Gói truyền thống trong chiếc bánh chưng ngày Tết

17:43 | 30/01/2022
TTTĐ - Có lẽ, sẽ chẳng có cảm giác nào ấm áp hơn khi được cùng gia đình gói những chiếc bánh chưng, quây quần bên bếp lửa hồng trong tiết trời giá lạnh của những ngày giáp Tết.
Gói bánh chưng ngày Tết - nét đẹp truyền thống của người Việt Rộn ràng không khí Tết trên khắp các miền quê Việt Nam Tết nghĩa tình nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 Dân mạng thi nhau khoe ảnh gói bánh chưng “bé xíu" đón Tết

“Bên ngoài xanh lá dong xanh.

Bên trong nếp mỡ, đỗ hành hạt tiêu

Gói nghĩa tình, gói yêu thương

Dẻo thơm từ thuở Lang Liêu tới giờ”.

Đối với nhiều người, niềm vui trong những ngày giáp Tết đơn giản chỉ là cả gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị gói bánh. Đó là cảm giác yêu thương ấm áp giữa tiết trời se lạnh của tháng Chạp, là sự đoàn viên của con cháu, trở về với ông bà, cha mẹ sau một năm dài bận rộn với công việc, học tập.

Gói truyền thống trong chiếc bánh chưng ngày Tết
Bánh chưng - hồn cốt trong cái Tết của người Việt

Gói bánh chưng ngày Tết từ bao đời nay đã trở thành một nét đẹp văn hoá trong đời sống của người Việt. Đối với nhiều gia đình, gói bánh chưng là dịp để các thành viên tụ họp, sum vầy bên nhau; Thế hệ ông bà cha mẹ được ôn lại những kỉ niệm xưa cũ; Còn đối với thế hệ trẻ, đây là dịp để nhắc nhở về một truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi khi Tết đến Xuân về.

Gia đình chị Đặng Thị Thanh Nhàn (ở Lĩnh Nam, Hà Nội) là một trong những gia đình đã có truyền thống gói bánh chưng qua nhiều thế hệ. Chị chia sẻ: “Việc gói bánh chưng được gia đình duy trì qua nhiều đời từ thời bà ngoại. Tính đến bây giờ, tôi cũng gói bánh được gần 30 cái Tết rồi”.

Đôi bàn tay với kinh nghiệm 30 năm gói bánh chưng của chị Nhàn
Đôi bàn tay với kinh nghiệm 30 năm gói bánh chưng của chị Nhàn

Với nhiều năm kinh nghiệm gói bánh chưng, chị Nhàn chia sẻ bí quyết để có được những chiếc bánh chưng ngon: Thịt ba chỉ được ướp cẩn thận với tiêu và một chút gia vị, đỗ xanh được đồ chín giã nhuyễn cùng tiêu cho dậy mùi. Điều đặc biệt nhất trong chiếc bánh của gia đình chị Nhàn là gạo nếp cái hoa vàng được trộn với nước lá riềng để tạo màu xanh tự nhiên và tạo mùi thơm đặc trưng khi bánh chín.

Cầu kỳ trong từng công đoạn chuẩn bị
Cầu kỳ trong từng công đoạn chuẩn bị
Gói truyền thống trong chiếc bánh chưng ngày Tết
Những chiếc bánh được gói chẳng cần khuôn
Những chiếc bánh được gói chẳng cần khuôn

Việc gói bánh chưng những ngày giáp Tết đối với chị Nhàn và gia đình còn là dịp để gợi nhắc con cháu về một nét đẹp văn hóa trong dịp Tết Cổ truyền của dân tộc. Giờ có thể chạy ra chợ mua đôi bánh chưng sẵn về, vẫn đầy đủ các thủ tục ngày Tết, nhưng thế hệ trẻ sẽ chẳng bao giờ biết được cảm giác ấm áp, nhộn nhịp khi cả nhà cùng nhau ngồi gói bánh chưng, niềm háo hức khi ngồi canh bánh chưng đêm bên chiếc bếp lửa bập bùng mà không lo người lớn giục đi ngủ sớm.

Minh Sơn (con trai thứ hai của chị Nhàn) háo hức: “Năm nay mẹ giao cho em nhiệm vụ lau lá dong, còn các anh thì rửa lá, giã đỗ. Làm cùng các anh vừa làm vừa chơi, em chả thấy mệt tí nào cả.”
Minh Sơn (con trai thứ hai của chị Nhàn) háo hức: “Năm nay mẹ giao cho em nhiệm vụ lau lá dong, còn các anh thì rửa lá, giã đỗ. Làm cùng các anh vừa làm vừa chơi, em chả thấy mệt tí nào cả”
 Cả gia đình quây quần gói bánh chưng
Cả gia đình quây quần gói bánh chưng
“Mỗi năm em đều mong chờ đến ngày mẹ gói bánh chưng, vừa giúp mẹ mà cả mấy đứa bọn em đều được tham gia tự tay gói những chiếc bánh chưng của riêng mình. Buổi tối lại còn được cùng nhau ngồi trông bánh chưng, nướng ngô nướng thịt vui lắm.” - Hải Minh (con trai lớn chị Nhàn) chia sẻ về trải nghiệm của mình.
“Mỗi năm em đều mong chờ đến ngày mẹ gói bánh chưng, vừa giúp mẹ mà cả mấy đứa bọn em đều được tham gia tự tay gói những chiếc bánh chưng của riêng mình. Buổi tối lại còn được cùng nhau ngồi trông bánh chưng, nướng ngô nướng thịt vui lắm” - Hải Minh (con trai lớn chị Nhàn) chia sẻ về trải nghiệm của mình.

Để tránh tâm lý buồn chán do dịch bệnh và những ngày nghỉ Tết chỉ “làm bạn” với chiếc smartphone, chị Nhàn tổ chức cho các con, các cháu cùng gói bánh chưng với gia đình, tận hưởng không khí Tết đúng nghĩa, hiểu được ý nghĩa và giá trị của truyền thống lâu đời mà ông bà để lại.

Bánh chưng vuông
Bánh chưng vuông

Bánh chưng giờ không hiếm, cũng chẳng gây thèm thuồng cho trẻ con nhưng cái không khí được tụ họp cùng nhau, tự tay chuẩn bị từng khâu một, gói những chiếc bánh có thể chưa đẹp nhưng đó là thành quả đáng trân trọng và là những khoảnh khắc ý nghĩa không thể tìm thấy ở đâu khác.

Giữa tiết trời se lạnh của tháng Chạp nhưng khung cảnh sum vầy vẫn khiến mỗi thành viên trong gia đình thấy ấm áp lạ thường và cảm nhận cái Tết đang đến rất gần. Mùi lá dong, ánh lửa bập bùng, không khí rôm rả khi cả nhà cùng quây quần trông nồi bánh chưng là không có gì thay thế được.

Đó là khi Tết đúng nhất với ý nghĩa cổ truyền!

Quỳnh Anh - Linh Chi - Minh Trang

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/