Nhiều nơi chủ quan phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở tăng cường xử lý vi phạm

10:39 | 27/11/2021
TTTĐ - Những ngày qua, thành phố Hà Nội liên tục phát hiện hàng trăm ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày, trong số đó có nhiều ca cộng đồng. Trước nguy cơ dịch bệnh có thể lây lan trên diện rộng, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hàng quán trong việc thực hiện quét mã QR, bảo đảm giãn cách...
Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương lên đường hỗ trợ Vĩnh Long chống dịch Covid-19 Diễn tập triển khai mô hình trạm y tế lưu động phòng chống Covid-19 Ứng xử chốn đông người sao cho hài hòa trong mùa dịch Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tuyệt đối không được chủ quan trong phòng, chống dịch Covid-19

Tăng cường xử lý các vi phạm

Theo thống kê của CDC Hà Nội, từ ngày 11/10 đến ngày 25/11, thành phố Hà Nội ghi nhận 4.817 ca mắc, trong đó số ca cộng đồng tăng nhanh với 1.704 ca mắc (chiếm tỷ lệ 35,43%), đồng thời số ca mắc do lây nhiễm thứ phát cũng tăng lên.

Dịch bệnh xuất hiện trên 30 quận, huyện, thị xã trong đó nhiều chùm ca bệnh tại các khu dân cư mật độ cao, các khu chung cư, khu công nghiệp, từ các hoạt động tại chợ, đám hiếu, hỷ, việc tụ tập ăn uống, các địa điểm công cộng và sự kiện tập trung đông người.

Nhằm tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, những ngày qua, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hàng quán trong việc thực hiện quét mã QR, bảo đảm giãn cách… Đáng nói, bên cạnh các hàng quán thực hiện nghiêm quy định, vẫn xuất hiện tình trạng khách hàng quên quét mã QR, không thực hiện giãn cách, buộc chính quyền địa phương phải xử lý vi phạm.

Nhiều nơi chủ quan phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở tăng cường xử lý vi phạm
Lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản xử lý nghiêm trường hợp người dân bán hàng nơi công cộng, vi phạm quy định phòng, chống dịch Covid-19

Ghi nhận của phóng viên tại một số tuyến phố trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho thấy, nhiều nhà hàng, quán ăn tuy đã có mã QR nhưng rất ít khách vào thực hiện quét mã. Nhiều quán ăn, cà phê trên phố Võ Thị Sáu, số khách vào đông hơn 50%, song nhà hàng vẫn bán cho khách. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là một bộ phận người dân thiếu ý thức chấp hành quy định phòng, chống dịch. Bên cạnh đó là tâm lý chủ quan, thiếu ý thức tôn trọng pháp luật của người bán hàng.

Liên quan đến vấn đề này, Trung tá Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng Công an phường Thanh Nhàn cho biết, vào 20h hằng ngày, lực lượng công an tổ chức tuần tra, yêu cầu các nhà hàng, quán ăn đóng cửa. Trên thực tế, một số nhà hàng vẫn viện lý do khách đã trả tiền, chỉ ngồi thêm mấy phút nên rất khó xử lý.

Tại quận Ba Đình, theo khảo sát của phóng viên tại một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên phố Đội Cấn, người giao hàng xếp hàng san sát để chờ lấy đồ ăn đi giao. Mặc dù chủ cơ sở liên tục nhắc nhở việc quét mã QR nhưng một số người giao hàng không thực hiện yêu cầu.

Bên cạnh đó, một số quán cà phê trên phố Phan Kế Bính (phường Cống Vị, quận Ba Đình) cũng chưa chủ động nhắc nhở khách vào quán quét mã QR hoặc dán mã vào các vị trí không tiện lợi để khách quét mã.

Theo UBND quận Ba Đình, trên địa bàn quận có 953 cơ sở, trong đó, có 664 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đăng ký và cam kết thực hiện các phương án phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thời gian qua, các đoàn kiểm tra liên ngành của quận, phường đã liên tục kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Nhiều nơi chủ quan phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở tăng cường xử lý vi phạm
Hà Nội đang triển khai chiến lược khoanh vùng hẹp, nỗ lực mở lại hoạt động kinh tế tại vùng an toàn

Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho biết, quận xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch cao điểm thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ ăn uống. Đồng thời, kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, đơn vị, cá nhân vi phạm.

Khoanh vùng hẹp, nỗ lực mở lại hoạt động kinh tế tại vùng an toàn

Trước diễn biến dịch bệnh tiếp tục phức tạp, tối 26/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 25/CĐ-UBND yêu cầu Thủ trưởng, Giám đốc các Sở, ban, ngành thành phố, các đồng chí Trưởng Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn và các lực lượng chức năng tại cơ sở tăng cường rà soát, kiểm tra, tuyên truyền công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại các khu vực có nguy cơ cao.

Cụ thể là các khu dân cư mật độ đông, sử dụng chung nhà tắm, khu vệ sinh; Chợ dân sinh; Trung tâm thương mại; Nhà hàng ăn uống, bến tàu bến xe, tàu điện trên cao, các cơ sở khám, chữa bệnh… và các khu vực có sự kiện tập trung đông người; Kiểm tra việc chấp hành các quy định, điều kiện phòng, chống dịch theo quy định của Trung ương và thành phố.

Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, các địa phương, đơn vị cần khẩn trương hoàn thiện và đưa vào hoạt động các Cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ theo mô hình Trạm Y tế lưu động theo Phương án số 263/PA-UBND ngày 23/11/2021 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

Nhiều nơi chủ quan phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở tăng cường xử lý vi phạm
Hiện Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi

Đồng thời, TP tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; Tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Về nhiệm vụ cụ thể của các sở ban ngành, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện, viện, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã trong công tác phối hợp, lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tương ứng với các khu vực, địa bàn, đảm bảo thời gian trả kết quả xét nghiệm; Xây dựng kế hoạch xét nghiệm tầm soát cho học sinh và giáo viên; Tầm soát ngẫu nhiên, định kỳ tại các khu vực có nguy cơ cao...

Cùng với đó, TP tổng hợp, phân loại các trường hợp F1, F2, đánh giá phân tích các nguy cơ trong một số trường hợp theo đặc thù của những đô thị lớn (như với các trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19, có đeo khẩu trang, đứng trong cùng khoang thang máy với người nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian ngắn), đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn, chỉ đạo các biện pháp y tế phù hợp quy định và diễn biến dịch tễ.

Mặt khác, hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế phường, để tránh bị quá tải và hoàn thành tốt nhiệm vụ; Bao gồm lương y tế tư nhân, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu.

Nhiều nơi chủ quan phòng, chống dịch, chính quyền cơ sở tăng cường xử lý vi phạm
Hà Nội kiên trì với chiến lược phòng, chống dịch loạt đối với dịch Covid-19

Công điện của UBND TP đề nghị Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, công an các quận, huyện, thị xã tăng cường cập nhật, kiểm soát thông tin nhân khẩu trên địa bàn; Quản lý chặt chẽ số người thường trú, tạm trú, rà soát hộ khẩu, người được cấp căn cước công dân gắn chip, quản lý mã số định danh cá nhân…

Nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn... để có biện pháp quản lý phù hợp; Triển khai lắp đặt các thiết bị quét mã QR tại nhà ga sân bay, bến tàu, bến xe, ga tàu điện trên cao, trung tâm thương mại, khu vực công cộng, các trạm kiểm soát và ứng dụng (VN-eID) do Bộ Công an phát triển trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và Căn cước công dân...

Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đề nghị người dân khi tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch và khuyến cáo của ngành Y tế để đảm bảo an toàn tối đa cho bản thân và cho cộng đồng; Đồng thời khuyến cáo người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ đang mang thai, trẻ em dưới 18 tuổi khi chưa tiêm vắc xin hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 cần hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người không cần thiết.

Thanh Hà

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/