Nếp sống gia đình Hà Nội - nơi giữ gìn và trao truyền văn hóa ứng xử

15:00 | 28/06/2022
TTTĐ - Gia đình chính là nơi ta sinh ra, cùng ta lớn lên, trải qua phần lớn thời gian trong ngày và trong cuộc đời, vì thế gia đình cũng là một môi trường đào tạo những hành vi ứng xử tốt nhất, liên tục và bền vững nhất. Nếu mỗi gia đình đều chú trọng đến ứng xử văn hóa cho các cá nhân thì cả cộng đồng sẽ tự khắc trở thành cộng đồng văn hóa. Tiếp nối và phát huy những giá trị văn hóa ứng xử mà người Hà Nội đã tạo lập, giữ gìn nhiều năm qua, ngày nay, mỗi gia đình của Thủ đô càng ý thức sâu sắc điều này. Có như vậy, mỗi tổ ấm của đất ngàn năm văn hiến sẽ tạo nên nét đặc trưng riêng biệt, cũng là một “đặc sản” của Hà Nội.
Giữ vững truyền thống gia đình trong dòng chảy hiện đại

Những bài học thường xuyên, liên tục

Vai trò to lớn của gia đình trong việc xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch còn thể hiện ở chỗ sẽ thường xuyên, liên tục nhắc nhở mỗi thành viên thực hành lối ứng xử tốt. Không chỉ là nơi đầu tiên dạy dỗ ta những bài học ứng xử, gia đình cũng là nơi đưa bộ quy tắc ứng xử vào một cách hiệu quả nhất.

Bằng tình cảm, bằng những bài học rất nhẹ nhàng và tự nhiên thông qua từng tình huống cụ thể mỗi ngày, ông bà cha mẹ có thể hướng dẫn con cái làm theo. Ngược lại, con cháu cũng có thể nhanh nhạy, thức thời hơn khi được cập nhật thông tin về bộ quy tắc này sẽ về phổ biến lại cho cha mẹ, ông bà và người thân để cùng điều chỉnh hành vi cho phù hợp.

Thiết nghĩ, các bà mẹ trẻ ở Hà Nội hiện nay, thay vì lùng sục khắp các nơi, tìm các phương pháp nuôi dạy con thì nên chú trọng dạy con về lối ứng xử văn hóa theo chuẩn mực chung của xã hội Việt Nam đã có từ ngàn đời xưa và tích hợp văn hóa hiện đại của ngày nay.

Được sự giáp dục thường xuyên từ gia đình, mỗi người  sẽ được thấm đẫm bầu không khí của văn hóa ứng xử  (Ảnh minh họa)
Được sự giáp dục thường xuyên từ gia đình, mỗi người sẽ được thấm đẫm bầu không khí của văn hóa ứng xử (Ảnh minh họa)

Dạy con phát triển tư duy, trí óc sáng tạo, kĩ năng sống thành thạo là điều rất tốt. Độc lập, tự chủ không ỷ lại theo lối sống phương Tây cũng rất tốt nhưng có lẽ đó thiên hướng về phần thể chất và trí óc. Không có một người nào sống trong cộng đồng, trong xã hội, thành một người có ích, được nhiều người yêu mến mà lại thiếu đi nét văn hóa trong con người mình. Vì thế, trang bị những kĩ năng ứng xử tốt chính là để chuẩn bị cho mỗi người có một hành trang sống tốt.

Bên cạnh đó, từ mỗi gia đình khi đã nhận thức được tầm quan trọng của bộ quy tắc ứng xử, họ thực hiện theo đó và sẽ tạo nên hiệu ứng tích cực với cụm dân cư, lan tỏa tới hàng xóm láng giềng, tạo nên một cộng đồng ứng xử văn hóa. Mỗi thành viên trong gia đình, khi học tập, làm việc tại những môi trường cụ thể sẽ lại góp phần lan tỏa những nhận thức và ý thức thực hiện bộ quy tắc ứng xử đó đến bạn bè, đồng nghiệp.

Gieo hạt giống tốt, gặt cả mùa xanh

Những việc làm tốt, những lề lối ứng xử văn hóa không phải chỉ dạy “suông” mà thành công. Trong mỗi gia đình, ông bà bố mẹ phải chỉ bảo hàng ngày thông qua từng hành động, cách đối nhân xử thế cụ thể của mình thì con cháu mới “thấm” và tạo thành nếp nhà, nết người.

Các nhà giáo dục “tiết lộ” rằng những đứa trẻ con ở trong nhà chính là những chiếc camera ghi lại tất cả hành động, lời nói của cha mẹ, ông bà. Không chỉ vậy nó còn lặp lại những việc làm ấy vì cho rằng đó là chuẩn mực về cư xử. Với trẻ con, người lớn đều đúng. Vì thế, với trẻ con người lớn phải luôn luôn làm gương, nói đi đôi với làm. Có nghĩa rằng không thể ông bà, bố mẹ cứ ra rả nói với con phải ứng xử văn hóa khi bản thân mình không thể hiện được mình là người văn hóa.

Nếu ông bà không đổ rác đúng nơi, đúng giờ, bạ lúc nào cũng mang rác ra ngõ vứt lung tung thì có nói vạn lần các cháu cũng chẳng thấy lời nói có trọng lượng. Nếu bố mẹ đưa con đi chùa mà ăn mặc không nghiêm chỉnh, thái độ không thành kính, cầu khấn những điều lợi mình hại người thì không thể mong con làm khác những điều mình đã “phô diễn” trước mặt con.

Hành động đẹp, ứng xử đẹp đều phải xuất phát từ suy nghĩ đẹp. Suy nghĩ đẹp không thể “nhồi” vào một sớm một chiều mà phải được “tôi luyện” qua cả quá trình hình thành và phát triển của nhân cách. Điều đó được quyết định đầu tiên bởi yếu tố gia đình. Cứ liên tục từ năm này qua năm khác, mỗi một thời điểm chỉ cần vài hành động đẹp của người lớn sẽ gieo vào lòng con trẻ những suy nghĩ tích cực và hình dung một cách đầy đủ, cụ thể nhất về ứng xử đẹp.

Những bài học ứng xử cần được lặp đi lặp lại mà không đâu giáo dục ứng xử tốt hơn ở gia đình (Ảnh minh họa)
Những bài học ứng xử cần được lặp đi lặp lại mà không đâu giáo dục ứng xử tốt hơn ở gia đình (Ảnh minh họa)

Bởi vậy, mỗi gia đình hãy phát huy hơn nữa vai trò tích cực của mình trong việc thay đổi những hành vi xấu, ứng xử xấu trong hiện tại và tạo nên những lứa công dân mới văn minh, thanh lịch hơn trong tương lai.

Trong cuộc sống, nhất là ứng xử giữa người với người không phải cứ một là một, hai là hai. Nhiều khi ứng xử đẹp lại là sự linh hoạt, hài hòa sao cho mọi người đều đẹp lòng. Dù làm bất cứ điều gì, khi ta biết lấy chuẩn mực và lợi ích chung của cộng đồng đặt lên trước hết, giảm bớt tư lợi cá nhân thì chắc chắn những hành động đó sẽ khiến mọi người cảm phục.

Làm được tất cả những điều đó chính là mỗi người đang tạo nên một môi trường thấm đẫm văn hóa. Đó là những bài học đắt giá vô hình mà in hằn vào ý thức của con trẻ, khiến cho con có thể được thừa hưởng giá trị tinh thần vô giá đó của thế hệ đi trước và lấy nó làm tài sản của riêng mình. Việc bạn đi xe gì, mặc quần áo ra sao, khoác trên người những hàng hiệu gì chỉ nói lên tài chính của riêng bạn. Còn bạn cư xử ra sao, nói năng, ăn uống, đi đứng, sống và làm việc như thế nào người ta sẽ nhìn thấy cả truyền thống văn hóa gia đình, rộng hơn nếp nhà, nếp dòng tộc của bạn.

Khi đã trở thành nếp nhà, nếp người thì những ứng xử văn hóa tự nhiên trở thành bản chất của mỗi người, tự động bật ra trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Nếu chẳng may có chút lệch chuẩn, những người có văn hóa căn bản cũng sẽ tự động điều chỉnh hành vi của bản thân một cách nhanh gọn và có ý thức. Đó chính là lí do tại sao gia đình vẫn là nền tảng quan trọng và vững chãi để hình thành nên một cộng đồng có lề lối ứng xử văn minh.

Triển lãm “Bình an sau bão giông” chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam Triển lãm “Bình an sau bão giông” chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam
Gia đình Quyền Linh là đại sứ của chương trình “Mẹ đỡ đầu - Yêu thương và sẻ chia” Gia đình Quyền Linh là đại sứ của chương trình “Mẹ đỡ đầu - Yêu thương và sẻ chia”
Huyện Mê Linh chú trọng xây dựng gia đình văn hóa Huyện Mê Linh chú trọng xây dựng gia đình văn hóa

Thạc sĩ Nguyễn Xuân Thái

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/