Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức

23:45 | 01/11/2021
TTTĐ - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, giới trẻ hiện đại không chỉ sống đơn thuần với mục tiêu học tập tốt hay công việc ổn định mà là phải thực sự thành công, kiếm nhiều tiền và có một cuộc sống mơ ước. Miệt mài với những gánh nặng khiến hội chứng “kiệt sức” đang hiện hữu trong cuộc sống của rất nhiều người trẻ.
Chuyện đi làm thêm của giới trẻ Hậu đại dịch, giới trẻ đắm mình vào cuộc đua mua sắm “Áp lực đồng trang lứa” đè nặng cuộc sống của giới trẻ hiện đại Giới trẻ và nạn “miệt thị ngoại hình” trên không gian mạng Giới trẻ và căn bệnh “cú đêm”

Từ áp lực “chạy dealine” đến kỳ vọng quá cao với bản thân

Trong quá trình phát triển không ngừng nghỉ của xã hội, con người phải liên tục cập nhật các xu hướng, kiến thức và đòi hỏi việc đo phải trau dồi từng ngày để không bị bỏ lại ở phía sau. Điều này vô hình tạo nên những áp lực từ việc phải thành công hay từ kỳ vọng quá cao ở bản thân dẫn đến nhiều bạn trẻ làm việc không ngừng nghỉ bất kể ngày đêm.

Áp lực từ việc phải tự lo cho bản thân, Nguyễn Thùy Trang (25 tuổi, trợ lý marketing) đặt ra khá nhiều mục tiêu, kế hoạch cho bản thân. Cô gái trẻ cho biết đã rất nhiều lần cảm thấy bị "ngộp" trong khối lượng công việc của chính mình nhưng không thể ngừng lại được.

Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức
Đặt ra rất nhiều mục tiêu cho bản thân, không ít lần Thùy Trang đã "ngộp thở" vì sự kỳ vọng vào bản thân

"Cuộc sống của mình xoay quanh là deadline, mình làm bất kể công việc gì đều cần có deadline. Đôi khi, mình cũng muốn người khác nhìn thấy mình đang bận rộn và cố gắng. Deadline cũng khiến cho mình cảm thấy cần có trách nhiệm với công việc hơn. Dù vậy, đã không ít lần mình cảm thấy sợ và kiệt sức vì deadline “dí" quá nhiều khiến mình stress”, Thùy Trang chia sẻ.

Còn Hương Ly (27 tuổi, nhân viên kinh doanh) thì cho biết. Dù luôn hoàn thành tốt các công việc hay chỉ tiêu được phân công nhưng điều đó không có nghĩa là cô gái trẻ được tan ca đúng giờ hay có một giấc ngủ trọn vẹn mỗi ngày.

“Ngày nào cũng vậy, việc "overtime" - làm thêm giờ ngoài giờ hành chính là khái niệm được coi như "quy luật ngầm" ở công ty mình dù mình có muốn hay không. Khi cả công ty đều làm thêm giờ còn mình lại không thì sẽ nhận được nhiều ánh mắt soi mói, bị đánh giá là thiếu nỗ lực và không cố gắng. Cứ thế, mình phải làm thêm công việc đôi khi không phải của mình và deadline lại xuất hiện", Hương Ly nói.

Thức dậy từ 7h sáng sau đó lại làm việc tới 3,4h sáng hôm sau, Đặng Quang Huy (23 tuổi, chủ một cửa hàng bán đồ công nghệ) cho biết, chàng trai trẻ không nhớ lần cuối cùng mình thư giãn là khi nào.

Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức
Căng thẳng, mệt mỏi nhưng vẫn không thể chợp mắt được là việc diễn ra hàng ngày với chàng trai trẻ Quang Huy

Quang Huy chia sẻ: “Mình cũng không biết phải làm gì nữa. Sau một ngày vất vả với những đơn hàng rồi dự án mới… đã đủ áp lực rồi, mỗi tối, khi mình cố gắng đọc sách hay xem phim, đầu óc mình lại nghĩ về những gì phải làm tiếp theo hoặc danh sách việc cần làm. Chúng cứ bằng cách nào đó liên tục hiện ra trước mắt mình.

Có cảm giác như bộ não của mình không bao giờ dừng lại. Mình thường xuyên cảnh giác cao độ về những việc mình nên làm nhưng lại không thể tự mình làm được. Cho đến hiện tại, mình vẫn cứ luôn cảm thấy lo lắng và căng thẳng. Nhiều hôm về nhà thật sự rất mệt nhưng không tài nào chợp mắt nổi”.

Hệ quả trầm trọng

Áp lực từ việc suy nghĩ liên tục và làm việc không ngừng nghỉ khiến nhiều người luôn ở trong trạng thái căng thẳng, mất ngủ, thiếu tự tin, hoài nghi, rơi vào trống rỗng và thường tự đặt ra những suy nghĩ đè nặng tới tâm lý của bản thân.

Cảm giác không hài lòng, tức giận và có thể là đau đớn về thể xác dưới dạng đau đầu, đau cơ,… hoặc cảm giác không khỏe liên tục cũng là những biểu hiện của hội chứng “kiệt sức”.

Những điều này càng trở nên trầm trọng hơn với giới trẻ khi cứ vào mạng xã hội là áp lực phải sống cuộc sống tốt nhất để “bằng bạn, bằng bè” liên tục xuất hiện. Từ đó dẫn đến nỗi sợ thất bại và ngược lại, có cả nỗi sợ thành công: "Nếu đạt được tất cả những điều đó, làm sao có thể tiếp tục giữ được và có được nhiều hơn nữa?".

Từng trải qua những ngày tháng vô cùng áp lực vì “dậm chân tại chỗ” sau nhiều năm làm việc, Trần Thị Thu Trang (25 tuổi) cho biết, cô gái trẻ cảm thấy tồi tệ đến mức nghĩ rằng mình sẽ suy sụp.

Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức
Thu Trang từng suy sụp và phải chữa trị vấn đề tâm lý một thời gian dài vì những áp lực từ công việc

“Mình đã cảm thấy kiệt sức trong nhiều tháng. Danh sách việc cần làm của mình ngày càng nhiều cùng với mức độ căng thẳng đã khiến mình không chịu nổi. mình hầu như không thể rời khỏi giường hoặc thúc đẩy bản thân làm những công việc đơn giản nhất.

Mình thường xuyên bị căng thẳng và cảm thấy không còn là chính mình chút nào. Mình đã đã cáu gắt với rất nhiều người, dễ dàng đập phá, ném đồ đạc. Cơ thể mình cũng xuất hiện các triệu chứng về thể chất như lần đầu tiên da của mình nổi mụn và trở nên ửng đỏ, bệnh đau dạ dày cũng xuất hiện từ đó”, Trang chia sẻ.

Cuối cùng, sau khi cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, Thu Trang đã đặt một cuộc hẹn để gặp bác sĩ tâm lý và bắt đầu quá trình điều trị. Đến thời điểm hiện tại, sau nhiều tháng nghỉ việc và chăm sóc bản thân mình, các triệu chứng bệnh của Trang đã kết thúc.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thảo Nguyên chia sẻ: "Giới trẻ ngày nay có sự độc lập nhất định, điều đó càng dễ dàng hơn với sự trợ giúp của công nghệ. Hội chứng “kiệt sức” có thể “tấn công” bất kỳ ai nhưng chúng ta phải chủ động để không rơi vào trạng thái đó.

Mỗi người đều có những ước mơ và đích đến riêng. Bên cạnh công việc, việc tập trung nhiều hơn vào phát triển bản thân sẽ giúp các bạn trẻ kiểm soát được hành vi, cảm thấy vui vẻ hơn trong cuộc sống và ít bị phụ thuộc, ảnh hưởng bởi những người xung quanh và áp lực của chính mình”.

Người trẻ hiện đại đang làm việc đến kiệt sức
Cân bằng giữa công việc và cuộc sống sẽ giúp người trẻ không bị cuốn vào vòng xoáy "kiệt sức"

“Chúng ta không thể tự tàn phá chính mình bởi những áp lực. Bạn trẻ hãy lựa chọn kỹ càng về bạn bè, người yêu và cả những người mình theo dõi trên mạng xã hội. Hãy tìm kiếm những giá trị mà mình tin tưởng hay tập thói quen điều chỉnh phản ứng của bản thân trước những vấn đề cũng là cách để chúng ta điều hướng cuộc sống tốt hơn.

Nếu cảm thấy không ổn, các bạn trẻ hãy chia sẻ các vấn đề của bản thân với những người mình tin tưởng và tìm đến các chuyên gia tâm lý thay vì tìm cách tự chữa trị", chuyên gia chia sẻ thêm.

Trung Đức

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/