Đại đức Thích Bản Hoan nhắn nhủ bạn trẻ làm gì để giữ trọn đạo hiếu

22:54 | 10/08/2022
TTTĐ - Tham dự chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành” với vai trò là khách mời, Đại đức Thích Bản Hoan đã có những chia sẻ đầy xúc động và ý nghĩa về nguồn gốc của ngày lễ Vu lan và nhắn nhủ bạn trẻ cần làm gì để giữ trọn chữ Hiếu trong thời đại công nghệ 4.0.
Đại lễ Vu Lan báo hiếu 2017: Tôn vinh 10 tấm gương đạo hiếu tiêu biểu Tọa đàm Ngày Tết nói về đạo Hiếu

Lễ Vu lan nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên ơn cha mẹ

Chia sẻ trên sóng truyền hình trực tiếp của chương trình “Ơn nghĩa sinh thành”, Đại đức Thích Bản Hoan cho biết rất vui và cảm thấy hạnh phúc khi đã được tham gia với cương vị khách mời. "Tôi rất tâm đắc câu câu thơ của nhà thơ Xuân Quỳnh: “Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn, âm nhạc là công cụ truyền tải đạo đức nhanh nhất và chạm vào trái tim nhanh nhất. Và tôi cũng xin tán thán công đức của ban tổ chức đã làm nên chương trình nghệ thuật này", đại đức chia sẻ.

Đại đức Thích Bản Hoan nhắn nhủ bạn trẻ làm gì để giữ trọn đạo hiếu
Khán giả xúc động khi lắng nghe các ca khúc da diết về tình cảm gia đình tại chương trình

Nói về nguồn gốc của Lễ Vu lan, Đại đức cho biết: Lễ Vu lan xuất phát từ sự tích Phật giáo được ghi lại trong kinh Vu Lan Bồn. Theo kinh Vu Lan Bồn, Lễ Vu Lan phát xuất từ thời Đức Phật; Ngài đã dạy phương thức báo hiếu cho cha mẹ ở đời này và nhiều đời khác. Người đầu tiên tiếp nhận chính là Tôn giả Mục Kiền Liên - một trong 10 vị đệ tử xuất chúng của Đức Phật.

Kinh "Vu Lan Bồn" có ghi lại: vào thời Đức Phật còn tại thế (còn sống), khi Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, tưởng nhớ mẫu thân, Ngài đã dùng tuệ nhãn kiếm tìm mẹ mình trong sáu cõi Lục Đạo, Ngài liền thấy mẹ mình đang ở trong loài ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Thương mẹ, Ngài đã vận thần thông xuống cõi ngạ quỷ dâng bát cơm cho mẹ. Rất tiếc, bà Thanh Đề còn quá sân si và bởi ác nghiệp còn quá nặng nên khi bốc cơm đưa vào miệng thì cơm biến thành lửa. Tôn giả Mục Kiền Liên không có cách nào cứu được mẹ nên Ngài liền quay về hỏi Đức Phật.

Đức Phật dạy rằng: "Dù ông có thần thông quảng đại như thế nào cũng không đủ sức cứu mẹ ông, chỉ có một cách là nhờ sự hợp lực của chư tăng khắp nơi, sau 3 tháng an cư kiết hạ cùng tập trung chú nguyện mới có thể chuyển hoá được nghiệp lực giúp mẹ ông thoát khỏi cảnh khổ".

Đại đức Thích Bản Hoan nhắn nhủ bạn trẻ làm gì để giữ trọn đạo hiếu
Nhiều khán giả lớn tuổi không kìm được nước mắt khi xem chương trình

Tôn giả Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật, cung thỉnh chư Tăng, sắm sửa lễ cúng vào ngày 15/7 Âm lịch.

Sau đó, mẹ của ngài được giải thoát. Trong dịp này Đức Phật cũng dạy: Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp) mà làm". Từ đó, ngày Lễ Vu lan ra đời.

Ngoài ra, trong dịp lễ Vu lan, là một sự nhắc nhở không bao giờ quên ơn cha mẹ, đồng thời giữ nền nếp gia phong, anh em hòa thuận.

Ngày nay, Đại lễ Vu lan đã được hiểu với ý nghĩa rộng hơn: Kêu gọi ý thức xã hội về tinh thần đền ơn đáp nghĩa, khuyến khích con người tri ân, đền ơn bốn nguồn ân đức.

Nhắn nhủ người trẻ giữ tròn đạo hiếu

Đức Phật có dạy về bổn phận của người con đối với cha mẹ. Vu lan là dịp để mỗi người chúng ta lắng lại nhìn về những bổn phận này.

Theo Đại đức Thích Bản Hoan, Đạo Phật rất chú trọng đến chữ "Hiếu". Đức Phật có dạy: Mỗi gia đình đều có 2 vị Phật sống đó là cha ta và mẹ ta nếu chúng ta không biết hiếu kính với cha mẹ thì dù có đi lễ khắp mọi nơi chân trời góc bể thì cũng vô ích vì ngay cha mẹ ta mà không tốt được thì chúng ta cũng sẽ không tốt được với ai.

Đạo hiếu luôn là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, con người phải chạy theo nhiều những giá trị vật chất, vậy làm thế nào để chúng ta có thể giữ trọn và làm sáng thêm chữ hiếu?

Đại đức Thích Bản Hoan nhắn nhủ bạn trẻ làm gì để giữ trọn đạo Hiếu
Đại đức Thích Bản Hoan chia sẻ với khán giả trên sóng truyền hình về ý nghĩa của ngày lễ Vu lan và bạn trẻ cần làm gì để giữ tròn đạo hiếu

Đại đức chia sẻ: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đang chóng mặt, con người cũng chạy đua với thời gian mà quên đi bổn phận và trách nhiệm hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Sự tác động của công nghệ 4.0 đã làm con người ta dần quên đi những truyền thống xưa, chạy theo những thứ hiện đại.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực như tệ nạn xã hội, sự suy thoái về giá trị đạo đức, nhất là chữ “Hiếu” đang bị xói mòn bởi lối sống thực dụng, trọng về vật chất hơn tình cảm. Tuy nhiên, làm tròn chữ “Hiếu” ngoài việc nuôi dưỡng, cúng dường cha mẹ với của cải vật chất, tiền bạc… tất cả những điều đó vẫn chưa đủ.

Trên thực tế vẫn có không ít những câu chuyện thương tâm mà chúng ta được nghe qua từ các phương tiện truyền thông đưa tin vẫn đang diễn ra hàng ngày như: Con cái đối sử tệ bạc với cha mẹ, anh em đùn đẩy nhau không chịu nuôi cha mẹ… Có bao giờ chúng ta đặt mình vào vị trí của cha mẹ chưa? Thật vậy, cha mẹ đã hy sinh tất cả để cho các con nên người.

Vậy làm thế nào để chúng ta có thể giữ trọn và làm sáng thêm chữ hiếu? Theo quan điểm cá nhân của tôi thì điều đầu tiên chung ta dù giàu hay nghèo thì hãy đặt địa vị mình là cha mẹ lúc về già con cái mình đối sử với mình như nào và hãy nhớ câu: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó.

Để làm sáng thêm chữ Hiếu mỗi chúng ta là một tâm gương cho con cháu “Nhân tốt thì quả tốt”. Tuyên truyền ca gợi nhiều tấm gương hiếu kính.

Đức Phật nói trong kinh Trường Bộ, về bổn phận của cha mẹ cũng có năm trách nhiệm đối với con cái: Ngăn chặn con làm điều ác; Khuyến khích con làm điều thiện; Dạy con nghề nghiệp; Cưới vợ xứng đáng cho con (vợ dại hại 3 đời); Đúng thời trao của thừa tự cho con. Cha mẹ không chỉ nuôi dưỡng con cái đến trưởng thành mà còn phải có trách nhiệm dạy dỗ con trở thành người có ích trong xã hội”.

Hương Ly

Bản quyền thuộc https://tuoitrethudo.com.vn/