Mua iPhone 62 triệu và câu chuyện "nghèo sang chảnh" của người trẻ

14:22 | 14/12/2021
TTTĐ - Tuổi đời còn là học sinh, sinh viên, nhưng bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu sản phẩm công nghệ đời mới, nhiều bạn trẻ đang đi theo lối sống xa xỉ, hoang phí, hay còn gọi là “nghèo sang chảnh”.
Những người trẻ tự đẩy mình khỏi “đường ray văn hóa” Nỗi lo lắng tài chính trước Tết của nhiều người trẻ Người trẻ phải tiên phong phòng ngừa các biểu hiện suy thoái từ sớm, từ xa

Những lần “vung tay quá trán” của các bạn trẻ

Bùi Minh Thư hiện đang học lớp 10, sống tại Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Là học sinh, chưa đi làm thêm, kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình, mỗi tháng Thư chỉ xin bố mẹ 50 - 100 nghìn đồng. Cô gái 16 tuổi tâm sự: "Món đồ đắt nhất em từng mua là một thỏi son với giá 300 nghìn đồng bằng tiền tích góp trong 3 tháng. Để có tiền, em phải cố gắng học đứng đầu lớp hàng tháng để được thưởng 100 nghìn đồng".

Bố mẹ quản lý toàn bộ chi tiêu của Minh Thư (bên phải). Để có khoản tiền riêng, em phải có thành tích học tập đứng đầu lớp mỗi tháng.
Bố mẹ quản lý toàn bộ chi tiêu của Minh Thư (bên phải). Để có khoản tiền riêng, em phải có thành tích học tập đứng đầu lớp mỗi tháng.

Ở cùng độ tuổi với Minh Thư, Lê Xuân Tiến (quận Ba Đình, Hà Nội) không phải chắt chiu cho những khoản chi mỗi ngày. Ngày hãng Apple ra mắt phiên bản điện thoại mới nhất, Tiến liền sở hữu chiếc iPhone 13 ProMax trị giá 62 triệu đồng. Chiếc điện thoại này Tiến được bố mẹ mua cho.

Xuân Tiến kể “bố mẹ hay phàn nàn về chuyện tiêu tiền của em lắm; nhưng mãi em cũng không kiểm soát được”
Xuân Tiến kể “bố mẹ hay phàn nàn về chuyện tiêu tiền của em lắm; nhưng mãi em cũng không kiểm soát được”

Giống Xuân Tiến, Nguyễn Ngọc Hà (sinh viên năm nhất, đại học Mở) cũng có trải nghiệm mua điện thoại đời mới. Một năm trước, Hà chi 28 triệu đồng để mua một chiếc iPhone 12 ProMax. Một nửa trong số đó là tiền xin từ bố mẹ hoặc vay bạn bè. So với sinh viên năm nhất, đó là một số tiền quá lớn.

Thừa nhận bản thân không sử dụng hết tính năng của chiếc điện thoại thời thượng, Hà chia sẻ: "Trước khi mua, em cũng cân nhắc rất kỹ một chiếc rẻ hơn. Nhưng khi đến cửa hàng, được nhân viên tư vấn, em cũng tặc lưỡi mua luôn".

Đó chẳng phải lần duy nhất, Hà bị cảm xúc “dẫn dụ”. Ngọc Hà kể có nhiều lần cuối tháng chỉ còn 200 nghìn đồng nhưng cô gái trẻ vẫn bỏ ra hơn 150 nghìn đồng để đi ăn cùng bạn bè.

Khi được hỏi, Hà tự nhận mình không phải người “nghèo sang chảnh”. Điều đó chỉ đúng đến khi Hà không kiểm soát được cảm xúc.
Khi được hỏi, Hà tự nhận mình không phải người “nghèo sang chảnh”. Điều đó chỉ đúng đến khi Hà không kiểm soát được cảm xúc.

Bạn trẻ có những trải nghiệm tiêu tiền “vung tay quá trán” như Ngọc Hà và Xuân Tiến không phải hiếm. Đằng sau những lần bạo chi dường như là một bộ phận thanh niên mơ hồ trong việc chi tiêu có kế hoạch.

Mỗi tháng, Ngọc Hà được bố mẹ chu cấp 7 triệu đồng; số tiền có được từ làm thêm trung bình khoảng 4,5 triệu đồng. Khi được hỏi, Hà thẳng thắn: "Em không hề có kế hoạch chi tiêu. Mỗi tháng sau khi trừ hết các khoản, em giữ lại được tầm 2 đến 3 triệu đồng".

Trường hợp của Xuân Tiến, số tiền ăn, chơi, mua sắm và tiền học chỉ có thể ước chừng khoảng 6 - 7 triệu đồng đều hàng tháng. Dù có ý thức đi làm thêm để tích góp, nhưng mục tiêu của Tiến lại là những... khoản chi khác. Một năm trước, Tiến thích một đôi giày với giá khá cao gần 12 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương làm bồi bàn 1 triệu đồng/tháng quá ít so với giá của đôi giày; Tiến đành bỏ cuộc.

“Bạn trẻ chỉ giỏi kiếm tiền, không giỏi giữ tiền”

Việc kiếm tiền và tiêu tiền cho bản thân không phải điều đáng lên án. Nhưng sự mơ hồ trong cách lập kế hoạch chi tiêu với những khoản chi thiếu tầm nhìn về lâu dài hình thành trong các bạn trẻ tư duy lệch lạc về cách sử dụng đồng tiền.

Chuyên gia tài chính Phạm Hồng Phúc, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS đánh giá các bạn trẻ “rất giỏi trong việc kiếm tiền, nhưng hầu hết các bạn không thể giữ tiền và làm cho tiền nhân lên”. Theo anh, sai lầm trong suy nghĩ của các bạn trẻ là đầu tư quá nhiều cho vẻ bề ngoài của bản thân mà không chú trọng nâng cao trí tuệ.

Chuyên gia Phạm Hồng Phúc cho rằng hầu hết bạn trẻ chỉ tập trung nâng cấp hình ảnh bề ngoài bản thân, bỏ quên các kỹ năng sống, chuyên môn
Chuyên gia Phạm Hồng Phúc cho rằng hầu hết bạn trẻ chỉ tập trung nâng cấp hình ảnh bề ngoài bản thân, bỏ quên các kỹ năng sống, chuyên môn

Đồng quan điểm, TS. Tâm lý học Lê Thị Thủy (giảng viên Khoa Công tác xã hội, trường Đại học Công Đoàn) lý giải: "Khi "nội lực" của các bạn trẻ còn yếu thì các bạn sẽ có xu hướng sử dụng "ngoại lực" đó là phụ thuộc vào những cái vẻ bề ngoài như trang điểm, đầu tóc, quần áo theo cái mà các bạn gọi là "thể hiện đẳng cấp ", “sự sang chảnh" để mong muốn người khác đánh giá mình.

Còn nếu các bạn đã tự tin rồi, nội lực đủ mạnh rồi thì các bạn sẽ không để ý nhiều đến vẻ bề ngoài đó, giống như các bậc vĩ nhân, các nhà thông thái… thì họ đâu có cần phải như vậy, thậm chí họ rất giản dị, điều đó chứng tỏ rằng họ đã sống bằng "nội lực".

TS. Lê Thị Thủy cho rằng yếu tố nhận thức của bản chưa đủ sâu sắc, ảnh hưởng lối sống của gia đình và những tác động của mạng xã hội là nguyên nhân đằng sau trào lưu “nghèo sang chảnh” của giới trẻ.

“Ngày nay, các mạng xã hội ngày càng mở cho nên đăng tải nội dung không bị kiểm duyệt gắt gao. Các bạn trẻ dễ dàng chia sẻ hình ảnh những món đồ mới, check-in địa điểm sang chảnh, ăn những món ngon. Khi tiếp xúc với những nội dung đó quá nhiều, một bộ phận người trẻ khác sẽ dần hình thành nhận thức tương tự và bắt chước theo những hành động trên vì họ cho rằng số đông luôn đúng. Đó là một cơ chế ảnh hưởng xã hội, TS. Lê Thị Thủy phân tích.

Mua iPhone 62 triệu và câu chuyện
TS.Tâm lý học Lê Thị Thủy kỳ vọng các bạn trẻ đầu tư thời gian cho việc học các kỹ năng mềm, giá trị sống, thái độ sống để tăng "nội lực" của bản thân

Ở chiều ngược lại, TS. Lê Thị Thủy cũng không khuyến khích việc các bạn trẻ đầu tư quá nhiều thời gian đi làm thêm vì mục đích kiếm tiền. Nhiều bạn trẻ cho rằng việc đi làm thêm để chủ động cho việc chi tiêu theo sở thích cá nhân và giảm áp lực tài chính cho bố mẹ.

Song, khi quá tập trung vào việc kiếm tiền để tiêu xài, cái giá phải trả của không ít bạn trẻ là ảnh hưởng đến sức khỏe, đến thời gian học tập, từ đó ảnh hưởng đến kết quả học tập, nhiều bạn bị cấm thi, thi không qua môn, phải học lại và lại mất rất nhiều thời gian và tiền của cho việc học lại này.

Sức hút của “nghèo sang chảnh” là quá lớn, nhưng cái giá phải trả cũng rất đắt và khó lường trước được. Cố gắng “gồng lên” để được cái mác “sang chảnh”, để khoe độ “giàu” và “chịu chi” suy cho cùng, chỉ là sĩ diện ảo.

Chuyên gia đánh giá cao về vai trò của giáo dục gia đình trong việc quản lý tài chính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc kiếm tiền và chi tiêu tiền như thế thế nào cho hợp lý.

Ngoài ra, các bạn trẻ nên đầu tư thời gian cho việc học các kỹ năng mềm, giá trị sống, thái độ sống để tăng "nội lực" của bản thân, từ đó sẽ giảm sự phụ thuộc vào những những cái bên ngoài ngoại lực".

Hà Thu - Minh Quân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/