“Nhịn” bớt “cơn thèm” để ngày bình yên sớm trở lại

10:46 | 30/11/2021
TTTĐ - Khi các ca bệnh trong cộng đồng tại Hà Nội ngày một tăng cao, có lẽ mỗi người nên tự “nhịn” bớt những “cơn thèm” rất đỗi bình thường như trà đá vỉa hè, cà phê chốn đông người, vui chơi nơi công cộng. Để đến khi dịch bệnh yên ắng hẳn, nguy cơ lây nhiễm không còn thì chúng ta sẽ lại được thoải mái làm những gì mình thích như thuở nào.
Giai điệu nơi tuyến đầu và khát vọng bình yên

Nhắc nhau mỗi ngày

Tối nào cũng vậy, cứ vào tầm sau chương trình Thời sự trên VTV1, khi các bản tin dịch bệnh được cập nhật qua truyền hình, điện thoại, báo chí cũng là lúc chị Quyên (Hoàng Mai, Hà Nội) dọn dẹp nhà cửa xong. Cầm túi rác trên tay, khẩu trang đeo kín, đi từ nhà ra đến đầu ngõ vứt rác, chị liên tục phổ biến tin tức cho những người hàng xóm của mình. Ngày hôm nay mấy chục, mấy trăm ca F0, trong đó có bao nhiêu ca ở cộng đồng… đều được chị thông báo đến những người đang mải việc trông cháu, làm việc nhà không kịp xem TV hay đọc báo.

Bao giờ cũng vậy, lượt đi chị báo tin, lượt về chị lại động viên mọi người: “Thôi các bác chịu khó đừng la cà chợ búa lâu, đừng ra ngoài hàng quá xá làm gì nhiều. Cần ăn gì thì mua về nhà ngồi cho sạch sẽ thoải mái an toàn”. Mấy ông bà hàng xóm cũng gật gù, đinh ninh với nhau: “Cứ ở nhà vì tiêm vaccine hết rồi vẫn có khả năng lây nhiễm bệnh. Sống sót qua mùa dịch thì nay mai tha hồ đi khắp nơi, chỉ sợ chả có tiền mà đi thôi”.

Tương tự như xóm nhà chị Quyên, xóm nhà bà Ninh (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng nâng cao ý thức, cảnh giác cao độ. Ngày trước, các ông bà già trong tổ hưu trí sáng chiều đều rủ nhau ra công viên điều hòa Nhân Chính để đi bộ, dạo mát. Từ ngày có dịch đến nay hoạt động này bớt nhộn nhịp hơn.

Tập thể dục nâng cao sức khỏe nhưng không quên đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh (Ảinh minh họa)
Tập thể dục nâng cao sức khỏe nhưng không quên đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh (Ảinh minh họa)

Thay vì rủ nhau có khi đến chục người vừa đi vừa nói chuyện cho vui, bây giờ nhà nào lặng lẽ riêng nhà nấy. Có khi chỉ hai vợ chồng già, hai ông bạn hàng xóm hay hai bà già đi cùng nhau. Không những thế, cùng khu tập thể nên nắm rõ lịch hoạt động của nhau, bà Ninh nghe ngóng, nếu thấy nhà bên cạnh đi rồi thì mình lùi lại, tầm 20 phút sau mới đi.

“Tách nhau ra để đỡ đông, dồn nhiều người vào một chỗ. Muốn nói chuyện với nhau thì giờ cứ gọi điện Zalo, Facebook, Facetime. Cánh già chúng tôi mùa dịch cũng cập nhật công nghệ thông tin rồi, suốt ngày đọc tin tức, chat chit với nhau, chả lo buồn chán nữa. Chỉ cố gắng động viên lẫn nhau, động viên con cháu cố gắng giữ an toàn, mong dịch bệnh sớm qua thì mới được thoải mái như trước”, bà Ninh tâm sự.

Tại khu nhà chị Liên (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), sân chơi chung của gần chục tòa nhà rất to. Thời tiết đẹp, nắng ấm áp, bố mẹ chị rất thích đưa các cháu xuống sân chơi đùa chạy nhảy. Ông bà đưa ra lí do rất thuyết phục. Nào thì người già cần vận động gân cốt, trẻ nhỏ cần tắm nắng chứ ở lâu trong nhà bí bách quá rồi. Chị không phản đối nhưng thuyết phục ông bà cho cháu xuống chơi thì nhất thiết phải đeo khẩu trang, tránh tụ tập đông người.

Sân rộng như vậy, mỗi nhà một khoảnh, thấy đông đông rồi thì chị dặn ông bà lựa tránh bớt đi, để lúc sau cho cháu xuống cũng chưa muộn. Bên cạnh đó, để tăng sức khỏe, tăng sức đề kháng, chị Liên mua thêm máy tập, dọn bớt đồ đạc trong nhà cho cả nhà có thêm một chút không gian tập thể dục, đón nắng mỗi ngày. Trong khẩu phần ăn mùa hanh khô chị Liên cũng tăng cường rau xanh, hoa quả nhiều vitamin C như cam, quýt. Điều này phải thực hiện hàng ngày chứ không thể lơ là, cứ việc hôm nay lại để ngày mai được, chị Liên tâm sự.

Tạm bỏ bớt một số thói quen

Đi các trung tâm thương mại lớn là thói quen vào mỗi cuối tuần của nhà chị Hiền (ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Hai vợ chồng chị đều làm ở trung tâm thành phố, các con thì học ở gần nhà để tiện ông bà trông nom. Cứ đến cuối tuần là chị dẫn các con đi vào các trung tâm thương mại lớn. Trong đó có tất cả mọi thứ cho một gia đình vui chơi cuối tuần. Nào là xem phim, thưởng thức các món ngon tại những nhà hàng mang nhiều phong cách ẩm thực khác nhau, mua sắm quần áo, đồ dùng, thực phẩm cho cả tuần…

Từ đầu tháng 5 năm nay, thói quen này bị chị Hiền thẳng tay dẹp bỏ. Những ngày đầu làn sóng thứ 4 mới bùng phát thì không dám đi, đương nhiên, vì lúc đó người ở khắp nơi về, chả biết ai là F0 mà tránh. Rồi đến những ngày giãn cách thì nghỉ hẳn. Bây giờ các trung tâm thương mại đã mở cửa lại nhưng chị cũng thôi, không cho con đi nữa mà bản thân cũng chỉ đi các chợ gần nhà.

“Không phải mình kì thị mà quả thật rất sợ khi có lần chứng kiến cả một gia đình vào đó thoải mái bỏ khẩu trang cứ như ở nhà vậy. Nhiều người sẽ có tâm lý khi ăn đã bỏ khẩu trang rồi thì lúc chơi cũng bỏ nốt, sợ gì. Cứ như thế nguy cơ sẽ rất cao vì trong đó môi trường kín, dễ lây lan. Tháng khuyến mại này mình hoặc chồng sẽ tranh thủ các buổi trưa hoặc tan giờ làm vào để mua đồ đạc, còn các con thì sẽ còn nhiều dịp để đi chơi, mua sắm nên cứ để dịch yên rồi cho con vào cũng không sao”, chị Hiền cho biết.

Người dân nên tạm bỏ bớt một số thói quen để đảm bảo an toàn hơn trong mùa dịch bệnh (Ảnh minh họa)
Người dân nên tạm bỏ bớt một số thói quen để đảm bảo an toàn hơn trong mùa dịch bệnh (Ảnh minh họa)

Anh Long (ở quận Ba Đình, Hà Nội) kể rằng nhiều lần anh bị bạn bè kích bác là hèn, thậm chí còn chế giễu “rón rén như đàn bà” vì họ rủ mà anh từ chối không ngồi trà đá vỉa hè, thậm chí cả quán cà phê.

“Tại sao lại cứ phải trà đá vỉa hè trong lúc này, khi mà mỗi ngày đến trăm rưỡi ca bệnh ngoài cộng đồng? Một cốc nước người này uống xong có khi chỉ tráng qua đã mang ra cho người khác uống. Rồi ngồi san sát nhau, thế thì công cuộc chống dịch thành công cốc à? Mình đã đành, còn vợ, còn con nhỏ, còn bố mẹ già ở nhà, nhỡ lây lan thì hậu quả không đong đếm được. Một cốc trà đá, dăm ba câu chuyện tầm phào nếu phải trả giá đắt như vậy thì liệu có đáng không? Mình sẽ kiên quyết không chơi với những ai thiếu hiểu biết mà bất chấp, lại còn dè bỉu người khác như thế”, anh bày tỏ quan điểm.

Anh Thái (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng kể rằng cuối tuần qua mình “hết hồn” khi nhóm bạn hẹn nhau tại một quán cà phê bên quận Thanh Xuân. Đến nơi, dừng xe, anh Thái quay đầu “bỏ chạy” luôn vì thấy tầm hai chục người trong quán chẳng ai đeo khẩu trang. Trong khi đó, nguy hiểm hơn, ngay cạnh đó, tầm 5, 6 ngôi nhà mặt phố đang bị chăng dây phong tỏa vì phát hiện ra có F0 cách đây ít ngày.

Anh vừa kể vừa phẫn nộ: “Chẳng hiểu mọi người nghĩ sao mà lại hẹn nhau ở đấy. Thiếu chỗ hay cuồng chân đến mức coi thường dịch bệnh một cách liều lĩnh như vậy. Thật đáng giận, đáng trách và đáng lên án hành động coi thường, bất chấp này”.

Dường như, sự chủ quan đã nhen nhóm trong một bộ phận dân cư Hà Nội. Có lẽ, họ tin tưởng rằng đã được tiêm đầy đủ vaccine mà bỏ qua lời khuyến cáo của cơ quan chức năng. Dịch bệnh vẫn diễn biến ngày càng phức tạp hơn, thực hiện nghiêm túc 5K và các biện pháp phòng, chống dịch vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ mình và cộng đồng. Đừng để “cái sảy nảy cái ung”, để sự lơ là của một người có thể khiến rất nhiều người phải trả giá. Khi đó hối hận thì đã quá muộn.

Vì thế, mỗi người nên tự giảm bớt một số nhu cầu không cần thiết của mình để tránh làm nhiễu loạn thêm công cuộc chống dịch. Tiết chế bớt bản thân, phân biệt được điều gì phù hợp với từng điều kiện, hoàn cảnh thì chúng ta mới có cơ hội để thực hiện tất cả những điều đó ở một ngày gần nhất mà không phải lo nghĩ gì.

Ứng xử chốn đông người sao cho hài hòa trong mùa dịch Ứng xử chốn đông người sao cho hài hòa trong mùa dịch
Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa công sở Tiếp tục phát huy những giá trị văn hóa công sở
Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển Xây dựng nền văn học đô thị để Hà Nội xứng tầm nghìn năm phát triển

Hương Thu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/