Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội

Khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Thủ đô

17:27 | 15/06/2022
TTTĐ - Trong hành trình xây dựng và phát triển, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng, góp phần đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến gần hơn với người dân, trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô.
Phát huy vai trò Nhân dân tham gia xây dựng thực hiện chính sách an sinh xã hội Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ lợi ích của người lao động Tăng cường chính sách an sinh xã hội nhằm xóa bỏ lao động trẻ em Lợi ích thiết thực của việc hưởng lương hưu khi tham gia BHXH Làm sao để đảm bảo an toàn tài chính, an sinh xã hội cho lao động khi về già?

Không ngừng phát triển lớn mạnh

BHXH thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 15/QĐ-TCCB ngày 15/6/1995 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Đến tháng 1/2003, BHXH thành phố Hà Nội tiếp nhận toàn bộ chức năng, nhiệm vụ thực hiện chính sách BHYT. Từ ngày 1/8/2008 đến nay, BHXH Hà Nội được thành lập và điều chỉnh mở rộng theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khóa XII về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

Trải qua 27 năm hình thành và phát triển (15/6/1995 - 15/6/2022), ngành BHXH Hà Nội ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Chỉ cần nhìn lại những con số đạt được từ năm 1995 đến nay cũng đủ thấy rõ sự lớn mạnh của ngành BHXH Thủ đô.

Giám đốc BHXH Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết: Vượt qua không ít khó khăn, đội ngũ cán bộ, viên chức ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng trung tâm để phục vụ. Nhờ đó, ngành đã thu được những “trái ngọt” an sinh.

Khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Thủ đô
Bảo hiểm xã hội Hà Nội không ngừng nỗ lực phấn đấu để trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô

Trong hành trình xây dựng và phát triển, đội ngũ công chức viên chức, người lao động của BHXH thành phố Hà Nội không ngừng nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn; Đổi mới, sáng tạo và phối hợp cùng các ngành, các địa phương thực hiện hiệu quả chính sách BHXH, BHYT, góp phần đảm đảm bảo an sinh xã hội Thủ đô.

Đặc biệt, trong hơn 2 năm gần đây, dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân nhưng bằng các giải pháp sáng tạo, linh hoạt, BHXH Hà Nội vẫn vững vàng vượt qua và đạt kết quả khả quan trong công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Thống kê của ngành BHXH Hà Nội cho thấy, hiện nay, toàn thành phố có hơn 3,7 triệu người tham gia BHXH. Trong đó, số người tham gia BHXH tự nguyện đã có sự tăng trưởng vượt bậc. Chính sách BHXH tự nguyện hướng tới người nông dân, lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước đi vào đời sống.

Tính đến 25/5/2022, số người tham gia BHXH tự nguyện 61.184 người, tăng 20,64% tương đương tăng 10.467 người so với cùng kỳ năm 2021; Chiếm 1,25% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Số người tham gia BHXH bắt buộc là 1.872.920 người, tăng 3,95% tương đương tăng 71.119 người so với cùng kỳ năm 2021. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 1.807.820 người, tăng 4,07% tương đương tăng 70.784 người so với cùng kỳ năm 2021; Chiếm 37,06% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Đây là những con số rất ấn tượng nếu so sánh với năm 1995 - năm đầu thành lập BHXH thành phố Hà Nội, Hà Nội mới có 552.308 người được cấp thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 13,9% dân số.

Cũng trong 27 năm qua, Hà Nội có hàng trăm triệu lượt người đi khám chữa bệnh BHYT với tổng chi phí do quỹ BHYT chi trả lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đã có hàng nghìn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo (ung thư, tim mạch, bệnh mạn tính) có chi phí điều trị lớn đã được cơ quan BHXH thanh toán đầy đủ, đúng quy định.

Đáng chú ý, Hà Nội có số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng lớn nhất nước. Đối tượng hưởng chính sách rất đa dạng, trong đó có nhiều cán bộ trung, cao cấp trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, nhiều cán bộ lão thành cách mạng, người có công… nhưng công tác chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH luôn đảm bảo kịp thời, đầy đủ, đúng quy định.

Năm 1995, Hà Nội giải quyết và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng cho 224.348 người với số tiền 592 tỷ đồng; Đến năm 2019 tăng lên 556.320 người với 31.483 tỷ đồng và năm 2021 là 573.549 người hưởng với 33.611 tỷ đồng.

Phấn đấu trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô

Những kết quả đạt được về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Hà Nội trong 27 năm qua là minh chứng rõ nhất về sự phát triển ngày càng vững chắc của ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô.

Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phát triển sâu, rộng không dễ thực hiện. Trong đó, nổi lên là việc mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội tự nguyện vẫn gặp nhiều khó khăn.

Khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội Thủ đô
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội

Kiên trì mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, thành phố Hà Nội phấn đấu đến cuối năm 2025 có khoảng 47% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, 3% tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, ngành sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chức năng, địa phương chú trọng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ, lấy đây làm khâu đột phá, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, chất lượng phục vụ đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách…

Cùng với đó là ưu tiên nguồn lực để triển khai các hoạt động chuyển đổi số; Thực hiện tốt việc liên thông các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Dịch vụ trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các sở, ngành liên quan...

Đặc biệt, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được quản lý theo hướng hiện đại, thân thiện, giúp các đơn vị, doanh nghiệp và người dân tiếp cận nhanh chóng, thuận tiện các dịch vụ.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng chủ động phối hợp với các bên liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, nhất là đối với hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi bảo hiểm xã hội; Đôn đốc doanh nghiệp, người lao động, người dân đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đúng thời gian…

Với những mục tiêu đã đề ra, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức viên chức, người lao động của toàn ngành, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ ngày càng phát triển, trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội của Thủ đô.

THANH TÙNG

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/