Siết chặt quản lý chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội dịp cuối năm

17:15 | 02/11/2021
TTTĐ - Cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thực phẩm của người dân Thủ đô tăng cao. Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều phương án nhằm siết chặt quản lý chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội dịp cuối năm.
Đảm bảo người dân Thủ đô được mua hàng Tết chất lượng, giá hợp lý Đảm bảo chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thông suốt giữa các tỉnh, thành phố Hà Nội đẩy mạnh kết nối giao thương, đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Nhân dân Hà Nội xây dựng nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu

Nhức nhối câu chuyện... chất lượng

Thống kê của ngành Nông nghiệp Thủ đô cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 189.000ha đất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm hàng hóa thiết yếu tự sản xuất và cung ứng chỉ đáp ứng từ 30 - 65% nhu cầu phục vụ cho khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Thủ đô.

Lượng hàng hóa còn thiếu, hiện đang được các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm, thương lái... khai thác từ các tỉnh, thành phố khác như Sơn La, Bắc Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Hà Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Lào Cai, Bình Thuận, Đồng Nai… Đặc biệt là kết nối sản phẩm thuộc chuỗi rau, thịt an toàn của 1.130 đầu mối, chuỗi, cơ sở cung ứng của 45 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: 10 tháng năm 2021, các kênh phân phối, siêu thị, chuỗi thực phẩm ở Hà Nội đã tiêu thụ 220.000 tấn nông sản của các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, vấn đề bảo đảm chất lượng nông sản vẫn còn nhiều thách thức. Theo đó, trong 9 tháng của năm 2021, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã kiểm tra, giám sát và phát hiện 45/736 mẫu vi phạm chất lượng an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các đơn vị của ngành Nông nghiệp phát hiện, tiêu hủy 7.233kg hàng hóa nông, lâm, thủy sản vi phạm với tổng số tiền hơn 224,7 triệu đồng.

Siết chặt quản lý chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội dịp cuối năm
Thành phố Hà Nội sẽ siết chặt quản lý chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố dịp cuối năm

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết: Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 10 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản (không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ...) với số tiền gần 190 triệu đồng.

Điển hình như lực lượng Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng bắt quả tang vụ bơm tạp chất vào tôm từ nguồn tỉnh ngoài ở phường Yên Sở (quận Hoàng Mai)...

Về nguyên nhân dẫn đến vi phạm an toàn thực phẩm, ông Phạm Khắc Diến nhận định: Sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn nhỏ lẻ, manh mún; Chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm. Việc xây dựng các cơ sở sản xuất an toàn ở một số địa phương chưa được chú trọng…

Cùng quan điểm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho rằng, việc liên kết, kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi còn thiếu bền vững nên tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng và truy xuất được nguồn gốc còn thấp. Chất lượng sản phẩm của từng vùng sản xuất, từng mùa vụ chưa đồng đều... Nguyên nhân là do một số tỉnh, thành phố chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng vùng sản xuất tập trung, sản phẩm không có nhãn mác, thương hiệu...

Kiểm soát chặt các chuỗi cung ứng

Là người trực tiếp sử dụng các loại nông sản, thực phẩm đang được lưu thông trên thị trường, hầu hết người tiêu dùng đều cho rằng, các doanh nghiệp có liên quan tới sản xuất, cung ứng thực phẩm cần phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình.

Về vấn đề này, đại diện Công ty TNHH bán lẻ BRG (BRG Retail) khẳng định, công ty luôn đặc biệt quan tâm nguồn gốc của thực phẩm. Để đưa hàng vào hệ thống siêu thị BRGMart và minimart Haprofood/BRGMart, nhà cung cấp phải cam kết sản xuất và cung cấp ra thị trường các sản phẩm chất lượng theo đúng quy định của pháp luật.

Đặc biệt, những mặt hàng tươi sống phải bảo đảm tuân thủ các quy trình nghiêm ngặt từ khâu trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế, bảo quản... Đối với các sản phẩm do BRG Retail trực tiếp nhập khẩu đều có đầy đủ chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, được kiểm tra và chứng nhận đạt chất lượng bởi các cơ quan kiểm định quốc tế cũng như Việt Nam.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu, Hà Nội là thị trường tiềm năng nhưng nông sản của các địa phương muốn vào được hệ thống các kênh bán hàng hiện đại của Thủ đô trước hết phải bảo đảm chất lượng; Hàng hóa có nhãn mác và truy xuất được nguồn gốc xuất xứ.

Còn Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp Hòn Đất (quận Thanh Xuân) Trần Mạnh Chiến cho biết, các tỉnh, thành phố cần tập trung phát triển vùng sản xuất hàng hóa để quản lý “đầu vào” và “đầu ra” của sản phẩm.

Siết chặt quản lý chất lượng nông sản từ các tỉnh, thành phố vào Hà Nội dịp cuối năm
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung kiểm soát chặt từ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm sản xuất trên đồng ruộng và trang trại trước khi đưa vào hệ thống phân phối, bán ra thị trường

Ở góc độ địa phương, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai Lê Tân Phong, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần có sự phản hồi về chất lượng sản phẩm cho các tỉnh, thành phố để có sự phối hợp tốt hơn trong công tác quản lý, giám sát. Mặt khác, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối cần phối hợp, hỗ trợ các địa phương từ thông tin thị trường, bao bì, nhãn mác đến cách thức vận chuyển…

Để kiểm soát chất lượng nông sản của các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường kiểm tra, lấy mẫu các sản phẩm có nguy cơ cao như rau, thịt, thủy sản… Đồng thời thông tin hai chiều về những vấn đề “nóng” như tình hình dịch bệnh, các hiện tượng, hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm… để các địa phương cùng chủ động phối hợp trong công tác quản lý.

Để giảm thiểu vi phạm an toàn thực phẩm, một trong những giải pháp quan trọng là cần tập trung kiểm soát chặt từ nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm sản xuất trên đồng ruộng và trang trại trước khi đưa vào hệ thống phân phối, bán ra thị trường. Cơ quan quản lý cần có sự phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam để tuyên truyền, vận động, giám sát người dân và doanh nghiệp tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.

Trong đó, các đơn vị chú trọng giám sát vật tư nông nghiệp; Tăng cường việc lấy mẫu để phát hiện vi phạm. Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành đầy đủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm để các tổ chức, cá nhân có căn cứ tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhau, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ thực phẩm để công tác bảo đảm chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm từng bước được kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục cũng cần phải đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức về an toàn thực phẩm. Từ đó, khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

THANH TÙNG

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/