Trở về với mẹ ta thôi…

09:35 | 07/08/2022
TTTĐ - “Trở về với mẹ ta thôi/ Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”. Những câu thơ của thi nhân Đồng Đức Bốn mang đầy nỗi đắng cay xa xót, như lời nhắc nhở đến tận tâm can mỗi người con. Nỗi đau mồ côi cha mẹ là nỗi đau khiến mỗi người cảm thấy day dứt, tiếc nuối nhất cuộc đời. Vì thế, “Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc/ Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không”. Vu lan này, bạn cài bông hồng nào lên áo? Bạn có đặt tay lên trái tim mình tự hỏi: Mình đã làm được gì cho cha mẹ vui lòng?
Mai Trần Lâm hát "Vu lan nhớ mẹ" tri ân "Ơn nghĩa sinh thành"

Tiết Vu lan với những bông hồng cài áo

Một năm 12 tháng, trong vòng quay của đất trời có bao nhiêu lễ tiết. Nếu như Tết Nguyên đán có 3 ngày, Tết Trung thu và các lễ chỉ một ngày thì riêng Vu lan lại có cả một “mùa”. Mùa đây không phải là bốn mùa xuân hạ thu đông được chia đều trong 12 tháng. Mùa đây không phải là sự nóng lạnh của thời tiết, lên xuống của thủy triều, góc nghiêng của mặt trời, mặt trăng, trái đất. Mùa đây là trọn vẹn gói gọn trong tháng 7 Âm lịch để mỗi người tròn đầy hơn với chữ hiếu của mình.

Cũng giống như các ngày tôn vinh phụ nữ, nhà giáo, bác sĩ… tri ân là điều chúng ta nên thực hiện quanh năm, suốt đời nhưng mùa Vu lan để nhấn mạnh hơn, là dịp chúng ta thể hiện sâu sắc hơn, nhiều hơn nữa chữ hiếu của mình đối với cha mẹ. Để cả một năm trời bận rộn với các công việc bên ngoài, với những mối quan hệ bên ngoài thì hãy dành lấy mấy ngày, một ngày, thậm chí chỉ vài giờ trong tháng 7 này thôi, trở về với ngôi nhà xưa.

Ngôi nhà ấy với từng viên gạch, từng góc rêu, từng bờ tường, với mảnh sân, gốc cây gắn bó với ta suốt thời thơ bé. Là chiếc giường nhỏ đơn sơ, là tiếng thạch sùng kêu mỗi đêm thanh vắng. Là tiếng ve đổ ran trưa hè, là giàn mướp, dậu mùng tơi quen thuộc với từng bữa cơm gia đình trôi qua thời thơ ấu bên bếp lửa ấm áp trong tiếng mưa, tiếng gió mùa ào ạt ngoài kia.

Vu lan này bạn cài bông hồng màu trắng hay màu đỏ?
Vu lan này bạn cài bông hồng màu trắng hay màu đỏ?

Cao cả hơn tất thảy, quan trọng hơn tất thảy, ngôi nhà xưa ngậm mưa nắng thời gian ấy có bóng mẹ, bóng cha ngày càng hao khuyết đi với thời gian. Khi bạn trở về ngôi nhà ấu thơ, có người chờ đón, có bóng cha mẹ ngồi đợi, trong lòng bạn biết bao vui mừng, hạnh phúc. Càng nhân lên niềm vui, càng nhộn lên không khí gia đình khi bạn dẫn theo những đứa con của mình. Chúng sà vào lòng ông bà, làm “chật” ngôi nhà bằng những tiếng chí chóe cãi cọ, cười đùa, bằng những tiếng cười nói không dứt của mình.

Ở đó, bạn sẽ thấy một sự nối tiếp từ ông bà đến cha mẹ đến con cháu. Ở đó, bạn cảm nhận dòng thời gian chảy trôi rất nhịp nhàng, mang đến cho bạn biết bao điều. Nếu gia cảnh ngày xưa khó khăn, cha mẹ nuôi bạn ăn học nên người, giờ bạn phương trưởng thành đạt, xây sửa được ngôi nhà khang trang hơn, báo đáp cha mẹ một cuộc sống đầy đủ hơn thì bạn càng cảm nhận được sự đổi thay, khấm khá trong cuộc đời mình, bạn càng thấy yêu thương, trân trọng hơn nỗi vất vả mà cha mẹ ngày xưa đã trải qua để cho bạn cuộc sống đến ngày nay.

Rồi một ngày, khi ta trở về, ngôi nhà xưa vắng lặng. Sân đầy lá rụng. Vườn cây xào xạc. Ngôi nhà xưa còn đó mà cứ rộng thông thênh chống chếnh cõi lòng. Đó là điều mọi người đều biết sẽ xảy ra nhưng ai cũng mong rằng nó không xảy đến. Hoặc đến thật chậm, thật chậm thôi. Để ta còn những ngày được thêm một lần nép dưới bóng mẹ cha, dù ta đã như con chim đủ lông đủ cánh bay khắp bốn phương trời.

Bông hồng của bạn năm nay màu gì, nằm trên ngực áo mang đến niềm ấm áp hay là một sự hụt hẫng trống vắng không gì bù đắp nổi?

Cả đời là tiết Vu lan

“Cả đời là tiết Vu lan/ Con thời bất hiếu mẹ ngàn lần đau”. Sự thành đạt, phương trưởng của con cái là niềm mong mỏi, tự hào, là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Đối lập với đó, con cái bất hiếu, làm nên những điều sai trái thì cha mẹ vô cùng đau đớn, xấu hổ với xóm làng. Do đó, trong một xã hội hiện đại nhiều cám dỗ như ngày nay, sống làm người tử tế cũng chính là một cách để báo hiếu cha mẹ đã sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ ta thành người.

… Trở về với mẹ ta thôi

Giữa bao la một khoảng trời đắng cay

Mẹ không còn nữa để gầy

Gió không còn nữa để say tóc buồn

Người không còn dại để khôn

Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm

Tôi còn nhớ hay đã quên

Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ

Nhuộm tôi hồng những câu thơ

Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời

Trở về với mẹ ta thôi

Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.

Hãy báo hiếu khi mẹ cha còn sống bằng những việc làm chân thành và thiết thực (Ảnh minh họa)
Hãy báo hiếu khi mẹ cha còn sống bằng những việc làm chân thành và thiết thực (Ảnh minh họa)

“Mẹ không còn nữa để gầy”, một lần nữa câu thơ của thi sĩ tài hoa Đồng Đức Bốn lại như xoáy sâu vào lòng chúng ta một niềm đau khôn tả. Bình thường, chúng ta nhiều khi đổ lỗi cho sự bận rộn công việc, con cái với nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu tại nơi phố thị mà dằn lòng mình lại, rằng mẹ cha quen cảnh quê nhà, có đợi chờ thêm một vài ngày cũng không sao. Thế rồi, bẵng đi, khi ta muốn có người đợi cũng không còn nữa. Sự hối hận muộn màng này sẽ khiến chúng ta cả đời day dứt không cách nào lấy lại được. Vì lẽ đó, những ai còn cha mẹ, vào tiết Vu lan này nên ngừng lại một vài khắc giữa nhịp sống cuồng quay để thấy mình còn được hưởng niềm hạnh phúc vô bờ ấy.

Tiết tháng 7 Âm lịch vào lúc trời chuyển mùa, mưa nắng thất thường. Người già dễ ốm đau. Những viên thuốc chữa bệnh cũng là tốt nhưng có lẽ, với đấng sinh thành của chúng ta thì sự động viên, hỏi han, thăm nom của con cháu chính là “thuốc tiên” chữa lành mọi đau đớn buồn phiền của tuổi già.

Tiết Vu lan năm nay, không còn cảnh giãn cách, hạn chế tiếp xúc như năm ngoái, mỗi người tự chọn cho mình những cách để thể hiện tình cảm của mình với cha mẹ khác nhau. Tại Hà Nội, có những nhóm bạn rủ nhau mặc pháp phục, lên chùa đọc kinh làm lễ cho mẹ cha đã khuất hoặc cầu mong sức khỏe cho đấng sinh thành. Có những người chọn biếu cha mẹ một chuyến du lịch để ông bà tận hưởng niềm vui khám phá các miền đất mới.

Cũng có người chọn cách đưa con cháu trở về nấu những bữa cơm gia đình, kể cho con cái nghe chuyện thời xưa của mình. Đó là cách để gia đình gắn bó hơn, con cháu yêu thương kính trọng ông bà hơn, cũng là có thêm những kỉ niệm giữa những người thân yêu với nhau. Dù chỉ một ngày hay một buổi thôi, rồi chúng ta lại trở về với nhịp sống hối hả hàng ngày nhưng trong lòng chúng ta, cả mùa Vu lan ấy ấm áp hơn nhiều lắm.

Bạn sẽ chọn cách gì để báo hiếu mẹ cha, để một mùa Vu lan trôi qua không hờ hững? Dù với cách nào, điều quan trọng nhất là tình cảm của bạn gửi gắm vào trong từng hành động, việc làm. Bởi lẽ, chỉ có tình cảm mới là thứ cao quý, bền chặt, gắn bó chúng ta nhất chứ không phải bất cứ món quà đắt đỏ hay một hành động mang tính hình thức nào. Đó mới chính là việc chúng ta “trở về với mẹ” một cách chân thành, thiết thực nhất.

Tiếng chuông “Ơn nghĩa sinh thành” giúp chúng ta cảnh tỉnh trước những cám dỗ của cuộc đời Tiếng chuông “Ơn nghĩa sinh thành” giúp chúng ta cảnh tỉnh trước những cám dỗ của cuộc đời
Báo Tuổi trẻ Thủ đô nối dài những hoạt động mang đến giá trị nhân văn cho cuộc sống Báo Tuổi trẻ Thủ đô nối dài những hoạt động mang đến giá trị nhân văn cho cuộc sống
Đạo diễn Vũ Minh Ly: “Ơn nghĩa sinh thành” mang lại nguồn cảm hứng về Chân - Thiện - Mỹ Đạo diễn Vũ Minh Ly: “Ơn nghĩa sinh thành” mang lại nguồn cảm hứng về Chân - Thiện - Mỹ

Cẩm Tú

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/