Hỗ trợ hợp tác xã sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, chất lượng cao

13:00 | 09/11/2021
TTTĐ - Những năm qua, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhờ hoạt động có hiệu quả, nên các mô hình này đã mang lại thu nhập cho các xã viên là bà con nông dân, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Kinh tế tập thể, hợp tác xã đóng góp quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô Rà soát, tháo gỡ khó khăn để kinh tế tập thể, hợp tác xã phát triển hiệu quả Hợp tác xã Sunfood Đà Lạt: Tiên phong xây dựng vùng nông nghiệp thông minh, quy mô lớn Kết nối xuất khẩu trái cây của hợp tác xã ra nước ngoài

Nâng cao đời sống Nhân dân

Tại huyện Mộc Châu, hầu hết các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn đều hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho các xã viên. Nhiều hợp tác xã đã mạnh dạn tìm cho mình hướng đi mới, qua đó khai thác được tiềm năng, lợi thế của huyện.

Nhiều hợp tác xã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh như: ứng dụng công nghệ nhà lưới, nhà kính vào sản xuất rau và cây ăn quả; Sử dụng tem điện tử QR-CODE truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Nhờ vậy, huyện đã có 7 hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng đối với các cây ăn quả như: Nhãn, xoài, mận hậu, bơ, chuối để xuất khẩu.

Một trong số những hợp tác xã hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu ổn định cho các xã viên tại huyện Mộc Châu chính là Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Hợp tác xã đã tiên phong trong việc xây dựng phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch.

Hỗ trợ hợp tác xã sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, chất lượng cao
Mô hình trồng chanh leo đem lại thu nhập cao cho các xã viên hợp tác xã

Khởi đầu từ những năm 2000 với 10 thành viên đến năm 2014 hợp tác xã hoàn thành chuyển đổi theo Luật hợp tác xã năm 2012. Đến nay hợp tác xã có 50 thành viên chính thức trên 200 thành viên là các hộ gia đình liên kết sản xuất với hợp tác xã với 110 ha cây trồng các loại, trong đó hơn 23 ha rau, quả được sản xuất theo quy trình VietGAP.

Hợp tác xã có cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m2 được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm chế biến của hợp tác xã gồm: Rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo... Tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hợp tác xã bao gồm cả thành viên liên kết: 800-1000 tấn các loại nông sản mỗi năm.

Doanh thu trung bình hàng năm đạt từ 6 - 7 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hàng năm trung bình đạt từ 1,1 - 1,2 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của các hộ thành viên đạt 400 triệu đồng/ha/1 năm. Lương bình quân lao động trong hợp tác xã đạt từ 6,5 triệu đồng đến 8,5 triệu đồng/người/tháng. Hợp tác xã sở hữu 06 sản phẩm OCOP, gồm: 3 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh (Gồm sản phẩm: Mận sấy Gừng, Mận sấy Mật ong, Mận sấy Thảo mộc); 3 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh (Gồm sản phẩm: Rượu Mận, rượu Mơ, rượu Trưởng bản).

Còn tại huyện Mai Sơn, Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa cũng đã thu được “trái ngọt” khi đi tiên phong trồng cây chanh leo ở xã Chiềng Sung. Hợp tác xã được thành lập năm 2015 với 10 thành viên với tổng diện tích sản xuất 10ha ngô và bí. Đến năm 2019, hợp tác xã chuyển sang trồng chanh leo.

Hỗ trợ hợp tác xã sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, chất lượng cao
Hiện người dân cùng tham gia hợp tác xã để cùng sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu

Anh Nguyễn Tiến Nam, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, trong năm đầu tiên, năng suất đạt 40 tấn/ha, thu nhập 200 triệu đồng/ha, hiệu quả hơn các cây trồng khác. Đến tháng 6/2021, hợp tác xã phát triển lên 20 thành viên với quy mô sản xuất 20ha chanh leo. Hiện, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã ký hợp đồng với HTX để bao tiêu sản phẩm với giá cam kết thấp nhất là 5.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Quỳnh Nghĩa đang là cầu nối trong chuỗi sản xuất kết nối người dân với doanh nghiệp, vận động người dân tham gia hợp tác xã để cùng sản xuất chanh leo phục vụ các hợp đồng chế biến và xuất khẩu. Doanh nghiệp tạo điều kiện cho thành viên hợp tác xã trả trước 50% số tiền mua giống, 50% còn lại sẽ thanh toán cho công ty sau khi thu hoạch. Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp còn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho mọi người nên cây chanh leo phát triển rất tốt.

Hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất phát triển

Nói về những lợi ích của hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp, anh Bùi Văn Tế (ở bản C5, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) cho biết, gia đình anh có 1,2ha trồng các loại cây ăn quả như nhãn, bưởi, cam. Khi chưa có hợp tác xã, nhà anh cũng như nhiều hộ nông dân ở đây chỉ trồng cây ăn quả theo hướng tự phát. Vì vậy, cây trồng cho năng suất thấp, phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, đầu ra sản phẩm rất bấp bênh và thường bị thương lái ép giá.

Từ năm 2017, gia đình anh Tế cùng 9 hộ gia đình đã liên kết thành lập Hợp tác xã Bảo Minh. Hợp tác xã tập trung áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo ra các sản phẩm cây ăn quả có múi đạt năng xuất, chất lượng tốt và an toàn nên có sức cạnh tranh cao. Việc quảng bá, tìm đầu ra cho phẩm cũng được hợp tác xã tăng cường. Từ đó việc tiêu thụ sản phẩm thuận lợi với giá cả ổn định.

Hỗ trợ hợp tác xã sản xuất nông sản theo chuỗi giá trị, chất lượng cao
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La sẽ hướng dẫn các hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh

Là một tỉnh miền núi của vùng Tây Bắc, trong những năm gần đây, các mô hình hợp tác xã tại tỉnh Sơn La đã và đang từng bước phát triển và khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong phát triển kinh tế. Tính đến tháng 7/2021, toàn tỉnh có 714 hợp tác xã hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, điện nước, xây dựng, quỹ tín dụng nhân dân, thương mại, dịch vụ và du lịch, quản lý chợ và vận tải.

Trong nông nghiệp, sự phát triển của các mô hình hợp tác xã đã khắc phục được những tồn tại như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Các hợp tác xã đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ như: Tạo điều kiện cho những xã viên nghèo ứng trước giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; Trang bị thông tin nông lịch gieo cấy, vay vốn sản xuất... đến vụ thu hoạch sẽ trả cho hợp tác xã. Nhờ vậy các xã viên luôn đảm bảo mùa vụ, có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập.

Điều được nhất trong kinh tế tập thể hợp tác xã chính là người nông dân biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền. Vì vậy, tỉnh Sơn La ngoài tiếp tục phát triển các mô hợp tác xã nông nghiệp cũng sẽ phát triển các hợp tác xã dịch vụ, vận tải và một số dịch vụ khác để hỗ trợ cho các hợp tác xã sản xuất phát triển.

Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tích cực như tập trung tuyên truyền người dân nâng cao việc sản xuất nông sản số lượng lớn theo chuỗi giá trị, chất lượng cao; Vận động, hướng dẫn các hợp tác xã áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nguồn nhân lực cho các hợp tác xã, gắn với tham quan học tập kinh nghiệm và kết nối các doanh nghiệp, nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, cũng như khẳng định vị thế kinh tế hợp tác xã trong nền kinh tế của tỉnh.

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/