tiến hành bổ nhiệm 1 Giám đốc Chi nhánh, luân chuyển, điều động 6 lãnh đạo các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để tăng cường công tác quản lý.

Riêng chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Tam Dương, Sở đã điều chuyển 1 cán bộ, bổ sung 2 lãnh đạo, 7 cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn để giải quyết hồ sơ chậm muộn; Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc đối với cán bộ, viên chức, người lao động khi để hồ sơ chậm muộn; Yêu cầu 100% cán bộ Văn phòng ĐKĐĐ cam kết thực hiện giải quyết hồ sơ đúng thời hạn, hàng tháng mỗi cán bộ tự nhìn nhận và đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và đây là cơ sở để cuối năm xếp loại thi đua; Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan có liên quan để thực hiện ngay việc kiểm tra, tập trung mọi nguồn lực để chủ động xử lý, giải quyết những tồn tại, bất cập khẩn trương thực hiện thủ tục cấp GCN cho người sử dụng đất.

Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn thường xuyên chỉ đạo giải quyết số hồ sơ đang tồn đọng liên quan đến cấp GCN quyền sử dụng đất. Ảnh tư liệu
Giám đốc Sở TN&MT Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Tuấn thường xuyên chỉ đạo giải quyết số hồ sơ đang tồn đọng liên quan đến cấp GCNQSDĐ (Ảnh tư liệu)

Cùng với đó, Sở TN&MT Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong việc đăng ký đất đai; Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, xin bổ sung biên chế; Xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu đất đai trên toàn tỉnh, đề nghị sửa đổi văn bản pháp luật phù hợp tình hình thực tế của địa phương.

Đồng thời, Sở tập trung giải quyết việc cấp giấy CNQSDĐ theo đúng thời gian quy định, hạn chế thấp nhất những hồ sơ tồn đọng và phản ánh khiếu nại, gây bức xúc cho người dân trên địa bàn.

Với nhiều biện pháp động bộ và quyết liệt hy vọng rằng thời gian tới công tác cấp GCN cho tổ chức và hộ gia định cá nhân trên địa bàn tỉnh từng bước được đi vào nền nếp, hướng tới sự hài lòng của người dân khi đến làm việc tại cơ quan Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn tỉnh.

Lê Sơn

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/