Người phạm tội hiếp dâm có thể không bị ngồi tù nếu bồi thường, hòa giải với nạn nhân?

18:00 | 02/07/2022
TTTĐ - Thời gian gần đây, tội hiếp dâm “nóng” trở lại với số lượng và tính chất ngày càng phức tạp. Đây là vấn đề gây nhức nhối, bức xúc trong xã hội. Nhiều trường hợp, đối tượng phạm tội hiếp dâm dùng tiền để hòa giải, bồi thường cho gia đình nạn nhân với mong muốn không phải ngồi tù. Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Đức Hùng đã đưa ra phân tích với những căn cứ cụ thể của pháp luật Việt Nam hiện hành.
Thái Bình: Khởi tố, bắt tạm giam thầy giáo hiếp dâm học sinh Kẻ đồi bại 2 lần hiếp dâm bé gái trong vườn chuối Kẻ khống chế, sàm sỡ cô gái ở nhà trọ có dấu hiệu phạm tội hiếp dâm

Người bị hại có quyền quyết định

Theo quy định tại khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hay bằng các thủ đoạn khác để thực hiện giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân thì có thể bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm.

Thực tế, nhiều trường hợp sau khi nạn nhân yêu cầu khởi tố vụ án, người thực hiện hành vi vi phạm đã đề nghị hòa giải và bồi thường một khoản tiền nhất định. Việc làm này nhằm thuyết phục gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại để không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về việc khởi tố theo yêu cầu của bị hại, khoản 1, Điều 155, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 quy định:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các Điều 134, 135, 136, 138, 141, 143, 155 và 156 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì trường hợp người phạm tội bị khởi tố theo khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự về tội hiếp dâm thuộc một trong các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại.

Do đó, nếu người thực hiện hành vi hiếp dâm đã tiến hành hòa giải, bồi thường cho người bị hại và người bị hại không có yêu cầu khởi tố vụ án thì người vi phạm sẽ không bị khởi tố.

Ngoài ra, theo khoản 2, Điều 155, Bộ luật này, trường hợp người bị hại đã yêu cầu khởi tố vụ án nhưng sau khi hòa giải xong lại rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Có thể thấy rằng, sau khi hòa giải xong và nhận bồi thường, người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố vụ án thì Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát sẽ đình chỉ vụ án. Khi đó, người có hành vi hiếp dâm theo khoản 1, Điều 141, Bộ luật Hình sự có thể không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không bị đi tù.

Nếu bị khởi tố, đối tượng phạm tội hiếp dâm đối mặt án cao nhất là chung thân

Nhiều đối tượng vì những lý do khác nhau mà không lường trước được hành vi phạm tội hiếp dâm. Trên phân tích các trường hợp thực tế, đối tượng phạm tội và nạn nhân thường có sự quen biết hoặc nạn nhân bị để ý, quan sát từ trước, khi sơ hở thì đối tượng phạm tội thực hiện hành vi hiếp dâm…

Cụ thể như trường hợp gần đây nhất, thấy thiếu nữ đang ngủ say, phòng lại không chốt cửa, đối tượng Nguyễn Quang Huy (23 tuổi, trú tại Ninh Bình) là hàng xóm của nạn nhân, đã lẻn vào thực hiện hành vi hiếp dâm.

Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Huy để điều tra về hành vi này.

Đối tượng Nguyễn Quang Huy
Đối tượng Nguyễn Quang Huy

Theo quy định tại Điều 141, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017, các khung hình phạt chính áp dụng với tội này như sau:

Phạt tù từ 2 - 7 năm với trường hợp giao cấu hoặc quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân bằng các hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác.

Phạt tù từ 7 - 15 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Có tổ chức; Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; Nhiều người hiếp một người; Phạm tội 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Có tính chất loạn luân; Làm nạn nhân có thai; Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31 - 60%; Tái phạm nguy hiểm.

Phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.

Trường hợp phạm tội đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi, người phạm tội bị phạt tù từ 5 - 10 năm; Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khung hình phạt 2 hoặc khung hình phạt 3 thì bị xử phạt theo mức hình phạt quy định tương ứng.

Bên cạnh hình thức xử phạt chính nêu trên, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm.

Hoa Thành

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/