Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết

13:22 | 23/11/2021
TTTĐ - Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, các địa phương chủ động phương án hoặc đề xuất với cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường; Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Hà Nội triển khai chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thiết yếu TP HCM đẩy mạnh tuyên truyền các giải pháp bình ổn thị trường Hà Nội triển khai các giải pháp bình ổn thị trường sau Tết Doanh thu bán hàng trực tuyến trong dịp Tết Nguyên đán tăng 20-25%

Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng

Để đảm bảo cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, đồng thời làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế vĩ mô năm 2022 của Chính Phủ, mới đây, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-BCT đề nghị Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua.

Căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa, các địa phương chủ động phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán hoặc trong trường hợp dịch bệnh bùng phát.

Đồng thời, chủ động tham mưu UBND tỉnh, thành phố các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch Covid-19 trên địa bàn. Có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và Tết. Triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật.

Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, phối hợp với các sở, ngành liên quan, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt và kịp thời cung ứng cho thị trường.

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết
Trong giai đoạn cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, các địa phương cần tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn để phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân (Ảnh tư liệu)

Ngoài ra, các địa phương tổ chức hoạt động kết nối cung cầu các doanh nghiệp phân phối và nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh, bảo đảm an toàn; Tổ chức thực hiện chương trình khuyến mại tập trung quốc gia năm 2021; Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp theo hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Đặc biệt, trong giai đoạn cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, các địa phương cần tổ chức các chuyến bán hàng về nông thôn, vùng sâu, vùng xa; Chuẩn bị tốt nguồn hàng chính sách, hàng hỗ trợ và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, mặt hàng phục vụ Tết để cung ứng sớm và đầy đủ cho Nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; Đặc biệt là các vùng bị thiệt hại do bão, lũ; Những đối tượng gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh với lượng đủ, giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm.

Đối với các đơn vị sản xuất, đơn vị có hoạt động kinh doanh thương mại, kinh doanh các mặt hàng chính sách tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh để đảm bảo duy trì sản xuất.

Đồng thời, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng cần thực hiện nghiêm túc quy định về dự trữ lưu thông, dự trữ quốc gia để cung ứng đủ, kịp thời nguồn hàng cho thị trường khi cần thiết; Triển khai nghiêm túc việc cung ứng các mặt hàng chính sách cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo một cách đầy đủ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Kiểm soát thị trường, không để hàng giả, hàng nhái “lộng hành”

Theo chỉ đạo của Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; Tập trung chỉ đạo cục quản lý thị trường tại các địa phương tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường; Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận trong thương mại...

Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết
Bộ Công thương yêu cầu các địa phương kiểm soát thị trường, không để hàng giả, hàng nhái “lộng hành” (Ảnh minh họa)

Bộ cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh có biên giới phối hợp với lực lượng chức năng như: Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, thanh tra chuyên ngành... làm tốt công tác phòng, chống buôn lậu qua biên giới, nhất là với các mặt hàng gia súc, gia cầm và các mặt hàng có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán.

Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án hoặc đề xuất với Chính phủ các biện pháp bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng, bình ổn giá; Đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống; Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng sốt giá.

Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các Bộ, ngành địa phương trong công tác điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý; Sử dụng linh hoạt các công cụ, các biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát; Hỗ trợ cho sản xuất và đời sống của người dân, doanh nghiệp sau dịch bệnh và bước đầu thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022...

THANH TÙNG

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/