Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới

12:00 | 05/08/2022
TTTĐ - Sáng 5/8, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng Nông thôn mới Phát triển sản phẩm OCOP khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn Phát huy tiềm năng, xây dựng huyện Phúc Thọ ngày càng văn minh, giàu đẹp Xây dựng huyện Thường Tín thành quận: Bắt đầu từ Nông thôn mới kiểu mẫu

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Báo cáo công tác xây dựng Nông thôn mới của cả nước trong thời gian qua, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết: Mục tiêu xây dựng Nông thôn mới đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới.

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới
Ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại hội nghị

Trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn Nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện Nông thôn mới nâng cao, huyện Nông thôn mới kiểu mẫu.

Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn Nông thôn mới. Đến năm 2025, cả nước sẽ có khoảng từ 17 đến 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; Phấn đấu 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới theo các tiêu chí Nông thôn mới do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quy định.

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới
Toàn cảnh Hội nghị

Như vậy, so với giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 bổ sung thêm một số mục tiêu phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu và cấp thôn đạt chuẩn Nông thôn mới.

Đồng thời, để cụ thể hóa mục tiêu phấn đấu xây dựng Nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu) đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 25, Thủ tướng Chính phủ giao mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cho từng vùng, miền, làm cơ sở để các địa phương xác định mục tiêu cụ thể và triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Chương trình thực hiện trên địa bàn 8.227 xã (bao gồm cả 1.458 xã khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi, 54 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, 659 đơn vị cấp huyện (bao gồm cả 74 huyện nghèo thuộc 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Đối với cấp xã, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới, Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới nâng cao và Quy định về xã Nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, giữ nguyên bố cục và nội hàm của Bộ tiêu chí giai đoạn 2016-2020 để áp dụng cho các xã phấn đấu đạt chuẩn trong giai đoạn 2021-2025, với số lượng 19 tiêu chí, bao gồm 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020).

Quy định các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc huyện nghèo và huyện vừa thoát nghèo giai đoạn 2018-2020, mức đạt chuẩn Nông thôn mới được áp dụng theo quy định đạt chuẩn đối với vùng Trung du miền núi phía Bắc. Đây là điểm quy định mới để tháo gỡ các khó khăn cho một số địa phương trong giai đoạn 2016-2020.

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới
Các sản phẩm OCOP trưng bày bên lề hội nghị

Phát biểu tại hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Xây dựng Nông thôn mới là một trong 3 chương trình Mục tiêu Quốc gia kỳ vọng góp phần chuyển đổi nông nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nông dân và người dân nông thôn, mang lại những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới. Qua đó tiếp cận mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

“Chúng ta biết rằng, kết quả hơn 10 năm triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới ở 2 nhiệm kỳ trước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá là “toàn diện, to lớn và có tính lịch sử”. Đó là những bài học và động lực để chúng ta quyết tâm đạt được trọn vẹn mục tiêu của Chương trình”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới

Bộ trưởng cũng cho rằng: Với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, Chương trình Nông thôn mới phải là trách nhiệm của tất cả cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ. Do đó, từng cơ quan, đơn vị trong Bộ, tuỳ theo chức năng của mình, xây dựng kế hoạch hành động tham gia Chương trình một cách cụ thể, sáng tạo để hỗ trợ địa phương thúc đẩy xây dựng Nông thôn mới.

Bộ trưởng cũng nêu 5 vấn đề mà ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải đồng thuận triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Tính đến hết tháng 7/2022, cả nước đã có 5.813/8.227 xã (70,7%) đạt chuẩn Nông thôn mới (tăng 2,4% so với cuối năm 2021), trong đó, có 803 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao (tăng 300 xã so với cuối năm 2021) và 94 xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu (tăng 51 xã so với cuối năm 2021).

Phải chủ động, sáng tạo hỗ trợ các địa phương xây dựng Nông thôn mới

Toàn quốc hiện có 254 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn Nông thôn mới, tăng 41 đơn vị so cuối năm 2021 (chiếm khoảng 39,2% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); 18 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới, trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Về kết quả thực hiện Chương trình OCOP, hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong tổng số 8.340 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 4.273 chủ thể, có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm 5 sao. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.

THANH HOÀI

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/