Tạo môi trường an toàn, văn minh để lao động nữ yên tâm cống hiến

Bài 1: Để lao động nữ được làm việc trong môi trường hạnh phúc

09:09 | 11/12/2021
TTTĐ - Những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp ngày càng tăng, nhất là lực lượng lao động nữ. Do đó, để tạo động lực cho người lao động yên tâm công tác, các đơn vị, doanh nghiệp không ngừng đẩy mạnh chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, đặc biệt là tạo môi trường lao động an toàn và văn minh.
Giải đáp những vấn đề thanh niên, người lao động quan tâm về Bảo hiểm thất nghiệp Bảo hiểm thất nghiệp - điểm tựa cho lao động trẻ Hà Nội: Tạo mọi điều kiện để người lao động yên tâm làm việc Quy định mới về chăm sóc sức khỏe đối với lao động nữ

Môi trường làm việc - yếu tố quan trọng giữ chân lao động nữ

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động, nhất là lao động nữ, do đó, hiện nay, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã “chạy đua” để thu hút người lao động. Một trong số những biện pháp hiệu quả nhằm giữ chân người lao động chính là môi trường làm việc an toàn, thân thiện.

Đã gắn bó với Công ty TNHH Daiwa Plastics Thăng Long (Khu Công nghiệp Thăng Long, Đông Anh, Hà Nội) gần chục năm nay, chưa khi nào chị Nguyễn Thị Quyên (thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) có ý định sẽ nghỉ việc để chuyển sang một môi trường làm việc mới. Lý do chị Quyên đưa ra là bởi công ty nơi chị làm việc ngoài chế độ đãi ngộ thì môi trường làm việc an toàn, văn minh chính là yếu tố khiến chị muốn gắn bó lâu dài.

“Công ty nơi tôi đang làm việc có hàng nghìn người lao động, mọi người đến từ mọi miền của Tổ quốc, trình độ chung của người lao động chủ yếu là học hết bậc trung học phổ thông, do đó việc ứng xử trong môi trường công việc khá văn minh, lịch sự.

Hiện tại, bộ phận của tôi có hơn 20 người cùng làm việc, mọi người đều hỗ trợ nhau hết mình trong công việc. Đối với chị em phụ nữ trong tổ luôn được công ty cũng như các bạn đồng nghiệp nam tạo mọi thuận lợi để được làm việc công bằng, bình đẳng”.

Bài 1: Để lao động nữ được làm việc trong môi trường hạnh phúc
Môi trường làm việc chính là yếu tố quan trọng để giữ chân lao động nữ

Cùng làm việc trong môi trường công ty, tiếp xúc với nhiều người lao động, tuy nhiên chị Nguyễn Thị Trang (quê ở Nghi Lộc, Nghệ An) lại không được may mắn khi phải chuyển công ty tới hai lần, nguyên nhân chính là môi trường làm việc không phù hợp và bị đồng nghiệp nam quấy rối tình dục.

Chia sẻ về môi trường làm việc của mình, chị Trang cho biết: “Học hết cấp ba, tôi ra Hà Nội xin vào một công ty để làm việc. Môi trường làm việc đông người, với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó có cả nam và nữ làm việc chung nên đôi khi không tránh được nguy cơ bị quấy rối tình dục.

Trước đó, hồi năm 2016, khi tôi còn làm việc tại công ty cũ, do tính chất công việc thường xuyên phải tăng ca và về muộn, là con gái, tuổi đời còn trẻ nên không ít lần tôi bị đồng nghiệp nam trêu ghẹo, thậm chí còn có những lời nói và hành động khiếm nhã. Tôi đã từng phản ánh tới cấp trên phụ trách tổ làm việc của tôi với hi vọng sẽ chấm dứt tình trạng bị làm phiền, tuy nhiên thứ tôi nhận được chỉ là sự im lặng.

Sau đó, vì lo sợ, tôi đã phải xin nghỉ việc tại công ty cũ và tìm kiếm việc làm tại một môi trường khác. May mắn thay, ở công ty mới, tôi được làm việc với những người đồng nghiệp văn minh, mọi người luôn sẵn lòng giúp đỡ nhau trong công việc và tôi đã gắn bó với công ty hiện tại được 5 năm. Tôi cũng hi vọng bản thân có thể làm việc tại đây lâu dài”, chị Trang tâm sự.

Tạo môi trường làm việc công bằng, bình đẳng

Có thể thấy, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để thu hút cũng như giữ chân người lao động. Thời gian qua, các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội không ngừng nỗ lực để đem lại môi trường làm việc an toàn, văn minh, lịch sự giúp người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng yên tâm công tác.

Hiện lao động nữ tại các đơn vị, doanh nghiệp nhất là những lĩnh vực có nhiều lao động nữ như may mặc, giày da... chiếm số lượng lớn. Đây là lực lượng lớn và gắn bó với phát triển của doanh nghiệp. Để đánh giá sự hài lòng trong công việc không chỉ riêng với nữ giới, công ty có các ban điều hành giữ gìn mối quan hệ lao động đó là Ban nữ công, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Qua đó, lao động nữ được bố trí công việc hợp lý. Đơn vị cũng tổ chức đối thoại định kỳ sáu tháng/lần và đối thoại đột xuất để kịp thời bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ.

Bài 1: Để lao động nữ được làm việc trong môi trường hạnh phúc
Các công ty, doanh nghiệp không ngừng nỗ lực để đem lại môi trường làm việc an toàn, văn minh, lịch sự giúp người lao động nói chung và lao động nữ nói riêng yên tâm công tác

Theo đánh giá của Ban Quản lý các khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, nhìn chung, những năm qua, đời sống của lao động nữ tại khu vực lao động này đã có sự tiến bộ hơn rất nhiều so với trước đây. Mức thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu sống của người phụ nữ. Tuy vậy, để nâng cao hơn nữa mức sống, nhất là đời sống tinh thần thì cần có sự vào cuộc đồng bộ và thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa từ các đơn vị liên quan.

Tại các công ty, doanh nghiệp, để lao động nữ làm việc hạnh phúc thì chủ doanh nghiệp, các cấp công đoàn, cần quan tâm đến nâng cao nhận thức cho lao động nữ, tạo điều kiện cho họ có môi trường học tập, nâng cao kiến thức kỹ năng trong công việc, chuyên môn và cả kỹ năng kiến thức trong tổ chức cuộc sống gia đình, đặc biệt là kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục...

Theo đó, tổ chức công đoàn cần tổ chức nhiều hoạt động chất lượng, có giá trị, trang bị những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng sống cho chị em phụ nữ. Hơn ai hết, chính bản thân lao động nữ phải ý thức đầu tư thời gian vào việc học tập, nâng cao nhận thức, chú ý chăm sóc bản thân, đời sống tinh thần, phải tự tạo niềm vui cho chính mình, làm cho mình luôn suy nghĩ tích cực, có năng lượng tích cực, để tạo ra môi trường sống an toàn hạnh phúc cho gia đình và nơi làm việc.

Trong bối cảnh của kinh tế tri thức hiện nay, việc hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ càng đem lại cho phụ nữ những cơ hội mới cùng những thách thức lớn hơn. Do đó, các ban, ngành cần nỗ lực thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, thúc đẩy nữ quyền và chống bạo lực gia đình, tham gia tích cực vào việc thực hiện các chương trình đột phá; Nghiên cứu điều kiện sống và làm việc của lao động nữ nói chung, lao động nữ nhập cư nói riêng và đề xuất giải pháp để lao động nữ có cuộc sống ổn định, yên tâm làm việc, học tập nâng cao trình độ để lao động đạt năng suất.

(Còn nữa)

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/