Công an xác minh tố giác sai phạm của Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

15:00 | 06/07/2022
TTTĐ - Công an TP Hà Nội đang xác minh thông tin tố giác ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật trong việc mua sắm giấy in sách giáo khoa phục vụ năm học 2022 - 2023.
Luật sư đề nghị làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Nhà Xuất bản GDVN Lãi lớn từ sách giáo khoa, lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thu nhập khủng cỡ nào? Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có coi thường pháp luật? Kỷ luật Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam do sai phạm về sách giáo khoa

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội đang giải quyết đơn tố giác của công dân về việc ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có dấu hiệu vi phạm các quy định của Luật Đấu thầu năm 2013; Luật Quản lý và sử dụng tài sản công năm 2017 trong việc thực hiện mua sắm vật tư (giấy in sách giáo khoa) phục vụ năm học 2022 - 2023.

Được biết, việc giải quyết đơn tố giác về tội phạm nêu trên được thực hiện theo quyết định phân công giải quyết nguồn tin về tội phạm số 1006/PC03-Đ4 của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội.

Chiều 6/7, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội xác nhận với phóng viên việc cơ quan này đang xác minh thông tin tố giác ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Công an xác minh tố giác sai phạm của Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam
Ông Nguyễn Đức Thái thời điểm được bổ nhiệm lại vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. (Ảnh: website Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Theo quyết định, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm nghiêm trọng, đến mức phải kỷ luật như: Có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới.

Đồng thời, ông Nguyễn Đức Thái cũng thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.

Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, đánh giá toàn diện hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nói chung cũng như quá trình xuất bản sách giáo khoa nói riêng và có một số vấn đề cần kiểm tra, làm rõ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, vào tháng 3/2017, ông Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhiệm kỳ 2014 - 2019. Sau đó, đến tháng 10/2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm lại ông Nguyễn Đức Thái giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam nhiệm kỳ 2019 - 2024 đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Nhà nước.

Công an xác minh tố giác sai phạm của Chủ tịch HĐTV Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam
Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam

Cũng theo tài liệu của phóng viên có được, năm 2021, ông Nguyễn Đức Thái - Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam có thu nhập cao ngất ngưởng, cao nhất doanh nghiệp này với mức lương 544,3 triệu đồng/năm cộng với khoản 120 triệu đồng tiền thưởng và thu nhập khác. Như vậy, tổng thu nhập năm 2021 của ông Thái lên tới hơn 660 triệu đồng.

Trước đó, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã thông tin, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo đại diện Nhà nước sở hữu 100% vốn. Đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Là doanh nghiệp Nhà nước, theo quy định, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải công bố thông tin định kỳ về chiến lược phát triển; Kế hoạch sản xuất, đầu tư; Báo cáo tài chính bán niên và cả năm, báo cáo chế độ lương thưởng...

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã không công bố báo cáo tài chính, kế hoạch kinh doanh hằng năm trên website của công ty lẫn cơ quan quản lý vốn là Bộ Giáo dục và Đào tạo dù có tóm lược số liệu tài chính. Về báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có thực hiện công bố nhưng không đầy đủ, năm có năm không.

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố thông tin doanh nghiệp đầy đủ, đặc biệt là các báo cáo tài chính hằng năm khiến dư luận đặt nghi vấn về tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh sách giáo khoa của đơn vị này. Trong khi việc tăng giá sách giáo khoa đang là vấn đề gây bức xúc với phụ huynh học sinh cũng như công chúng trong thời gian qua.

Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 61 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu, Bộ Tài chính có trách nhiệm công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Cụ thể, ngày 18/9/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước. Mới nhất, Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp của Chính phủ cũng đã nêu việc công bố thông tin của doanh nghiệp Nhà nước phải đầy đủ, chính xác và kịp thời theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp; Bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan Nhà nước và xã hội.

Theo ý kiến của vị luật sư, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ một lượng lớn vốn, tài sản của Nhà nước, đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô, hoạt động trong những lĩnh vực mà khối tư nhân không tham gia hoặc do độc quyền tự nhiên; Cung cấp những sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, quan trọng đối với nền kinh tế.

Do đó, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước là một trong những công cụ hữu hiệu để các cơ quan có thẩm quyền thực hiện giám sát việc thực thi các nhiệm vụ được Nhà nước giao và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước tại các doanh nghiệp này.

Theo đó, việc công khai thông tin giúp chia sẻ, minh bạch hóa thông tin trong nội bộ doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý Nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan (ví dụ: Người lao động, nhà đầu tư, đối tác kinh doanh...).

Đồng thời, Nhân dân là chủ sở hữu thực sự của doanh nghiệp Nhà nước; Cơ quan đại diện chủ sở hữu và những người có liên quan chỉ được ủy quyền để thực thi quyền sở hữu của Nhân dân đối với doanh nghiệp.

Vì vậy, cần thiết phải công bố thông tin, giải trình để Nhân dân có cơ sở đánh giá, xác thực rằng các tổ chức, cá nhân được ủy quyền đại diện đang hành động vì lợi ích của Nhân dân và đang sử dụng có hiệu quả nguồn lực (trong đó có nguồn gốc từ tiền thuế của Nhân dân) được Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Luật sư cho rằng, việc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam không công bố đầy đủ thông tin doanh nghiệp thì cần phải làm rõ trách nhiệm của đơn vị đại diện sở hữu vốn Nhà nước là Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau đó là trách nhiệm trực tiếp của lãnh đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.

"Mặc dù theo quy định, người quản lý sẽ bị khiển trách hoặc cảnh cáo, doanh nghiệp bị xử phạt hành chính nếu không thực hiện công bố thông tin theo quy định. Tuy nhiên, chế tài hiện hành chưa đủ nặng để bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ, do đó, tôi cho rằng phải tăng mạnh chế tài xử lý, đặc biệt là người đứng đầu đơn vi vi phạm và đại diện sở hữu", vị luật sư nhận định.

Hậu Lộc

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/