Đề xuất người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, từ thiện

11:00 | 27/05/2022
TTTĐ - Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trình Quốc hội quy định người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp.
Hướng tới mục tiêu phúc lợi của người lao động ngày càng tốt hơn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

Sáng nay (27/5), thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trước Quốc hội.

Đề nghị quy định nội dung, cách thức thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp

Bộ trưởng Nội vụ cho biết, dự thảo Luật có một số điểm mới. Về thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn, dự thảo Luật mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; Bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình UBND cấp xã ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng hoặc quyết định hành chính có nội dung xác lập nghĩa vụ, làm chấm dứt, hạn chế quyền, lợi ích của đối tượng thi hành…

Về thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị, bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, bổ sung nội dung người lao động được quyết định mức đóng các loại quỹ xã hội, quỹ từ thiện tại doanh nghiệp; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động kiểm tra và người lao động giám sát…

Về trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, quy định kết quả thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Liên quan vấn đề Thanh tra Nhân dân, Chính phủ đề nghị bổ sung chế định Thanh tra Nhân dân (hiện đang điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sang quy định tại dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo hướng kế thừa hầu hết các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra năm 2010 về Thanh tra Nhân dân để quy định tại dự thảo Luật; Sửa đổi quy định về số lượng thành viên Ban Thanh tra Nhân dân cấp xã tương ứng số lượng thôn, tổ dân phố trên địa bàn cấp xã nhưng không ít hơn 5 người.

Bộ trưởng Nội vụ cũng cho biết, trong quá trình xây dựng, trình dự án Luật, còn có ý kiến khác nhau liên quan đến việc quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp trong dự án Luật này, Chính phủ báo cáo và xin ý kiến Quốc hội.

Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị dự án Luật quy định một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp, trong đó quy định một số đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Chính phủ thống nhất với loại ý kiến thứ nhất. Trên cơ sở đó, dự thảo Luật quy định một chương (Chương IV) về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp, trong đó quy định chung về công khai thông tin tại doanh nghiệp, về người lao động tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát trong mọi loại hình doanh nghiệp…

Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật để quy định việc thực hiện dân chủ cơ sở đối với 3 loại hình cơ sở chính.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Việc luật quy định sâu hơn về thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước sẽ tạo cơ chế để người lao động tại doanh nghiệp thực hiện quyền làm chủ; Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong hoạt động của doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư của Nhà nước, kiểm soát tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Ủy ban Pháp luật đề nghị trong dự thảo Luật cần bổ sung, làm rõ các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát của người dân; Nội dung kiểm tra, giám sát; hiệu lực của kiến nghị sau kiểm tra, giám sát và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân.

Dự thảo Luật làm rõ vai trò, trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc “làm nòng cốt” để người dân thực hiện các quyền dân chủ ở cơ sở và cơ chế thực hiện để thể chế hóa chủ trương của Đảng.

Mở rộng, phát huy dân chủ phải đi đôi với tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội; Xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm quyền làm chủ của Nhân dân.

Anh Đức

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/