Doanh nghiệp sợ nhất thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng

11:53 | 27/11/2021
TTTĐ - Các doanh nghiệp phản ánh còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Doanh nghiệp Châu Âu đặt niềm tin vào thị trường Việt Nam Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc rất thành công ở Việt Nam, Samsung là minh chứng Doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, tôm "vật lộn" phục hồi sản xuất

Trong khuôn khổ hội nghị đối thoại doanh nghiệp "Cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan", Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố báo cáo "Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư - đất đai - xây dựng - môi trường".

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, các doanh nghiệp phản ánh còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực liên quan.

Cụ thể, trong số 10 nhóm thủ tục được đánh giá, 2 thủ tục dễ thực hiện nhất đối với các doanh nghiệp là kết nối cấp thoát nước và kết nối cấp điện khi tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn với 2 thủ tục này thấp nhất, lần lượt là 24,3% và 27,6%.

Doanh nghiệp sợ nhất thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng
Quang cảnh hội nghị

Trong khi đó, doanh nghiệp còn gặp khó khăn nhất định khi tiến hành các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng và các thủ tục về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tỷ lệ doanh nghiệp gặp trở ngại với 2 nhóm thủ tục này lần lượt là 50% và 48%, cao nhất trong các thủ tục được đánh giá.

Về chi phí thời gian trong hoạt động cấp phép xây dựng, một doanh nghiệp điển hình trung bình cần khoảng 3 lượt đến cơ quan quản lý Nhà nước để hoàn tất xin cấp phép xây dựng trong năm 2020, con số này không có thay đổi đáng kể so với khảo sát trong năm 2019.

Tuy nhiên, số ngày từ lúc doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng đến khi nhận giấy phép trong năm 2020 đã có sự cải thiện đáng kể so với năm 2019.

Theo đại diện VCCI, qua nghiên cứu, đánh giá và ghi nhận ý kiến phản hồi từ các doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu đã tổng quát và nhận diện rõ ràng những vướng mắc lớn nhất hiện nay trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.

"Hiện phức tạp nhất là các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng. Sau nữa là việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Cuối cùng là thẩm định thiết kế xây dựng", đại diện VCCI cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, còn nhiều dư địa cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung liên quan. Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tiếp tục các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022.

Theo đó, ông Tuấn cho rằng cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng, lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.

Đặc biệt, Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc, xây dựng kế hoạch thanh tra sát với thực tiễn về yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống tham nhũng...

Đại diện VCCI cũng đề xuất cần thiết xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ thuận lợi của việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường ở cấp tỉnh. Từ đó, chỉ rõ địa phương nào hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn, hay tạo cơ chế khó khăn hơn khi thực hiện các thủ tục liên quan đến các lĩnh vực kể trên.

Mặt khác, bộ chỉ số đánh giá cũng sẽ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư có thêm thông tin hữu ích khi thực hiện thủ tục tại mỗi địa phương, tạo ra những chỉ báo quan trọng khi lựa chọn nơi đầu tư.

Hậu Lộc

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/