Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi

09:00 | 21/06/2022
TTTĐ - Những chuyến công tác miền núi luôn đọng lại trong tôi nhiều kỷ niệm đặc biệt. Bởi lẽ, đến với đồng bào vùng cao, thấy cuộc sống còn khó khăn cũng như ý chí khắc phục hoàn cảnh, vươn lên của họ, tôi lại thấy mình cần phải viết nhiều hơn nữa để mong góp được chút gì đó nhằm thay đổi cuộc sống ấy.
"Nhật kí những chuyến đi" - cuốn tự truyện xúc động của diễn viên Angelina Jolie Nghề báo và trải nghiệm từ những chuyến đi không mỏi

Nhỏ bé vô cùng trước sự nổi giận của thiên nhiên

Đó là vào những ngày đầu tháng 3 năm 2020, tôi thu xếp công việc để đến Sơn La, vùng đất thuộc Tây Bắc của đất nước. Nơi đây đã hứng chịu nhiều đợt thiên tai kinh hoàng, đặc biệt là trận lũ lịch sử 70 năm mới có một lần vào rạng sáng 3/8/2017.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
Nhà báo Trần Thanh Hậu trong chuyến đi tác nghiệp tại xã Nặm Păm (Mường La, Sơn La)

Dù biết đã trước hậu quả tang thương của trận lũ ấy, đến nơi tôi vẫn không khỏi bàng hoàng. Gần 3 năm trôi qua, dù làng bản đã hồi sinh rất nhiều nhưng dấu tích của trận lũ vẫn còn lại đó như một minh chứng hùng hồn cho sự nổi giận lôi đình của thiên nhiên.

So với những đèo dốc từ đầu huyện Mường La vào thị trấn Ít Ong, bản Hua Nặm (xã Nặm Păm) nằm ở nơi tương đối bằng phẳng và thấp. Cánh đồng nhỏ sát bên suối Nặm Păm mang đến những mảng màu đối lập.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
Nhà báo Thanh Hậu tác nghiệp trong chuyến công tác đến vùng cao Sơn La

Mạ xanh non nay vẫn tiếp tục được cấy trên những thửa ruộng. Trong khi đó, ranh giới giữa các thửa ruộng chính là hàng triệu hòn đá sót lại, dấu tích của trận lũ kinh hoàng khiến Mường La bị chết 30 người trong đó 10 người thuộc xã Nặm Păm, thiệt hại hơn 705 tỷ đồng.

Sau khi lấy tư liệu từ đồng chí Nguyễn Văn Bắc (Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La) và những người dân, tôi đi xuống phía lòng suối. Những hòn đá cục, đá tảng đâm, va vào chân đau nhói. Tôi đứng giữa cánh đồng đá ấy mà nhìn ra xung quanh và suy ngẫm. Cả một khoảng mênh mông trước mặt cơ man nào là đá, sỏi. “Trận địa” sau khi cơn lũ đi qua đã được chính quyền huy động máy xúc, máy ủi san lấp bớt cùng sức người bền bỉ, nhẫn nại dọn hết đá để lấy chỗ cấy lúa, tiếp tục sinh sống.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi

Sau đó, đá được xếp thành bờ ruộng; Đá được chất thành tường bao. Những viên đá đủ hình dạng cuốn theo dòng lũ trôi nhà, đổ cây, sập cầu kia giờ ở lại cùng người dân. Người cấy lúa cứ cấy, người dọn đá vẫn tiếp tục dọn… Con suối Nặm Păm hiền hòa chảy mãi phía xa xa mang nước và sự sống cho người dân đã tái thiết, di vén lên cao.

“Trong cái rủi có cái may”, sau trận lũ quét năm ấy, không còn biết đâu là ranh giới ruộng nhà nào. Đất đá ngổn ngang, các máy san gạt đã làm phẳng và ruộng được chia lại. Ruộng thẳng như hiện nay không bị cắt xẻ, lồi lõm như trước vừa tiện cho việc sử dụng máy móc cày bừa lại tăng năng suất, dễ thu hoạch hơn.

Con đường từ bản Hua Nặm vào bản Hốc gập ghềnh lổn nhổn sỏi đá ngày nay là cả một nỗ lực phi thường của chính quyền tỉnh Sơn La cũng như huyện Mường La. Biết bao con người ngày đêm bạt núi, mở một con đường mới để có thể đưa hàng hóa cứu trợ vào các xã bên trong do đường cũ bên ruộng đã bị bùn đất sạt lở chiếm trọn.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
Nhà báo Thanh Hậu đi thăm quan thực tế mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi, phát triển nông nghiệp

Mới hơn hai năm từ ngày cơn lũ qua đi, người dân Hua Nặm, bản Hốc đã lấy lại nhịp sống xưa kia. Cây ăn trái bắt đầu vươn cao, bên tường rào, các loài hoa vẫn nở. Trẻ con vui đùa bên những con vật thân thuộc đợi bố mẹ đi làm về. Điều đó cho thấy công sức con người bỏ ra cùng sự chung sức, đồng lòng thì mọi khó khăn, vất vả đều được đền đáp xứng đáng.

Thế mới biết, sự nổi giận của thiên nhiên khủng khiếp đến mức nào. Mẹ thiên nhiên vô cùng bao dung, dang rộng vòng tay che chở, cho chúng ta sự sống nhưng cũng sẵn sàng trừng phạt những đứa con hư, trừng phạt sự vô trách nhiệm, bất kính, tàn phá tự nhiên của con người. Con người nhỏ bé biết bao trước thiên nhiên. Hãy thuận theo tự nhiên để sống, đó mới là cách để chúng ta tồn tại trên thế giới này.

Khơi lên những niềm hy vọng

Tháng 3 hoa mận, hoa đào vẫn còn rải rác đường vào Bản Muông (xã Chiềng Ngần, Sơn La). Người dân đã được di vén, tái định cư trên những điểm cao sau các trận lũ lụt, tập trung đất cho sản xuất nhiều hơn.

Khi tôi đến, Sơn La mới ẩm đất sau trận mưa đầu mùa đầy mong đợi. Nhiều vạt đồi trơ màu đất nâu đỏ. Cây cà phê bị sương muối cuối năm 2019 được chặt sát gốc đang nhú mầm trở lại. Có những đồi cà phê trồng xen lẫn với mận còn nguyên cây chết khô người dân chưa kịp đốn.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi

Trước mắt tôi, cô gái Bùi Thị Loan (sinh năm 1995) đang vơ nốt những cành cà phê khô đốt cháy làm tro bón đất. Mỗi lần gió thổi qua, ngọn lửa bùng lên, làn khói trắng càng làm gương mặt non nớt nhưng sớm phải lo toan nhăn lại.

Bùi Thị Loan mới lập gia đình. Chiếc áo đồng phục học sinh choàng trên người che nắng cho vóc dáng nhỏ bé. Nương cà phê của cô mới trồng được mấy năm. Năm 2017 gặp sương muối, Loan đã phải đốn gốc một lần. Năm 2019, cây chuẩn bị đến lúc trổ hoa nhiều thì lại tiếp tục bị sương muối hai đêm, phải chặt lần nữa để cứu gốc.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
Nhà báo Thanh Hậu cùng đồng nghiệp chụp ảnh kỉ niệm trong 1 chuyến công tác

Loan bảo, năm 2019, trên nhiều mảnh nương cà phê của cả nhà trồng còn vớt vát được một chút, bán được 70 - 80 triệu đồng. Năm 2020 với mảnh nương này hy vọng ra nhiều quả nhất, dự kiến thu về khoảng 100 triệu đồng thì đã mất hết rồi.

Số tiền tỉnh hỗ trợ cho 1,2ha cà phê bị thiệt hại sương muối là 4 triệu đồng Loan đã mang trả bớt tiền phân bón, thuốc men cắm quán lãi suất cao nhưng vẫn không đủ. Chỗ nợ đọng lại chờ mùa sau may ra có thu hoạch thì trả tiếp.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
Với những đóng góp của mình, nhà báo Thanh Hậu nhận được bằng khen của Tổng cục phòng chống thiên tai trong Lễ trao tặng danh hiệu thi đua khen thưởng cấp Bộ

Nhiều bạn bè đã bỏ đi làm thuê nhưng Loan nói, nhiều đời gia đình đã gắn bó với ruộng nương, cô vẫn muốn trồng cấy trên nương đất nhà mình. Điều này khiến tôi vô cùng khâm phục nghị lực, quyết tâm của cô gái trẻ rời khỏi ghế nhà trường chưa lâu, dù không được học hành nhiều nhưng vẫn yêu thương, bám trụ mảnh đất quê mình.

Tâm sự với tôi về ý định dịch chuyển sang trồng cây có múi như bưởi da xanh, bưởi ghép vì lá loại cây này có tinh dầu, đỡ bị sương muối táp hơn, giá thành lại bán được hơn những loại cây khác, gương mặt Loan tràn trề hy vọng nhưng rồi lại mau chóng đượm suy tư.

Thôi thúc truyền cảm hứng từ những chuyến đi
"Những trải nghiệm thực tế từ mỗi chuyến đi thôi thúc tôi cần phải đi nhiều hơn, viết nhiều hơn nữa để những tấm gương đầy nghị lực được đông đảo độc giả biết đến, truyền thêm cảm hứng cho họ về cuộc sống" - nhà báo Thanh Hậu chia sẻ.

Muốn như vậy nhưng thực hiện thì chắc sẽ còn nhiều khó khăn vì quan niệm, thói quen khó bỏ của người già ở vùng đất này. Chia tay Loan, nhìn dáng hay lam hay làm của hai vợ chồng, nhìn những cây mận xanh mướt hứa hẹn mùa quả trĩu cành, tôi dấy lên trong lòng niềm tin tưởng rằng, với tuổi trẻ, tình yêu đất đai quê hương, rồi đây chính những người như Loan sẽ tìm ra những cách để thay đổi và làm giàu tại nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Chính sự hồi sinh, ý chí, niềm ham sống và làm giàu trên quê hương mình của người dân xã Nặm Păm, những người như Loan đã tiếp sức cho tôi trên chặng đường tác nghiệp và cả chặng đường đời của mình. Dù khó khăn đến đâu, chỉ cần chúng ta có niềm tin và nghị lực thì nhất định sẽ vượt qua. Điều đó cũng thôi thúc tôi cần phải đi nhiều hơn, viết nhiều hơn nữa để những tấm gương đầy nghị lực này được đông đảo độc giả biết đến, truyền thêm cảm hứng cho họ về cuộc sống. Đồng thời, thông qua những bài viết này, chính quyền sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân để họ có thêm phương tiện, nguồn vốn cải thiện cuộc sống

Trần Thanh Hậu

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/