Làng làm mã Phúc Am: Hoạt động “cầm chừng”, doanh thu giảm đến 90% bởi dịch bệnh

14:20 | 14/12/2021
TTTĐ - Dịch bệnh COVID-19 khiến nhu cầu sử dụng hàng mã của người dân giảm, đợt “mùa vụ” tiếp theo lại là sau Tết. Làng Phúc Am rơi vào tình cảnh đìu hiu, trầm lắng.
Lệ Quyên cầm mic trở lại sau khi tạm ngừng hát vì dịch bệnh Xét nghiệm xác định người mắc COVID-19 và cho bệnh nhân ra viện Bệnh nhân COVID-19 nhẹ và trung bình điều trị bằng thuốc kháng virus Favipiravi

Làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) được biết đến là "đại công xưởng sản xuất vàng mã" lớn nhất nước. Trong bối cảnh chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, người dân vẫn có thể duy trì cuộc sống ổn định bởi các đợt “chạy hàng lớn” vào những dịp lễ Tết.

Làm "lai rai" cầm chừng

Tuy nhiên, khoảng thời gian 2 năm trở lại đây, COVID-19 khiến làng nghề “lao đao” thất thu nặng nề. Sản lượng tiêu thụ các sản phẩm tâm linh giảm đi đáng kể do giãn cách xã hội kéo dài khiến nhiều hoạt động tín ngưỡng buộc phải tạm dừng, cũng như thu nhập người dân giảm.

Gia đình ông Chinh (55 tuổi) là hộ sản xuất có tiếng tại Phúc Am. Giữa làng nghề ai cũng làm mã, gia đình ông chuyên làm hình nộm các quan Tứ phủ. Dịch bệnh COVID-19 khiến ai nấy “hết việc làm”, ông cho hay: “Năm nay suy thoái kinh tế vì COVID-19, tất cả mọi thứ đều lắng lại, người ta cũng không còn tiền để cúng lễ nữa, tôi cũng không có việc luôn! Mới đây có một chút việc thôi, còn đâu từ giờ đến cuối năm “trắng”.

Các thợ nhà ông Chinh đang hoàn thiện mô hình để gửi kịp cho khách
Các thợ nhà ông Chinh đang hoàn thiện mô hình để gửi kịp cho khách

Dù làng nghề đang dần áp dụng máy móc vào sản xuất, gia đình ông Chinh vẫn kiên trì làm thủ công 100% mọi công đoạn. Mỗi hình nhân đều được xử lý từ đan nứa tạo khung, ghép thành hình, dán giấy, trang trí phụ kiện. Nếu làm hết công suất, một người chỉ làm được 2 hình nhân mỗi ngày. Sản phẩm có giá thị trường khoảng 400.000 đồng; nhà ông Chính chỉ lãi khoảng 150.000 đồng cho mỗi hình nhân.

Nhiều thợ làm nghề chia sẻ, thu nhập từ làm mã chỉ đủ trang trải cuộc sống. Sống ở làng, xây được nhà là do bán ruộng, bán đất. Chứ hiếm có gia đình nào giàu có từ nghề "kiếm tiền từ cõi âm" này.

Các sản phẩm nhà ông Chinh được làm thủ công 100%
Các sản phẩm nhà ông Chinh được làm thủ công 100%

Ở phía đầu làng là nhà chị Hương (30 tuổi), người bắt đầu làm mã từ thời con gái. Ban đầu, chị không định theo nghề truyền thống. Nhưng khi đôi mắt đổ bệnh, chị thôi việc tại xưởng may về làm mã - cái nghề mà theo chị là “chỉ làm cái này thì có mà chết đói”. Phần việc chị làm là đan khung, với chị: “Ngày làm cật lực có khi chỉ được 100.000 đồng, không làm nhanh được, có ngày chỉ được vài chục nghìn đồng. Một cái khung này bán ra chỉ được vài nghìn đồng.”

Chị Hương đan khung sản phẩm ngựa nhanh thoăn thoắt
Chị Hương đan khung sản phẩm ngựa nhanh thoăn thoắt

Dù thu nhập ít ỏi, nhiều hộ tại làng Phúc Am không thể bỏ nghề vì không còn đất ruộng. Khi dịch bệnh ập đến, công việc ít đi, người trong làng chỉ còn cách chủ động làm hàng trước để khi hết giãn cách sẽ tung ra thị trường, hy vọng kiếm được chút nào đó. Ngay cả những xưởng mã lớn nhất làng cũng không ngoại lệ.

Xưởng Hoa Báu nhà chị Hoa chuyên các loại mũ, mão để hầu đồng. Chỉ khi các bà đồng có lễ bái, xưởng mới “đánh” được hàng đi. Gần nửa năm dừng hoạt động do dịch, Chị Hoa kể: “Nhà tôi cũng làm thừa ra đấy, để khách gọi là có đưa đi cho khách luôn. Trước kia nhà tôi có khoảng 10 thợ, nhưng bây giờ chỉ còn 1 thợ vì công việc không còn nhiều. Thu nhập giảm đến 90%”.

Tại xưởng Hoa Báu, mặt hàng phổ biến nhất là mũ, mã cho các bà đồng
Tại xưởng Hoa Báu, mặt hàng phổ biến nhất là mũ, mã cho các bà đồng

Hậu giãn cách xã hội, xăng tăng giá kéo theo các chi phí khác “leo thang”. Thế nhưng các sản phẩm của làng mã vẫn phải giữ nguyên giá thị trường để đảm bảo tính cạnh tranh, các hộ gia đình chấp nhận “lãi ít hơn để sinh tồn”. Tại xưởng Hoa Báu, trước khi giá xăng lên cao, mỗi sản phẩm may mắn thì lãi được 40.000 đồng, nhưng bây giờ chỉ còn khoảng 20.000 đồng.

Loay hoay tìm hướng đi mới

So với các làng nghề khác tại Hà Nội, sản phẩm của Phúc Am khó có thể bán online. Đầu ra của hầu hết các sản phẩm trong làng là các mối làm ăn quen. Cũng vì thế, khi Hà Nội giãn cách xã hội, gia đình nào may mắn có “mối riêng” không ở vùng đỏ thì còn có cuộc sống ổn định hơn.

Chị Hường đang chuẩn bị tiền âm cho khách
Chị Hường đang chuẩn bị tiền âm cho khách

Đợt hàng lớn sắp tới của hàng mã là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, khi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều người ở Phúc Am chỉ biết tặc lưỡi vì “chưa bao giờ làng nghề ảm đạm như thế này”.

Trước một năm thất thu và tương lai vô định, ý định chuyển nghề cũng không “dễ tính” vì người làng “có bỏ nghề thì cũng không biết làm gì khác, ruộng đất đã bán hết để xây nhà”. Không ít hộ chia sẻ “chưa có dự định gì”, “đến đâu hay đến đó”, “người ta đặt thì mình làm thôi”. Nhiều người dân làng trong lúc lơ đãng tỏ lòng: “Chẳng biết là làm được đến bao giờ, nghề cũng đã mai một nhiều!”

Anh Phùng Quyết Thắng, Trưởng thôn Phúc Am cho hay: “Trên địa bàn của thôn có khoảng 180 hộ dân sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê. Do đó, ngành nghề làm hàng mã chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống kinh tế của bà con nơi đây.”

Ảnh Phùng Quyết Thắng - Trưởng thôn Phúc Am
Anh Phùng Quyết Thắng - Trưởng thôn Phúc Am

“Hiện các nhà có người trẻ, người ta có thể livestream, chụp ảnh đưa lên mạng xã hội nhưng rất hiếm và với quy mô nhỏ lẻ, rời rạc, tự phát. Chẳng hạn có sản phẩm đem đi giao cho khách, họ xếp lên xe, chụp hoặc quay rồi cập nhật trên trang cá nhân, ai có nhu cầu mình sẽ trao đổi thông qua số điện thoại.”, chị Ngô, chuyên kinh doanh mô hình linh vật, trải lòng về tình hình kinh doanh chung của làng hiện nay.

Các mô hình ngựa nhà chị Ngô vừa xong công đoạn bọc giấy
Các mô hình ngựa nhà chị Ngô vừa xong công đoạn bọc giấy

“Nghề gọi là nghề thủ công, nhưng bây giờ máy móc còn làm nhiều hơn cả tay. Bây giờ các phần việc phải cắt tỉ mẩn bằng tay đều có máy dập tạo hình nhanh hơn xưa nhiều.” - Anh Báu, chủ xưởng Hoa Báu tâm sự.

Phải chăng, khi có sự hỗ trợ của công nghệ, phần việc của người làm nghề càng ít hơn, nếu cứ tiếp tục làm việc như trong quá khứ mà không có sự cách tân, đổi mới?

Hà Thu - Minh Quân

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/