Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ tiềm năng và thế mạnh của địa phương

07:08 | 26/12/2021
TTTĐ - Sau 3 năm triển khai, chương trình OCOP tỉnh Lào Cai đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo còn 11,46%, thu nhập bình quân đầu người đạt 70,6 triệu đồng. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới 54/127 xã, tiêu chí nông thôn mới đạt 15 tiêu chí/xã.
49 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP năm 2021 Hà Nội khai trương điểm bán sản phẩm OCOP huyện Mê Linh Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP: Giúp các ý tưởng khởi nghiệp thành công Những yếu tố giúp người trẻ khởi nghiệp thành công với sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) luôn xác định, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng gắn liền với phát triển nông nghiệp, du lịch và lộ trình xây dựng Nông thôn mới.

Mới đây, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Lào Cai đã đồng ý chấp thuận 4 ý tưởng sản phẩm đủ điều kiện lập phương án sản xuất kinh doanh tham gia chương trình OCOP năm 2021 của huyện vùng cao Bắc Hà, đó là các sản phẩm: Cải xoăn Kale Bắc Hà; Quả mận sấy dẻo xã Tà Chải Bắc Hà; Tinh dầu quế Nậm Đét; Sản phẩm Cốm thôn Na Lo xã Tà Chải. Đây là bước khởi đầu hứa hẹn nhiều triển vọng cho OCOP Lào Cai.

Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Đây là tín hiệu vui, tích cực. Bắc Hà hứa hẹn sẽ sớm có thêm một số sản phẩm OCOP triển vọng trong năm 2021.

Việc lựa chọn đúng các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có tiềm năng lợi thế lớn, về lâu dài có thể mang tới lợi ích thiết thực nhất cho người dân. Hiện nay, chúng tôi đã và đang tích cực hỗ trợ các chủ thể, hợp tác xã từ khâu xây dựng ý tưởng sản phẩm đến việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý và xúc tiến thương mại. Đó cũng là nỗ lực rất lớn của huyện trong thực hiện chương trình OCOP thời gian qua.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ tiềm năng và thế mạnh của địa phương
Sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo của HTX Quang Tôm ở thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, Lào Cai

Bắc Hà chú trọng thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, trên cơ sở đi chắc tiến chắc. Có 1 thuận lợi là ngay từ rất sớm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã làm tốt công tác tư vấn, hỗ trợ, khuyến khích phát huy vai trò tích cực của các chủ thể quản lý, các hợp tác xã do nông dân làm chủ. Do vậy tính đến thời điểm này, tất cả 4 sản phẩm đăng kí OCOP 2021 của huyện đều đã hoàn tất hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, thẩm định.

Hợp tác xã Quang Tôm, thôn Na Pắc Ngam, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà nổi tiếng với sản phẩm OCOP mận tam hoa sấy dẻo. Giới thiệu về sản phẩm “quả mận tam hoa sấy dẻo”, chị Sải Thị Bích Huế, Chủ nhiệm Hợp tác xã cho biết: Hiện nhà xưởng của hợp tác xã rộng trên 100m2. Ý tưởng xây dựng thương hiệu mận tam hoa sấy dẻo được bắt nguồn từ khó khăn trong tiêu thụ quả mận tươi do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Do đó, tôi nghĩ tới việc sấy dẻo sản phẩm để bảo quản lâu dài hơn. May mắn là khi sản phẩm mận tam hoa sấy dẻo của hợp tác xã làm ra đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, ủng hộ.

Được phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà khuyến khích phát triển nâng tầm thành sản phẩm OCOP, HTX Quang Tôm quyết tâm xây dựng và khẳng định thương hiệu mận tam hoa của địa phương. Cùng với mận Tam Hoa, cải xoăn Kale, tinh dầu quế Nậm Đét và cốm Na Lo cũng đã và đang trên đà phát triển, nỗ lực khẳng định thương hiệu, hứa hẹn trở thành những sản phẩm OCOP như kỳ vọng.

Nỗ lực nâng cao số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP

Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lào Cai đã họp, đánh giá và phân hạng 22 sản phẩm OCOP mới đợt 2 năm 2021.

Theo đó, đã có 1 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh và 21 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Sản phẩm 4 sao là quả bưởi Múc của Hợp tác xã Bưởi Múc, xã Thái Niên.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ tiềm năng và thế mạnh của địa phương
Lào Cai từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP từ tiềm năng và thế mạnh của địa phương

21 sản phẩm 3 sao gồm: Phong Hải Danh Trà - Trà hoa Sen và Phong Hải Danh Trà - Trà hoa Nhài của Công ty Cổ phần Phong Hải Lào Cai; Quả nhãn Phong Niên của Hợp tác xã Minh Ngọc, xã Phong Niên; Chuối ngự An Tiến, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Sơn Hải; Lạp sườn, Thịt ba chỉ sấy của Hợp tác xã Chế biến thực phẩm sạch Gia Phú; Lê Nậm Pung của Tổ hợp tác Lê Nậm Pung; Chè Bát Tiên Hướng Tâm của Hợp tác xã Hướng Tâm, xã Mường Hum; Quả mận Tả Van Si Ma Cai, quả lê Si Ma Cai của Hợp tác xã Mản Thẩn;

Trứng vịt Sín Chéng của Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Si Ma Cai; Cốm Na Lo của Cốm Na Lo xã Tà Chải; Mận Tam hoa sấy dẻo của Hợp tác xã Quang Tom, xã Tà Chải; Cải Kale Bắc Hà, Hợp tác xã Lùng Phình; Khẩu nhục Mường Khương, ruốc lợn bản Mường Khương, thịt lợn bản Mường Khương của Hợp tác xã Sơn Hòa, xã Bản Lầu; Tinh dầu quế Nậm Đét, Hợp tác xã Quế hữu cơ Nậm Đét; Tinh dầu Đại từ bi, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Thế Tuấn, xã Chiềng Ken; Tấm trải trang trí thổ cẩm, Bộ trang trí bàn ăn thổ cẩm của Công ty TNHH TMTH Lan Rừng.

Như vậy, tính đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã có 123 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó thị xã Sa Pa có 32 sản phẩm, thành phố Lào Cai có 5 sản phẩm, huyện Bát Xát 8 sản phẩm, huyện Mường Khương 13 sản phẩm, huyện Bắc Hà 8 sản phẩm, huyện Bảo Thắng 27 sản phẩm, huyện Bảo Yên 11 sản phẩm, huyện Văn Bàn 15 sản phẩm và huyện Si Ma Cai 4 sản phẩm. Trong tổng số sản phẩm có 24 sản phẩm đạt 4 sao và 99 sản phẩm đạt 3 sao.

Thời gian tới, Lào Cai sẽ tiếp tục mở rộng các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Liên doanh liên kết doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm... để hiệu quả kinh tế mang lại ngày càng thiết thực. Đồng thời, tỉnh cũng lan tỏa sâu rộng chương trình OCOP tới các địa phương, đóng góp thiết thực hơn nữa vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng Nông thôn mới tại địa phương.

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương

Khắc Nam

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/